Bức tranh tài chính của VNG Limited: Liệu 'kỳ lân' Việt Nam có làm nên chuyện khi IPO trên đất Mỹ?
Tờ Tech in Asia có bài phân tích lý giải vì sao kỳ lân công nghệ đời đầu của Việt Nam là VNG lại bỏ lỡ "bữa tiệc" IPO do Grab khởi xướng tại khu vực. Trong bài viết này, tờ báo chỉ ra điểm tương đồng của VNG với một công ty khác trong khu vựa là SEA Group - công ty mẹ của Shopee khi có nguồn lợi nhuận chủ yếu đến từ mảng kinh doanh trò chơi, chiếm hơn 80%.
Cũng giống như SEA Group, VNG đã mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty sang nhiều lĩnh vực như tài chính, truyền thông hay ứng dụng nhắn tin, lưu trũ đám mây... Tuy vậy, điểm khác biệt của VNG so với SEA là công ty chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và điều đó có thể không đủ hấp dẫn đối với một số nhà đầu tư nước ngoài.
"VNG đang chuẩn bị IPO vào một thời điểm rất khác lạ. Sẽ rất thú vị để xem thị trường phản ứng thế nào với công ty khởi nghiệp của Việt Nam. Doanh nghiệp này đang hoạt động trong một thị trường mới nổi (Việt Nam - pv). Đây là thị trường phát triển nhanh nhưng tốc độ tăng trưởng của VNG đã đi ngược kỳ vọng và nhìn chung vẫn đang thua lỗ", ký giả Simon Huang của Tech in Asia nhận định.
Trong bản cáo bạch, VNG cho thấy tốc độ tăng trưởng dường như đang chậm lại và công ty muốn mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội đầu tư vào “hệ sinh thái kỹ thuật số cây nhà lá vườn” đang phát triển tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Không giống như SEA Group, VNG chuẩn bị niêm yết trong bối cảnh thị trường suy thoái và tăng trưởng chậm chạp. Kỳ lân của Việt Nam đạt doanh thu 316 triệu USD trong năm 2022 và 166 triệu USD trong nửa đầu năm 2023, tăng lần lượt 2% và 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, SEA Group được niêm yết vào tháng 10/2017 và doanh thu 6 tháng đầu năm 2017 tăng 17% so với cùng kỳ.
Một số rào cản vẫn cần VNG giải quyết. Đầu tiên, VNG đang sở hữu nền tảng nhắn tin Zalo với hơn 75 triệu người dùng - dẫn đầu thị trường và ứng dụng thanh toán Zalo Pay cũng được tích hợp với hy vọng biến Zalo trở thành một WeChat mới, song đây là dường như là lực cản cho lợi nhuận của VNG vì liên tiếp thua lỗ trong những năm qua.
Năm 2020, mảng fintech của VNG lỗ 36 triệu USD, năm tiếp theo lỗ 62 triệu USD và nhiều nhất là năm ngoái với khoản lỗ 85 triệu USD. 6 tháng đầu năm 2023, VNG ghi nhận mảng fintech lỗ 20 triệu USD.
Nhiều năm nay, VNG đã "đốt tiền" cho ZaloPay để kéo người dùng sử dụng nhưng điều đó không hiệu quả. Trong bản cáo bạch nộp Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), VNG cho biết các chiến lược fintech của công ty đã chuyển sang tập trung vào việc thu hút các doanh nghiệp để giảm bớt tình trạng đốt tiền mặt.
Rõ ràng, VNG thừa nhận rằng họ không thể cạnh tranh với những công ty khác trong ngành và công ty đã chuyển hướng sang hợp tác với các đơn vị tài chính khác.
Mảng kinh doanh tích cực nhất ngoài trò chơi có thể là mảng dịch vụ truyền thông của VNG với các sản phẩm như ứng dụng nhắn tin Zalo, dịch vụ âm nhạc Zing MP3, trang tổng hợp tin tức Báo Mới và các nền tảng quảng cáo Adtima và Zalo Ads. Trong giai đoạn 2020-2022, mảng này vẫn duy trì mức lãi nhẹ nhưng trong nửa năm đầu của 2023, mảng này đã báo lỗ tới 6 triệu USD.
Ở một diễn biến khác, dù nguồn thu chỉ đến từ mảng kinh doanh trò chơi nhưng VNG vẫn có vị thế tiền mặt khá mạnh. Tuy vậy, điểm này vẫn đáng lưu tâm bởi các khoản thua lỗ. Khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của công ty luôn dương từ 2020 đến nửa đầu năm 2023.
Dòng tiền từ hoạt động kinh đoanh cũng ghi nhận kết quả tương tự trong giai đoạn này, chỉ trừ năm 2022 bị âm tới 59 triệu USD. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động đầu tư tài chính vẫn chưa thoát khỏi cảnh ngụp lặn.
Trong giai đoạn từ 2020 đến nửa đầu năm 2023, khoản mục này luôn âm với năm 2020 là mức âm 12 triệu USD. Âm 59 triệu USD (2021) và âm 4 triệu USD (2022). Nửa đầu năm 2023, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của VNG âm 11 triệu USD.