IPO ‘bom xịt’ Becamex IDC: Thu về 588 tỷ đồng từ hơn 6% tổng lượng cổ phần chào bán
Phiên đấu giá Becamex IDC sáng ngày 1/12/2017 (ảnh : Minh Anh) |
Sáng nay 1/12/2017 Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã tổ chức đấu giá bán 311,2 triệu cổ phần cổ phần của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC.
Theo đó, có 9 tổ chức và 149 cá nhân trúng giá với mức giá bình quân 31.008 đồng/cp, tăng nhẹ so mức giá khởi điểm (31.000 đồng/cp). Như vậy, Becamex IDC thu về gần 588 tỷ đồng từ phiên đấu giá. Giá đặt mua cao nhất 41.000 đồng/cp, giá đặt mua thấp nhất 31.000 đồng/cp.
Được biết, buổi đấu giá có 158 nhà đầu tư đăng ký tham gia chỉ đặt mua khối lượng gần 19 triệu cổ phiếu. Khối lượng đặt mua cổ phần Becamex IDC chỉ đạt 6,1% tổng lượng chào bán.
Trong đó, đặt mua nhiều nhất là 5 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài với khối lượng 10,64 triệu cổ phiếu; 143 cá nhân trong nước đặt mua gần 5,5 triệu cổ phiếu; 4 nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ đặt mua gần 3 triệu cổ phiếu.
Trước đó, Becamex được phê duyệt phương án bán 311,2 triệu cổ phần, tương ứng 23,63% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm được Becamex IDC công bố là 31.000 đồng/cp.
Được biết phương án cổ phần hóa Becamex IDC, trong đó Nhà nước sẽ nắm giữ hơn 670 triệu cổ phiếu (tương ứng 51% vốn). Lượng cổ phiếu bán đấu giá công khai khoảng 311 triệu (chiếm 23,63% vốn), bán cho cổ đông chiến lược hơn 329 triệu cổ phiếu (tương đương 25% vốn).
Becamex IDC được mệnh danh là “Chaebol đất Bình Dương”, vốn điều lệ 13.170 tỷ đồng, và có vị thế số 1 trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản - hạ tầng, Becamex IDC còn đầu tư đa ngành vào nhiều lĩnh vực phụ trợ như đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…
Trong lĩnh vực tài chính, hiện Becamex IDC đang sở hữu 37% cổ phần của Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) và 20% cổ phần của Bảo hiểm Hùng Vương. Becamex IDC từng nắm giữ cổ phần lớn tại ngân hàng Phương Nam nhưng hiện đã thoái hết vốn khỏi ngân hàng này. Công ty hiện đang sở hữu 1 công ty trong lĩnh vực viễn thông, 3 công ty sản xuất , 2 công ty dược phẩm cùng hệ thống bệnh viện và trường đại học tại Bình Dương.
Báo cáo tài chính năm 2015 cho thấy, Becamex IDC đạt doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng (tăng trưởng 60%) so với năm trước đó. Doanh thu hoạt động tài chính cũng đạt hơn 730 tỷ đồng, chi phí tài chính chủ yếu là chịu lãi vay hơn 320 tỷ. Công ty đem về khoản lãi 690 tỷ đồng trong năm, đáng chú ý không phải chịu bất cứ 1 khoản thuế thu nhập doanh nghiệp nào.
Tài sản ngắn hạn cuối năm 2015 đạt gần 27.000 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền là hơn 2.000 tỷ. Hàng tồn kho của Becamex IDC trong năm 2015 chiếm tỷ trọng hơn 1 nửa trong tài sản ngắn hạn, giá trị gần 14.400 tỷ đồng (tỷ lệ hơn 53%). Công ty đầu tư dài hạn vào các công ty con công ty liên kết gần 8.400 tỷ đồng, trong khi đó thống kê tài sản cố định của Công ty chỉ vỏn vẹn 260 tỷ.
Trong giai đoạn từ 2018 – 2020, Becamex dự kiến tăng vốn thêm 2.670 tỷ đồng, đạt con số 13.170 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của Becamex IDC có phần tỏ ra khiêm tốn, nhất là khi đem so với thời điểm trước năm 2015. Lợi nhuận sau thuế năm 2019, công ty đặt kế hoạch chưa đầy 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó tỷ lệ cổ tức chỉ với khoảng 2%.
Kế hoạch kinh doanh của Becamex IDC giai đoạn 2018 - 2020 |
Trao đổi về vấn đề này, tại phiên đấu giá, ông Quảng Văn Viết Cương, Giám đốc Phòng Đầu tư Becamex IDC chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận của Becamex IDC có phần tỏ ra khiêm tốn là do đây là chủ trương Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi IPO ban chỉ đạo sẽ vạch ra phương hướng hoạt động cụ thể, từ đó mới đưa ra được con số chỉ tiêu cụ thể hơn, còn kế hoạch hiện nay là trên tinh thần khả thi.