|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

iPhone Pro thay đổi thế nào qua 6 năm

16:12 | 21/09/2024
Chia sẻ
Trong 6 thế hệ iPhone Pro từ 2019, Apple về cơ bản không thay đổi nhiều về thiết kế, chỉ bổ sung một số chi tiết nhỏ.

Tính đến thế hệ iPhone 16, Apple đã giới thiệu tổng cộng 46 mẫu điện thoại kể từ năm 2007. Tuy nhiên, chỉ có khoảng bốn lần sản phẩm "lột xác" về ngoại hình trong 17 năm: từ iPhone 2G đến iPhone 3GS trong ba năm; từ iPhone 4 đến iPhone 5s trong bốn năm; từ iPhone 6 đến iPhone X trong 5 năm; và mới nhất là từ iPhone 11 đến iPhone 16 trong sáu năm.

Các mẫu iPhone Pro sau 6 năm.

iPhone 11 Pro và 11 Pro Max ra đời tháng 9/2019, khởi nguồn cho tên gọi "Pro" và cũng như là iPhone đầu tiên trang bị cụm camera ba ống kính. Máy có thêm màu xanh đen Midnight Green bên cạnh ba màu quen thuộc trước đó là đen, trắng và vàng Gold.

Trong khi đó, iPhone 12 Pro và 12 Pro Max năm 2020 cũng có thiết kế tương tự, nhưng cụm camera tăng kích thước do cảm biến lớn hơn. Một chi tiết khác dễ thấy là cạnh viền bo cong chuyển sang dạng phẳng. Đây cũng là thế hệ iPhone đầu tiên trang bị mạng di động 5G. Màu Midnight Green được thay bằng xanh Pacific Blue.

Năm 2021, hai mẫu iPhone 13 Pro và 13 Pro Max ra đời với "tai thỏ" (notch) được làm nhỏ lại, bên cạnh việc bổ sung hai màu xanh là Sierra Blue và Alpine Green.

Một năm sau, Apple trình làng iPhone 14 Pro và 14 Pro Max với điểm khác biệt là phần tai thỏ chuyển thành Dynamic Island hình viên thuốc. Hãng cũng tối ưu phần mềm giúp người dùng nhận thông báo hoặc hiển thị ứng dụng trực quan hơn. Màu tím Deep Purple cũng là yếu tố tạo sức hút của máy khi đó.

Năm ngoái, iPhone 15 Pro và 15 Pro Max có kiểu dáng không thay đổi so với thế hệ trước. Tuy nhiên, Apple vẫn biết cách tạo sự chú ý, khi lần đầu trang bị khung titan nhẹ hơn, bền hơn và cũng tạo cảm giác sang trọng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, cổng Lightning cũng được thay bằng USB-C.

Với iPhone 16 Pro và 16 Pro Max năm nay, đặc điểm được nhắc đến nhiều nhất là phím Camera Control ở cạnh phải, hỗ trợ chụp, quay video, thay đổi cài đặt máy ảnh. Cả hai cũng tăng kích thước màn hình từ 6,1 và 6,7 inch lên 6,3 và 6,9 inch.

Tại sao Apple không vội đổi thiết kế?

"Câu hỏi này rất quen, có thể một số sẽ liên tưởng đến ông hoàng Blackberry với thiết kế huyền thoại rồi thất bại bởi chính cái gọi là 'tỷ lệ vàng'. Nhưng Apple là ngoại lệ. Họ tinh chỉnh từng chút một, tối ưu từng thứ nhỏ nhất thay vì đổi mới hoàn toàn", tài khoản Asim Calidus viết trên Quora.

"Thiết kế iPhone phần lớn giữ nguyên vài năm trở lại đây và iPhone 16 cũng vậy, vì Apple thấy chưa cần thiết phải làm mới. Kiểu dáng iPhone đang là tiêu chuẩn của ngành và không cần phải chuyển sang dạng khác", trang Cnet bình luận.

Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do Apple vẫn duy trì kiểu dáng iPhone trong thời gian dài. Đầu tiên là nhận diện thương hiệu. iPhone là sản phẩm được đón nhận rộng rãi và nổi tiếng nhất.

"Bất kỳ ai cũng có thể nhận ra iPhone ngay lập tức, và đó là điều Apple muốn", Amir Bendabi, một YouTuber chuyên phân tích công nghệ, nói. "Vấn đề không phải iPhone 14, iPhone 15 hay iPhone 16, chỉ đơn giản đó là iPhone - chiếc điện thoại do Apple chế tạo. Chiến lược này giúp hãng duy trì bản sắc thương hiệu mạnh mẽ".

Lý do thứ hai là tiết kiệm chi phí nghiên cứu và sản xuất. Trên Quora, nhà phát triển Jona Arkenson nhận định thiết kế mới tốn nhân lực và tiền bạc hơn do phải thực hiện hàng loạt công đoạn với thời gian có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, từ việc lên ý tưởng cho đến thử nghiệm trước khi sản xuất thương mại.

Khi nhiều thế hệ sản phẩm tương tự nhau, chi phí sản xuất sẽ giảm vì hầu như không cần điều chỉnh máy móc. "Điều này giống với các hãng ôtô thường đổi mới thiết kế xe sau vài năm, thậm chí chục năm", Arkenson viết. "Apple có thể tái sử dụng các bộ phận của điện thoại cũ cho máy mới, cũng như cùng một mẫu khuôn đúc trong dây chuyền, từ đó giảm chi phí gia công".

Apple có truyền thống kiên trì hoàn thiện thiết kế và công nghệ trước khi đưa ra thị trường. Sau đó, họ sẽ gắn bó với thiết kế đó trong một thời gian dài. Sự nhất quán và hệ sinh thái liền mạch không chỉ áp dụng cho iPhone, mà còn cho các sản phẩm khác như Macbook, iPad, Apple Watch. Theo TechRadar, sự nhất quán của Apple giúp củng cố lòng trung thành với thương hiệu. Bên cạnh đó, việc này đóng "vai trò tâm lý", khiến người dùng cảm thấy iPhone của họ bền bỉ hơn, không lỗi thời, không cần nâng cấp thường xuyên.

Hendrick Ho, chuyên gia về khoa học máy tính của Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Apple đang tập trung nhiều vào cải thiện trải nghiệm người dùng. "Sự đổi mới không chỉ diễn ra ở bên ngoài mà còn ở bên trong. Hãy nghĩ về tính năng như MagSafe hoặc Dynamic Island", Ho nói. "Họ chỉ thay đổi nếu nó tốt hơn thiết kế trước đó mà thôi".

Cuối cùng là yếu tố trung thành của khách hàng. Theo thống kê của Demand Sage tại Boston (Mỹ) đầu năm, tính đến hết 2023, Apple bán được hơn 2,3 tỷ iPhone với hơn 1,5 tỷ người đang sử dụng smartphone này thường xuyên. Barrons dẫn lời nhà phân tích Shannon Cross rằng Apple đang tăng trưởng ổn định, vì vậy không có lý do để họ phải làm mới hoàn toàn.

"Apple có lượng khách hàng kỷ lục, tỷ lệ hài lòng cao và thị phần lớn. Họ không cần đột phá về ngoại hình để giữ chân người dùng hay tìm kiếm khách hàng mới", Cross nói.

The Atlantic cũng nhận định Apple giờ đây không phải tìm kiếm khách hàng bằng thiết kế mới mẻ. "Apple tạo thói quen cho người dùng iPhone là cứ có model mới sẽ lên đời. Sản phẩm của hãng lúc nào cũng ăn khách dù nhiều hay ít cải tiến", trang này bình luận.

Một số tin đồn cho thấy Apple cũng đang phát triển iPhone có màn hình gập và trở thành thiết kế đột phá tiếp theo. "Apple sẽ không giới thiệu điện thoại gập rồi sau đó phát hiện lỗi màn hình trong 1-2 năm đầu. Họ đợi cho đến khi công nghệ được chứng minh là đáng tin cậy, sau đó mới đưa vào thiết kế", lập trình viên Benjamin Schollnick viết trên blog. Cũng theo ông, Apple có thể thu nhỏ kính thực tế ảo Vision Pro, biến nó trở thành điện thoại di động hoặc có khả năng hiển thị và điều khiển smartphone mà không cần lấy điện thoại ra khỏi túi.

Bảo Lâm

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.