Indonesia cần nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo, Việt Nam đã cạn hàng?
Doanh nghiệp đã cạn hàng, chỉ còn 1,1 triệu tấn gạo cho xuất khẩu
Xác nhận với báo giới ngày 11/10, ông Arief Prasetyo Adi, Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia cho biết nước này chọn Việt Nam và Thái Lan là hai nguồn cung cấp chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian tới. Việc nhập khẩu sẽ được thực hiện từ cuối tháng 10.
Mọi cơ hội với ngành gạo Việt đã rất rõ ràng, tuy nhiên điều khiến nhiều người lo ngại rằng doanh nghiệp có còn đủ hàng cung cấp cho các đối tác ngay trong quý IV.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng thóc sẽ đảm bảo kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu thóc, gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt đã khuyến cáo các địa phương xuống giống sớm trong tháng 10 và kết thúc trước ngày 10/1/2024 do nguồn nước cho sản xuất lúa Đông Xuân có thể gặp bất lợi.
Ông Cường cho biết trong tháng 1/2024, Việt Nam có khoảng 1,2 triệu tấn thóc của vụ Đông Xuân nhờ đặc thù sản xuất ba tháng/vụ lúa. Do đó, nguồn cung cho nội địa và xuất khẩu vẫn được đảm bảo.
Còn về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng cho rằng lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đang ở mức thấp, đặc biệt là vào cuối vụ Hè Thu.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 605.000 tấn, tương ứng 378 triệu USD, giảm 31% về lượng và giảm 34% về giá trị so với tháng 8.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,4 triệu tấn, tương ứng 3,5 tỷ USD, tăng 20% về lượng và tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
“Lượng xuất khẩu gạo năm 2023 ít nhất ngang với năm 2022, tức hơn 7,1 triệu tấn. Trường hợp nguồn cung dồi dào, lượng xuất khẩu tối đa dự kiến khoảng 7,5 triệu tấn, con số này quá mĩ mãn với ngành gạo”, ông Nguyễn Văn Đôn nói.
7,5 triệu tấn cũng là con số ông Nguyễn Như Cường, dự báo về lượng xuất khẩu gạo năm 2023. Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng lúa của nước ta năm nay đạt khoảng 1,7 triệu ha, năng suất 6,07 tấn/ha. Sản lượng thóc năm nay dự kiến đạt 43 triệu tấn, trong đó nguồn cung dành cho xuất khẩu khoảng trên 15,1 triệu tấn tương đương trên 7,5 triệu tấn gạo.
Nếu đúng như dự báo, dư địa xuất khẩu gạo trong quý IV còn khoảng 1,1 triệu tấn. Ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng thời điểm này chỉ có các doanh nghiệp còn hàng mới có thể chớp lấy cơ hội từ thị trường Indonesia. Kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm 2023 nhiều khả năng vượt 4 tỷ USD nhưng khó chạm tới con số 5 tỷ USD.
Bán giá cao, doanh nghiệp ít trúng thầu trong đợt 1
Để bình ổn thị trường trước kỳ bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào tháng 2/2024, Chính phủ Indonesia cần nhập khẩu thêm 1,5 triệu tấn gạo trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Văn Đôn cho biết trong đợt đấu thầu 500.000 tấn đầu tiên, Việt Nam, Thái Lan là hai nguồn cung chính. Nguồn cung của các quốc gia đều đã cạn nên giá gạo xuất khẩu đang ở mức khá cao.
“Thái Lan tham gia đấu thầu với mức giá 635-648 USD/tấn, còn Việt Nam nhỉnh hơn với 670-680 USD/tấn. Đợt này doanh nghiệp Việt bỏ thầu nhưng ít trúng vì giá cao”, giám đốc công ty Việt Hưng chia sẻ.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia đạt 884.177 tấn với giá trị 462 triệu USD, tăng 17,7 lần về lượng và 19,2 lần về giá trị. Vượt qua Trung Quốc, Indonesia đang là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo.
Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy sau khi Ấn Độ ban hành hàng loạt lệnh cấm, xuất khẩu gạo, giá hàng hóa này của Việt Nam và Thái Lan liên tục đi lên từ tháng 7 đến giữa tháng 8.
Tuy nhiên, giá gạo của Thái Lan đã sụt giảm 11% từ mức đỉnh thiết lập vào giữa tháng 8, xuống còn 581 USD/tấn vào ngày 12/10. Còn hàng Việt Nam có biến động lên xuống, song vẫn giữ mặt bằng trên 600 USD/tấn.
Ông Nguyễn Văn Đôn cho rằng trường hợp Ấn Độ vẫn duy trì lệnh cấm gạo cho đến nửa đầu 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức cao, không dưới 650 USD/tấn. Đồng thời, cơ hội xuất khẩu gạo sẽ gối đầu sang năm 2024, nông dân được hưởng lợi nhờ giá thu mua lúa tốt.