|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

IMF: Nên điều chỉnh chính sách tiền mã hoá thay vì cấm hoàn toàn

14:32 | 28/02/2023
Chia sẻ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ quan điểm muốn phân biệt và điều chỉnh các tài sản tiền điện tử hơn là thực thi lệnh cấm hoàn toàn, mặc dù cho đến bây giờ, các tùy chọn vẫn chỉ là trên mặt lý thuyết.

Theo Cointelegraph, bên lề cuộc họp G20 ở Ấn Độ, giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã khẳng định cơ quan này muốn điều chỉnh tiền mã hoá hơn là cấm hoàn toàn. Cụ thể, bên lề cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G20 tại Bengaluru, bà Kristalina Georgieva đã giải thích cách cơ quan tài chính của Liên Hợp Quốc xem xét các tài sản kỹ thuật số và những gì IMF muốn thấy về mặt quy định, chính sách.

IMF khẳng định không nên cấm hoàn toàn bitcoin, tiền số

“Chúng tôi rất ủng hộ việc điều chỉnh thế giới tiền kỹ thuật số và đây là ưu tiên hàng đầu”, bà Georgieva nói.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg được công bố vào ngày 27/2, giám đốc IMF đã trả lời một câu hỏi về những bình luận gần đây của bản thân liên quan đến khả năng cấm hoàn toàn mã hoá.

Bà cho biết vẫn còn nhiều nhầm lẫn về việc phân loại tiền kỹ thuật số: “Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là phân biệt giữa các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương được hỗ trợ bởi nhà nước và các tài sản tiền điện tử, stablecoin được phát hành công khai trên thị trường”.

Không quản lý tốt, tiền điện tử có thể trở thành mối nguy cho toàn bộ hệ thống tài chính, theo IMF. (Nguồn: Investment Executive) 

Bà Georgieva bổ sung rằng các stablecoin được hỗ trợ đầy đủ tạo ra một “không gian hợp lý tốt cho nền kinh tế”, tuy nhiên, ngược lại thì các tài sản tiền điện tử không được hỗ trợ là đầu cơ, rủi ro cao và không phải là tiền tệ hợp pháp.

Trích dẫn một bài báo gần đây đề xuất các tiêu chuẩn quy định toàn cầu, bà nói rằng tài sản tiền mã hoá không thể được sử dụng như một loại tiền tệ hợp pháp vì chúng không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, tùy chọn cấm tiền mã hoá “không nên bị loại bỏ” nếu chúng bắt đầu gây ra rủi ro lớn hơn đối với sự ổn định tài chính trên toàn cầu, bà cảnh báo.

Tuy nhiên, theo Georgieva, các quy định tốt, khả năng dự đoán chính xác và bảo vệ người tiêu dùng sẽ là một lựa chọn lý tưởng hơn, lúc đó thì việc cấm hoàn toàn tiền số sẽ không cần được đặt lên bàn cân.

Khi được hỏi điều gì có thể dẫn đến quyết định cấm tiền mã hoá, giám đốc điều hành IMF cho rằng việc không có khả năng bảo vệ người tiêu dùng khỏi thế giới tài sản tiền điện tử đang phát triển nhanh chóng sẽ là chất xúc tác chính. IMF, Ban Ổn định Tài chính và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế đang cùng nhau chuẩn bị đưa ra các hướng dẫn về khung pháp lý trong nửa cuối năm 2023 này.

Chính sách tiền mã hoá trên toàn cầu?

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp của các Bộ trưởng khối G20, Bộ trưởng tài chính Ấn Độ kêu gọi một nỗ lực phối hợp “để xây dựng và hiểu biết về ý nghĩa tài chính vĩ mô”, có thể được sử dụng để xây dựng các cải cách tiền mã hoá toàn cầu.

Cuộc họp Bộ trưởng Tài chính G20 và Thống đốc Ngân hàng Trung ương (FMCBG) đầu tiên dưới sự chủ trì của Ấn Độ vừa diễn ra đã thảo luận về các ưu tiên chính và ổn định tài chính quan trọng. Ấn Độ kêu gọi các quốc gia thành viên hiểu ý nghĩa tài chính vĩ mô của tài sản tiền mã hoá, khuyến nghị xây dựng chính sách phối hợp trên quy mô toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman trước đây đã luôn ủng hộ việc tạo ra các quy định về tiền mã hoá với sự hợp tác của các khu vực pháp lý khác nhau trên toàn cầu. Khi Ấn Độ đương nhiệm trong vai trò Chủ tịch G20, câu chuyện về chính sách tiền số hiện là một phần của các cuộc thảo luận chính thống.

Trong cuộc họp FMCBG được tổ chức vào ngày 24 – 25/2, các thành viên G20 đã thảo luận về tiềm năng đổi mới công nghệ, đồng thời nhấn mạnh việc cân bằng các rủi ro liên quan.

Những cuộc thảo luận chính bao gồm ổn định tài chính và các ưu tiên theo quy định, cách tiếp cận chính sách để thúc đẩy tài chính toàn diện và tăng năng suất cho G20.

Trong bài phát biểu kết thúc của mình, bà Sitharaman hoan nghênh sự hỗ trợ cho các cải cách liên quan đến tài sản tiền điện tử. Bà cũng cảm ơn Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã phát hành một bài báo toàn diện về ý nghĩa tài chính vĩ mô của tiền mã hoá.

Thu Phương