IMF: Lạm phát tại Mỹ sẽ giảm trong quý II/2022
Trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC, bà Georgieva nói điều đó liên quan đến việc giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng và đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy một số tiến triển đã đạt được.
Bộ Lao động Mỹ ngày 12/1 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6/1982.
Các quan chức chính phủ Mỹ cho rằng các chỉ số tăng giá đối với nhà ở, ô tô đã qua sử dụng và xe tải là "những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến việc tăng giá tất cả các mặt hàng được điều chỉnh theo mùa".
Giá thực phẩm cao hơn cũng là một yếu tố góp phần đáng kể vào lạm phát, mặc dù mức tăng 0,5% trong tháng trước ít hơn so với những tháng gần đây.
Tại Trung Quốc, bà Georgieva cho rằng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đã bị rút lại có phần sớm. Bà Georgieva nhận định tiêu dùng tại nước này đã không tăng đủ mạnh để bù lại những tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế. Tuy nhiên, Trung Quốc có nguồn lực tài chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức 5%.
Theo bà Georgieva, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã thực hiện một số biện pháp hướng tới mục tiêu này và sẽ có nhiều kết quả đạt được.