ILO ước tính gần 5 triệu việc làm bị mất do cuộc khủng hoảng ở Ukraine
Nghiên cứu ước tính rằng nếu tình trạng thù địch leo thang, thiệt hại về việc làm sẽ tăng lên 7 triệu. Tuy nhiên, nếu cuộc giao tranh chấm dứt ngay lập tức, khả năng phục hồi nhanh chóng sẽ có thể xảy ra với sự trở lại của 3,4 triệu việc làm. Điều này sẽ làm giảm thiệt hại việc làm xuống 8,9%.
Nền kinh tế Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ ngày 24/2 với hơn 5,23 triệu người tỵ nạn đã chạy sang các nước láng giềng. Những người tỵ nạn chủ yếu bao gồm phụ nữ, trẻ em và những người trên 60 tuổi.
Trong tổng số người tỵ nạn, khoảng 2,75 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong số này, 43,5%, tương đương 1,2 triệu người, trước đây đang làm việc và đã mất việc hoặc rời bỏ công việc của họ.
Để đối phó với sự gián đoạn này, Chính phủ Ukraine đã có những nỗ lực đáng kể để giữ cho hệ thống bảo trợ xã hội quốc gia hoạt động bằng cách đảm bảo việc chi trả các quyền lợi, bao gồm cả những người phải di dời trong nước, thông qua việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng có thể tạo ra tình trạng gián đoạn lao động ở các nước láng giềng, chủ yếu là Hungary, Moldova, Ba Lan, Romania và Slovakia. Nếu chiến tranh tiếp diễn, những người tỵ nạn Ukraine sẽ buộc phải lưu vong lâu hơn, gây thêm áp lực lên thị trường lao động và hệ thống bảo trợ xã hội ở các quốc gia láng giềng này và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở nhiều nước trong số họ.
Sự gián đoạn kinh tế và việc làm ảnh hưởng đáng kể đến Liên bang Nga mà có những tác động đáng kể đến Trung Á, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn kiều hối từ Liên bang Nga, chẳng hạn như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.
Bốn quốc gia này nằm trong số 10 quốc gia xuất xứ hàng đầu của người di cư tại Liên bang Nga và nhiều người trong số những người di cư này gửi một phần đáng kể kiều hối về nước của họ.
Nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Liên bang Nga dẫn đến mất việc làm cho người lao động nhập cư ở Liên bang Nga và những người lao động nhập cư này trở về quê hương của họ, điều này sẽ gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng ở toàn bộ khu vực Trung Á.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng đã tạo ra một cú sốc cho nền kinh tế toàn cầu, làm phức tạp thêm quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng việc làm và tiền lương thực tế, đồng thời gây thêm áp lực lên các hệ thống bảo trợ xã hội.
Tại nhiều quốc gia có thu nhập cao, gần đây đã chứng kiến những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn của thị trường lao động, song hậu quả từ cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến tình hình thị trường lao động trở nên tồi tệ hơn và làm đảo ngược một số thành quả đạt được. Tình hình đặc biệt khó khăn ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nhiều quốc gia đã không thể phục hồi hoàn toàn sau tác động của COVID-19.
Để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng đối với thị trường lao động Ukraine, ILO khuyến nghị một số biện pháp tức thời, bao gồm: Tạo điều kiện thuận lợi cho các sáng kiến của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động để họ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo và đảm bảo tiếp tục công việc, nếu có thể.
Những nỗ lực cá nhân và tập thể của các đối tác xã hội có thể đóng góp tích cực vào việc gắn kết và thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế, xã hội và chính trị.
Cung cấp hỗ trợ việc làm có mục tiêu ở các khu vực tương đối an toàn của Ukraine, bao gồm bằng cách xây dựng dựa trên chương trình liên tục do chính phủ tài trợ để di dời người lao động và doanh nghiệp. Quan hệ Đối tác Việc làm Địa phương (LEPs) do ILO hỗ trợ có thể giúp tạo ra các cơ hội việc làm.
Hỗ trợ hệ thống bảo trợ xã hội ở Ukraine để đảm bảo rằng hệ thống này tiếp tục chi trả các khoản trợ cấp, bao gồm cả việc chuyển tiền mặt mới được thành lập, cho những người thụ hưởng (trước đây và mới).
Chuẩn bị cho một chiến lược tái thiết sau xung đột, khuyến khích tạo ra các công việc hiệu quả và ổn định thông qua đầu tư vào lĩnh vực sử dụng nhiều việc làm.