IEA: Nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2026
Trong một báo cáo thường niên, IEA đánh giá thị trường dầu mỏ và kinh tế thế giới đang phục hồi sau sự sụt giảm mạnh nhu cầu do đại dịch COVID-19. Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra đã khiến nhu cầu dầu toàn cầu giảm sâu, song không phải là một sự sụt giảm lâu dài.
Theo báo cáo, khi chương trình tiêm chủng tiến hành trên diện rộng và chính sách hạn chế được dỡ bỏ, nhu cầu dầu sẽ trở lại mức của năm 2019 vào năm 2023. IEA ước tính nhu cầu dầu toàn cầu mỗi năm sẽ tăng 104 triệu thùng/ngày vào năm 2026, tăng 4% so với năm 2019.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA cho biết, triển vọng nhu cầu đã hạ thấp hơn khi đại dịch thay đổi hành vi của người dân, với nhiều người làm việc tại nhà và ít đi du lịch hơn. Trong khi đó, nhiều chính phủ cũng đang tập trung vào "đà phục hồi bền vững" và hướng tới một tương lai carbon thấp.
Điều này làm tăng triển vọng nhu cầu dầu đạt đỉnh sớm hơn dự kiến trong trường hợp các chính phủ tuân thủ các chính sách mạnh mẽ để đẩy nhanh sự chuyển dịch sang năng lượng sạch.
Ông Birol nhấn mạnh sự chuyển đổi có trật tự khỏi dầu mỏ là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, nhưng điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách lớn từ các chính phủ cũng như những thay đổi hành vi nhanh chóng.
Theo ông Birol, để nhu cầu dầu sớm đạt đỉnh, cần có hành động ngay lập tức để cải thiện tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, thúc đẩy doanh số bán xe điện và hạn chế sử dụng dầu trong sản xuất điện.
Châu Á dự kiến sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu với việc chiếm 90% mức tăng từ năm 2019 đến năm 2026. Ngược lại, IEA cho hay nhu cầu dầu ở nhiều nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ không trở lại mức trước khủng hoảng.
Nếu các tiêu chuẩn về tiết kiệm nhiên liệu được cải thiện, doanh số bán xe điện tăng cao, ngành điện sử dụng ít năng lượng hơn, người dân tăng cường tái chế, làm việc tại nhà và giảm bớt các chuyến công tác, “bức tranh” nhu cầu dầu có thể sẽ thay đổi đáng kể.