Dự báo giá dầu chạm ngưỡng 80 hay 100 USD/thùng có khả thi?
Niềm tin cao ngất
Trong báo cáo mới nhất, OPEC đã hạ dự báo nhu cầu dầu thô quý II/2021 xuống hơn 690.000 thùng/ngày nhưng liên minh dầu mỏ này lại không thay đổi dự báo giá dầu. Các nhà phân tích khắp nơi đều vui mừng cho rằng giá dầu sẽ tăng trong nửa cuối năm 2021.
Trong bối cảnh giá dầu thô dao động gần mức 70 USD/thùng và một số chuyên gia thậm chí còn tin tưởng giá dầu có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng, dường như thị trường đang đánh mất ý niệm về thực tế.
Giá dầu Brent sắp có tuần tăng điểm thứ 8 liên tiếp và thị trường đang hài lòng với diễn biến tích cực này mà bỏ qua các nguyên tắc cơ bản. Giới phân tích có vẻ tin rằng nhu cầu chắc chắn sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2021, song không mấy ai có thể đưa ra lý giải cụ thể ngoài đề cập đến yếu tố "niềm tin".
Gói giải cứu kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Biden đang tiếp thêm tâm lý lạc quan cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. Các chương trình hỗ trợ tài khóa của nhiều nước khác cũng giúp thị trường dầu mỏ thêm vững niềm tin.
Trên thực tế, giá dầu dường như liên kết chặt chẽ với việc bơm tiền vào nền kinh tế hơn là các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Song, oilprice.com cảnh báo: "Không có bữa ăn nào thực sự miễn phí".
Các khoản cứu trợ tài khóa đều có một cái giá. Không nền kinh tế bình thường nào có thể liên tục bơm tiền nếu ngân sách tiếp tục đi xuống. Cuối năm 2021, ngân sách của các nước sẽ trải qua đợt điều chỉnh mạnh và sẽ có nhiều nền kinh tế gục gã.
Cẩn trọng là hơn hết
Theo oilprice.com, nhà đầu tư có thể lạc quan như vậy là nhờ giả định nhu cầu sẽ phục hồi sau giai đoạn mùa hè năm nay. Song, nhu cầu dầu thô trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào thành bại của chương trình tiêm chủng vắc xin và mức độ nới lỏng phong tỏa tại các nước. Nếu các dự báo tươi sáng trên mặt trận phòng chống đại dịch COVID-19 không thành hiện thực, niềm tin của thị trường dầu mỏ sẽ sụp đổ.
Hiện tại, cơn điên của thị trường hàng hóa chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư tổ chức và quỹ đầu cơ muốn hưởng lợi khi thị trường đang tràn đầy niềm tin. Truyền thông thổi phồng sự lạc quan vì hầu hết nhà đầu tư đều kỳ vọng nhu cầu hàng hóa sẽ phục hồi.
Theo oilprice.com, các nhà phân tích nhiên liệu dự đoán mùa du lịch tại Mỹ và châu Âu sẽ kéo giá dầu thô đi lên, dù các chương trình tiêm chủng ở những khu vực này chưa hoàn thiện. Khi các nước vẫn còn áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh, nhu cầu nhiên liệu khó mà phục hồi.
Hơn nữa, trên thị trường dầu thô giao sau, tâm lý lạc quan không thực sự rõ nét như truyền thông đưa tin, vì các vị thế mua ròng và bán ròng gần như bằng nhau.
Trong bối cảnh giá dầu Brent giao dịch gần mức 70 USD/thùng và tâm lý lạc quan bao trùm giới phân tích, nhà đầu tư ắt hẳn nên lo lắng. Trong điều kiện bình thường (tức trước đại dịch COVID-19), việc giá dầu tăng như chúng ta thấy trong các tháng gần đây luôn dẫn đến hai phản ứng chính. Đầu tiên, các tay chơi lớn sẽ thu lợi nhuận, sau đó các bên khác sẽ tìm cách chen chân vào thị trường.
Thị trường dầu mỏ hiện chỉ mới khởi sắc sau khi OPEC+ tuyên bố duy trì mức giảm sản lượng hiện tại đến hết tháng 4, chỉ Nga và Kazakhstan được phép tăng nhẹ sản lượng. Ngoài ra, Arab Saudi tự nguyện giảm thêm 1 triệu thùng/ngày đến hết tháng 4.
Truyền thông đánh giá tích cực về quyết định đầu tháng 3 của OPEC+, coi đó là bằng chứng cho thấy thị trường năng lượng đang dần ổn định. Song, các phân tích đó không đề cập đến áp lực nội bộ ngày càng lớn mà các nhà sản xuất dầu thô trong và ngoài OPEC phải chịu trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Theo oilprice.com, 70 USD/thùng là một mức giá rất hấp dẫn, có thể kích thích OPEC+ tăng sản lượng, đặc biệt là khi nhiều thành viên của liên minh dầu mỏ đã lỗ hàng nghìn tỷ USD trong năm ngoái và giờ họ có khả năng bù đắp khoản lỗ đó.
Chưa kể, các nhà sản xuất không bị OPEC+ kiểm soát cũng đang tìm cách tăng sản lượng. Biên lợi nhuận 10 - 15 USD/thùng là quá lớn, hầu hết đều khó có thể phớt lờ. JPMorgan dự đoán các công ty dầu đá phiến Mỹ sẽ sớm bơm thêm dầu ra thị trường.
Cũng có thông tin cho rằng tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ thực tế khác với hạn ngạch chính thức. Các nhà phân tích thị trường nên quan sát Arab Saudi, UAE và Nga vì có khả năng cả ba nước đều đang sản xuất nhiều dầu thô hơn so với mức được báo cáo. Nhu cầu dầu thô trong nước cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của họ.
Mặc dù tâm lý lạc quan đang chiếm ưu thế, nhưng rủi ro giảm giá có thể sớm xuất hiện trên thị trường dầu mỏ. Ở mức giá hiện nay, nguồn cung chắc chắn sẽ tăng, nhưng nhu cầu có thể không phục hồi như dự báo.