|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

ICO: Chỉ số giá cà phê toàn cầu tăng tháng thứ 6 liên tiếp

08:16 | 09/05/2021
Chia sẻ
Giá cà phê toàn cầu trong tháng 4 tiếp tục tăng trong bối cảnh sản xuất dự báo giảm và các dấu hiệu phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Trong tháng 4, chỉ số giá cà phê tổng hợp của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) tiếp tục tăng 1,4% so với tháng 3/2021 và tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trung bình 122 US cent/pound

Chỉ báo giá tổng hợp hàng ngày dao động trong khoảng 114 - 131 US cent/pound. Đây đã là tháng tăng giá thứ 6 liên tiếp và là mức cao nhất trong hơn 3 năm rưỡi trở lại đây.

Theo ICO, giá trung bình cho tất cả các nhóm cà phê đều tăng trong tháng 4. Cụ thể, giá cà phê arabica Colombia và arabica Brazil tăng lần lượt là 2,4% và 1,7% so với tháng trước, đạt 181,7 US cent/pound và 124,2 US cent/pound.

Giá trung bình cà phê arabica ở những nơi khác cũng tăng 1% so với tháng 3 lên 168,6 US cent/pound trong tháng 4. Tương tự giá cà phê robusta cũng tăng 1,7% lên 167 US cent/pound.

Trong tháng 4, chênh lệch giá giữa cà phê arabica và cà phê robusta trên sàn giao dịch New York và thị trường kỳ hạn London tăng 4,7% lên 71,01 US cent/pound

Dự trữ cà phê arabica trong tháng 4 được chứng nhận cho sàn New York là 2,07 triệu bao và dự trữ cà phê robusta được chứng nhận cho sàn London là 2,53 triệu bao, tăng lần lượt là 5% và 1%.

Các yếu tố cơ bản của thị trường là một trong những động lực chính của xu hướng giá hiện tại với sự gia tăng về tiêu thụ trong khi sản lượng ngày càng thu hẹp.

Nguồn cung arabica dự kiến sẽ thắt chặt trong trong tương lai gần, với sản lượng của Brazil dự kiến sẽ giảm hơn 30% vào niên vụ 2021-2022 do chu kỳ sản lượng thấp. Hơn nữa, các hạn chế do đại dịch COVID-19 đang diễn ra sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất của người dân nhưng dự báo sẽ dần giảm bớt trong thời gian tới.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 2,4% trong tháng 3

Giá cả tương đối ổn định đã thúc đẩy doanh số bán cà phê thế giới, với khối lượng xuất khẩu đạt gần 12 triệu bao loại 60 kg trong tháng 3, tăng hơn 2,4% so với tháng 3 năm 2020.

Qua đó đưa tổng khối lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong nửa đầu niên vụ 2020-2021 (tháng 10/2020 đến tháng 3/2021) lên 65,4 triệu bao, tăng 3,5% so với 63,2 triệu bao được ghi nhận trong cùng kỳ niên vụ cà phê 2019-2020.

Sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu do các lô hàng cà phê nhân, với mức tăng 4,3% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 59,32 triệu bao trong nửa đầu niên vụ cà phê 2020-2021. 

Xuất khẩu cà phê rang xay ước tính giảm 4% xuống 336.172 bao, trong khi cà phê hòa tan giảm 3,4% xuống 5,72 triệu bao.

Tuy nhiên, lũy kế từ tháng 4 năm 2020 đến tháng 3, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 129,5 triệu bao, giảm 1% so với 130,8 triệu bao được ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020.

Trong nửa đầu niên vụ 2020-2021, tổng xuất khẩu cà phê của Brazil đạt 24,66 triệu bao, tăng 23,3% so với niên vụ 2019-2020. Trong đó, 96% lượng cà phê xuất khẩu của Brazil là cà phê arabica, với 23,66 triệu bao, tăng 19,2% so với 6 tháng đầu niên vụ 2019-2020.

Xuất khẩu cà phê arabica của Colombia trong nửa đầu niên vụ cà phê 2020-2021 cũng tăng 2,6% so với niên vụ trước lên 7,75 triệu bao, trong khi xuất khẩu cà phê arabica của các nước khác giảm 8,3% xuống 10,4 triệu bao.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu cà phê robusta trong nửa đầu niên vụ 2020-2021 giảm 3,5% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống 23,59 triệu bao. 

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đồng thời là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới đạt 12,6 triệu bao, giảm 13,2% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Xét theo khu vực, xuất khẩu tất cà phê từ châu Phi trong nửa đầu niên vụ 2020-2021 giảm 8,9% xuống 5,96 triệu bao, do các chuyến hàng từ Ethiopia, Côte d’Ivoire và Kenya giảm lần lượt 28,5%, 49% và 9,5%.

Uganda, nhà xuất khẩu lớn nhất trong khu vực ghi nhận mức tăng 11,5% lên 2,8 triệu bao. Tính riêng tháng 3, xuất khẩu của Uganda đạt tổng cộng 572.839 bao, khối lượng xuất khẩu cao nhất tính theo tháng, với kim ngạch xuất khẩu trên 53,55 triệu USD.

Xuất khẩu cà phê của châu Á và châu Đại Dương giảm 6,3% xuống 19,3 triệu bao trong tháng 10 năm 2020 đến tháng 3. Ngoài sự sụt giảm của Việt Nam, xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm nhẹ 0,5%. Trong khi đó, các lô hàng xuất khẩu của Indonesia tăng 20,2% lên 3,7 triệu bao.

So với 6 tháng đầu niên vụ 2019-2020, xuất khẩu cà phê từ Mexico và Trung Mỹ giảm 12,2% xuống còn 6,06 triệu bao do các nước trong khu vực vẫn chưa phục hồi sau ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Lota và Eta. 

Đáng chú ý, các chuyến hàng từ Honduras, nhà sản xuất lớn nhất khu vực giảm 20,9% xuống 2,19 triệu bao; trong khi từ Nicaragua giảm 12,7% xuống 1,05 triệu bao. 

Xuất khẩu của Guatemala giảm 15,9% xuống 1,05 triệu bao. Tổng xuất khẩu của Costa Rica và El Salvador cũng giảm lần lượt 7,2% và 28,2%.

Tuy nhiên, sự phục hồi đã được quan sát thấy trong những tháng gần đây, đặc biệt là ở Honduras, nơi đã xuất khẩu 807.506 bao cà phê trong tháng 3, tăng 4,5% so với tháng 3 năm 2020.

Từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 3, xuất khẩu của khu vực Nam Mỹ tăng 17% so với cùng kỳ niên vụ trước lên 33,74 triệu bao. Trong giai đoạn này, xuất khẩu cà phê từ Brazil, Colombia đều tăng, trong khi Ecuador ổn định ở mức 1,75 triệu bao.

ICO hạ dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020-2021

Cũng trong báo cáo tháng 4, ICO đã sửa đổi ước tính sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ hiện tại do vụ cà phê arabica 2021-2022 của Brazil nhỏ hơn.

Tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020-2021 ước tính tăng 0,5% lên 169,63 triệu bao, với sản lượng Arabica tăng 2,6% lên 99,42 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê robusta dự kiến giảm 2,4% xuống 70,21 triệu bao. 

Dự báo mới này thấp hơn con số 171,89 triệu bao được ICO đưa ra trước đó.

Tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 được dự báo đạt 166,3 triệu bao, tăng 1,3% so với mức tiêu thụ 164,2 triệu bao trong niên vụ cà phê 2019-2020.

Tiêu thụ cà phê thế giới thấp hơn 2% so với tổng sản lượng trong niên vụ 2020-2021. Thặng dư của tổng sản lượng so với tiêu dùng thế giới dự kiến sẽ giảm xuống ở mức 3,28 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 so với 4,6 triệu bao của niên vụ trước đó.

Xét theo khu vực, sản lượng giảm nhẹ 0,8% tại khu vực châu Phi, với 18,54 triệu bao trong niên vụ cà phê 2020-2021 so với 18,7 triệu bao trong niên vụ trước. 

Sản lượng tại khu vực Châu Á và Châu Đại Dương được dự báo sẽ tăng 1,1% từ 49,48 triệu bao của niên vụ 2019-2020 lên 48,95 triệu bao trong niên vụ 2020-2021.

Sản xuất cà phê tại Mexico và khu vực Trung Mỹ dự kiến giảm nhẹ 0,1% ở mức 19,54 triệu bao so với 19,56 triệu bao trong niên vụ cà phê 2019-2020. Sản lượng dự kiến tăng 1,8% ở khu vực Nam Mỹ lên mức 82,59 triệu bao, so với 81,12 triệu bao trong niên vụ 2019-2020.

Tiêu thụ cà phê thế giới dự kiến sẽ tăng 1,3% lên 166,34 triệu bao trong niên vụ 2020-2021 so với 164,20 triệu bao của niên vụ 2019-2020. Tác động tiêu cực đến tiêu thụ cà phê trong niên vụ 2019-2020 với sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đang giảm dần khi tiêu dùng đang trở lại xu hướng bình thường.

Tiêu thụ trong nhập khẩu của các nước và tiêu thụ nội địa ở các nước xuất khẩu dự kiến sẽ tăng 1,3% và 1,4%. Trong đó, tiêu thụ ở châu Phi dự kiến sẽ tăng 1,8% lên 12,24 triệu bao. Tiêu thụ ở châu Á và châu Đại Dương sẽ tăng 1,4%, ở mức 36,50 triệu bao. Tương tự, tiêu thụ Mexico và Trung Mỹ dự kiến tăng 0,7% ở mức 5,36 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 3/2021 và 6 tháng đầu niên vụ 2020-2021 (tính từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021)

(ĐVT: triệu bao, 60kg/bao)

Tháng 3/2020Tháng 3/2021T3/2021 so với T3/2020Niên vụ 2019-2020Niên vụ 2020-2021Niên vụ 2020-2021 so với niên vụ 2019-2020
Tổng11.66111.9442,40%63.19865.4023,50%
arabicas7.0637.0610,00%38.74941.8147,90%
Brazil Naturals3.5363.331-5,80%19.83823.65519,20%
Colombian Milds1.0661.22915,30%7.5597.7542,60%
Other Milds2.4602.5011,70%11.35210.404-8,30%
robusta4.5994.8836,20%24.45023.588-3,50%
Brazil3.4933.439-1,60%19.99924.66223,30%
Viet Nam2.8002.8000,00%14.48712.575-13,20%
Colombia9481.11918,00%6.8537.0903,50%
Indonesia53264621,50%3.1233.75320,20%
Uganda47857320,00%2.5682.86311,50%
Ấn Độ60167813,00%2.5602.548-0,50%
Honduras7728084,50%2.7722.193-20,90%
Pêru375238,70%1.7571.750-0,40%
Mexico315300-4,80%1.1501.30913,80%
Ethiopia256228-11,10%1.6611.189-28,50%
Guatemala361350-3,10%1.2511.052-15,90%
Nicaragua325300-7,70%1.2021.050-12,70%
Tanzania677512,10%55063315,10%
Bờ Biển Ngà216141-34,80%893451-49,40%
Kenya6865-4,40%342310-9,50%
Costa Rica138101-27,10%314292-7,20%
Papua New Guinea3331-6,00%297290-2,30%
Ecuador23256,00%2172232,80%
Rwanda71499,20%170168-0,90%
Burundi20200,00%144135-6,00%
El Salvador6863-8,30%184132-28,20%
Thái Lan141613,50%10012726,80%
CH Congo101220,00%7874-4,60%
Cameroon784,60%60611,20%
Đông Timo16441,30%3622-39,40%
Bolivia2249,10%141724,20%
Sierra Leone12100,00%131511,20%
Togo54-22,00%1615-8,60%
CH Dominican17833,40%111419,10%
Central African Republic88-6,30%1413-4,70%
Panama220,00%12135,00%
Yemen43-28,60%1412-15,40%
Malawi1266,70%99-7,60%
Zambia220,00%7812,60%
Cuba2233,30%773,10%
Madagascar11-57,00%86-32,40%
Angola1150,00%95-44,30%
Ghana011398,30%
Jamaica1053-37,60%
Philippines01338,40%
Zimbabwe1150,00%13126,40%
Liberia00110,00%
Nepal0001
Nước khác40400,00%2833047,40%

Nguồn: ICO. (Tổng hợp Ngọc Bảo)

Ngọc Bảo