Hướng mới trong thu hút vốn ngoại
Ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho phép công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam, mở ra hướng mới trong thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Theo đó, UBCK sẽ xem xét cấp phép hoạt động cho chi nhánh tại Việt Nam của các công ty chứng khoán nước ngoài.
Chuyển động pháp lý này trở nên quan trọng, bởi theo đánh giá của UBCK, nhiều khách hàng của các công ty chứng khoán nước ngoài không muốn sử dụng dịch vụ của các công ty chứng khoán Việt Nam.
“Đằng sau các công ty chứng nước ngoài là các dòng tiền chuyên nghiệp. Do đó, triển khai cơ chế cho phép công ty chứng khoán nước ngoài lập chi nhánh hoạt động tại Việt Nam là một giải pháp có khả năng tăng sức hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK”, ông Bằng nói.
Đáng chú ý, để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần trong các đợt doanh nghiệp nhà nước chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Bộ Tài chính - với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP, đã đề xuất phương thức mới trong bán cổ phần là phương thức dựng sổ (Book building).
Theo Ban soạn thảo, phương thức dựng sổ áp dụng phổ biến trên thế giới, nên cần được nghiên cứu để áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Phương thức dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại nhu cầu mua cổ phiếu của nhà đầu tư, trên cơ sở đó tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.
Khi đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu của nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.
“Nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến phương thức dựng sổ. Khi Chính phủ cho phép triển khai phương thức mới này thì sẽ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần để trở thành đối tác chiến lược của nhiều doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Dòng tiền lớn từ khối ngoại sẽ chảy vào thị trường”, ông Bằng dự báo.
Với những hướng tiếp cận trên, UBCK đang tiếp tục những nỗ lực thu hút làn sóng đầu tư gián tiếp vào TTCK. Tuy nhiên, vốn ngoại có vào TTCK hay không, giải pháp kỹ thuật không phải là yếu tố quyết định.
Điểm quyết định chính là sức hấp dẫn của các hàng hóa chào bán và sự kiên quyết của Chính phủ trong việc bán vốn Nhà nước tại các DN lớn, đang được nhà đầu tư quan tâm. Thông điệp của Chính phủ về việc bán vốn Nhà nước tại Vinamilk, Habeco, Sabeco đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại từ lâu và đang đặc biệt được chú ý khi Thủ tướng vừa có chỉ đạo cụ thể Bộ Công thương xây dựng phương án bán vốn tại các “ông lớn” này.
Sau thông điệp của Thủ tướng, chọn cách bán nào để cân bằng giữa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, cổ đông hiện hữu và cổ đông tương lai là bài toán cần có lời giải thỏa đáng mới mong tạo động lực thực sự, thu hút vốn ngoại vào DN, vào TTCK Việt Nam.
Theo Người quan sát
Đầu tư Chứng khoán