|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hướng đi nào có thể củng cố sự ổn định tài chính Eurozone?

07:07 | 02/10/2017
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, cần đưa đồng euro trở thành đồng tiền chung của cả Liên minh châu Âu (EU) chứ không phải chỉ là đồng tiền của một số nước thành viên.
huong di nao co the cung co su on dinh tai chinh eurozone

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại cuộc họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền Đông nước Pháp ngày 13/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyên gia Daniel Gros, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu CEPS cho rằng các đề xuất về việc củng cố Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong Thông điệp Liên minh 2017 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker thiếu cơ sở và sự gắn kết.

Trong bài phát biểu ngày 13/9 vừa qua, Chủ tịch EC Juncker đã vạch ra một loạt quan điểm trong việc củng cố Eurozone. Đầu tiên, cần phải đưa đồng euro trở thành đồng tiền chung của cả Liên minh châu Âu (EU) chứ không phải chỉ là đồng tiền của một số nước thành viên.

Về mặt chính thức, quan điểm trên là đúng bởi trong Hiệp ước thành lập EU, đồng euro được xác định là đồng tiền của EU. Các nước chưa gia nhập Eurozone sẽ có một giai đoạn “chuyển tiếp”. Về nguyên tắc, giai đoạn này chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, thực tế trong EU hiện nay hoàn toàn khác biệt. Phần lớn các nước ngoài Eurozone ngày càng xa rời khu vực này. Hơn nữa, việc tạo áp lực hoặc đưa ra các ưu đãi nhằm khuyến khích các nước này gia nhập Eurozone sẽ không phát huy tác dụng.

Sẽ không quốc gia nào từ bỏ đồng nội tệ theo yêu cầu của EC hoặc để đổi lấy một số gói trợ cấp từ ngân quỹ của EU. Các nước chỉ quyết định gia nhập Eurozone chỉ khi nào họ thấy lợi ích từ việc này. Đây chính là điểm khác biệt giữa Eurozone và Khu vực Tự do đi lại Schengen.

Lợi ích từ việc xóa bỏ kiểm soát biên giới và cơ hội tiếp cận với hệ thống dữ liệu của toàn châu Âu chính là động lực khiến tất cả các nước thành viên EU (trừ Anh và Ireland) gia nhập Schengen. Thậm chí, một số nước không phải thành viên EU như Thụy Sỹ hay Na Uy cũng gia nhập Khu vực tự do đi lại này.

Theo chuyên gia Gros, vấn đề cốt lõi để đưa đồng euro trở thành đồng tiền chung của toàn châu Âu là việc cần phải làm cho Eurozone hoạt động tốt hơn và củng cố Liên minh ngân hàng. Tuy nhiên, liên quan đến những vấn đề này, các đề xuất của Chủ tịch EC Juncker đang đi nhầm hướng.

Lộ trình xây dựng một EU “đoàn kết, mạnh mẽ và dân chủ hơn” của Chủ tịch Juncker xác định 3 vấn đề cải cách cơ bản Liên minh Kinh tế và Tài chính (EMU) trong EU: Thứ nhất, chuyển đổi Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) thành Quỹ tiền tệ của EU; Thứ hai, xây dựng ngân sách riêng cho Eurozone trong khuôn khổ ngân sách của EU; Thứ ba, lập thêm vị trí Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính của Eurozone.

ESM đã và đang hoạt động và thực hiện hầu hết các chức năng của Quỹ Tiền tệ châu Âu. Điều mà EC cần làm là xác định các yếu tố cần thiết trên thực tế để quá trình “chuyển đổi” này xảy ra. Việc đưa ra một số thay đổi nhỏ hay đặt tên mới cho một cơ chế đã và đang tồn tại sẽ không có nhiều ý nghĩa. Đề xuất lập thêm vị trí Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Eurozone cũng tương tự.

Việc Ủy viên EU phụ trách vấn đề Kinh tế và Tài chính bỗng dưng trở thành “Bộ trưởng” cũng không có nhiều tác dụng trừ khi nhân vật này được trao thêm quyền mới trong việc hoạch định và triển khai chính sách.

Tuy nhiên, đề xuất này là không cần thiết và ít khả năng được các nước thành viên EU chấp nhận. Hiện EU không thiếu cơ chế để kết nối, đồng bộ hóa chính sách kinh tế của các nước thành viên song vấn đề là tác dụng của các cơ chế này vẫn còn rất hạn chế.

Đối với đề xuất lập ngân sách riêng cho Eurozone trong khuôn khổ ngân sách của EU, Chủ tịch Juncker đã đưa ra các chức năng cụ thể của ngân sách này, gồm hỗ trợ cải cách cơ cấu kinh tế, chức năng ổn định, củng cố Liên minh ngân hàng và là công cụ để hỗ trợ các nước ngoài Eurozone trong giai đoạn trước khi gia nhập. Tuy nhiên, cần phải xem xét tác dụng thực sự của việc lập ngân sách cho Eurozone.

huong di nao co the cung co su on dinh tai chinh eurozone

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ việc Eurozone có ngân sách riêng và một Bộ trưởng tài chính của khối. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên nếu các nước này tiến hành cải cách cơ cấu đã được đưa ra từ năm 2011 trong Thỏa thuận Euro+. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa nước nào được nhận hỗ trợ theo quy định của thỏa thuận này. Ngoài ra, liệu việc cải cách lao động ở Pháp có thực sự trở nên dễ dàng hơn nếu Paris có thể nhận được một khoản hỗ trợ nhỏ nào đó từ EU?

Thứ hai, chức năng ổn định của Ngân sách EU đã được đưa ra xem xét từ lâu. Nếu thực sự nghiêm túc đối với đề xuất này, EC cần phải làm một cuộc cách mạng đối với ngân sách của EU: tăng mạnh ngân sách, thay đổi cơ chế chi tiêu, xóa bỏ quy định về Khung Tài chính, trong đó xác định giới hạn mức trần chi ngân sách và tăng khả năng đối phó với mức bội chi ngân sách lớn. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất kỳ thay đổi nào nêu trên được đề cập tới.

Thứ ba, chức năng củng cố Liên minh ngân hàng của ngân sách Eurozone là một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, ESM, với chức năng ổn định tài chính trong EU, có thể thực hiện vai trò này. Hơn nữa, ngân sách EU, sau khi đã tiến hành các cải cách mang tính “cách mạng” nêu ở trên, cũng có thể đảm đương được nhiệm vụ củng cố Liên minh ngân hàng.

Thứ tư, sự cần thiết của việc hỗ trợ các nước thành viên EU trong giai đoạn trước khi gia nhập Eurozone là vấn đề khó đánh giá. Các nước EU như Đan Mạch, Thụy Điển, CH Czech và Ba Lan nhìn chung không cần sự “hỗ trợ”, trong đó bao gồm cả hỗ trợ về tài chính để gia nhập Eurozone.

Chuyên gia Gros kết luận rằng các đề xuất củng cố Eurozone của Chủ tịch Juncker thiếu nền tảng và sự gắn kết. Vị trí Bộ trưởng Tài chính Eurozone có thể cần thiết để khu vực đồng tiền chung củng cố về mặt “chính trị”.

Vị trí này cần phải được trao thêm quyền để can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên, đồng thời với việc cải cách, xây dựng một ngân sách EU lớn hơn và linh hoạt hơn. Tuy nhiên, không đề xuất nào nêu trên mang tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Cuộc khủng hoảng nổ ra trong Eurozone giai đoạn trước đó đã cho thấy yếu điểm lớn nhất của khu vực này là việc đảm bảo ổn định về tài chính chứ không phải là việc thiếu ngân sách riêng hay không có Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế. Việc đưa ra các bước đi cụ thể nhằm củng cố sự ổn định của nền tài chính trong Eurozone mới thực sự là vấn đề cần thiết và có ý nghĩa hơn đối với khu vực này.

huong di nao co the cung co su on dinh tai chinh eurozone Kinh tế khu vực Eurozone: 'Nóng' tăng trưởng, 'nguội' lạm phát

Số liệu được công bố trong tuần tới có thể sẽ khẳng định nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang “nóng” ...