Hướng đi nào cho khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM?
Về lâu dài cần nghiên cứu mô hình KCN gắn với đô thị, cảng biển, hoặc KCN chuyên ngành... Ảnh: MAI LƯƠNG |
Tại buổi tọa đàm “Định hướng phát triển các KCX - KCN TP HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030” do Ban Quản lý các KCX và KCN TP HCM (Hepza) tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng các KCX - KCN chưa được phát huy hết tiềm năng và bộc lộ nhiều hạn chế.
Quy hoạch nặng tính “cục bộ”
Trưởng Ban quản lý các KCX và KCN TP HCM Nguyễn Hoàng Năng cho rằng mô hình KCX - KCN còn nhiều hạn chế, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Các KCX - KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng; quy hoạch không đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng.
Tại buổi tọa đàm, các ý kiến cho rằng việc xây dựng các KCX -KCN mang ý nghĩa chiến lược đối với kinh tế trên địa bàn. Tuy nhiên, do bất lợi về điều kiện thổ nhưỡng, kết nối hạ tầng giao thông và giá đất nông nghiệp cao nên việc xây mới và mở rộng các KCX - KCN tập trung gặp khó khăn. Cụ thể, quỹ đất quy hoạch làm các KCX - KCN là 8.900 héc ta nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 50%. Nếu không khắc phục những bất lợi trên để mở rộng và phát triển mới các KCX - KCN thì không chỉ khó khăn đối với việc phát triển bốn nhóm hàng công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ mà còn ảnh hưởng lớn đến mục tiêu kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở công nghiệp ngoài KCN.
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Hoàng Năng, cần nghiên cứu mô hình KCN gắn với đô thị, cảng biển, hoặc KCN chuyên ngành...
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá thời gian qua, phát triển của công nghiệp thành phố có xu hướng chậm lại, vì thế, cần có sự quyết liệt thay đổi để ngành này tăng trưởng. Trong đó, ông Nhân lưu ý quỹ đất phát triển công nghiệp đã rất ít mà còn không dùng hết thì cần phải xem lại.
Chuyển đổi, thu hút công nghệ cao không dễ
Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN trên địa bàn TP HCM đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào bốn ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như kỳ vọng; vẫn chưa thu hút được dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, có tính chất lan tỏa; số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, đến nay các KCX-KCN có chưa đến 10 doanh nghiệp có giấy chứng nhận công nghệ cao và tỷ lệ công nghệ cao của các KCX-KCN vẫn ở mức thấp (khoảng trên 10%).
Nguyên nhân, theo nhiều ý kiến, là do các KCN hiện chủ yếu phát triển theo mô hình KCN đa ngành, các công ty phát triển hạ tầng chỉ lo chuyện đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê, thu phí mặt bằng... Các công ty phát triển hạ tầng cho rằng họ cũng muốn doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hoạt động theo định hướng phát triển của thành phố, nhưng việc chuyển dịch này cần phải có sự dẫn dắt của chính quyền. Chính quyền cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm nâng cao giá trị sản xuất và cạnh tranh.
Chuyển đổi công năng KCX?
Đến nay cả nước chỉ có hai KCX (Tân Thuận và Linh Trung) ở TP HCM, các khu còn lại (khoảng 320 khu) đều là KCN. Quyết định ngay từ đầu chọn mô hình KCX, theo ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, chỉ là một... đối sách, trong bối cảnh doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn giữ vai trò chủ đạo, đất nước mới mở cửa. Ở thời điểm đó, nếu xây KCN đưa doanh nghiệp nước ngoài vào thì với tính chất của KCN, các doanh nghiệp đó được quyền mua nguyên liệu trong nước để sản xuất và bán sản phẩm vào thị trường trong nước, dẫn đến sẽ cạnh tranh với hệ thống DNNN, đi ngược lại với chủ trương bảo đảm vai trò chủ đạo của DNNN.
Mô hình KCX khi đó được cho là phù hợp nhất vì quy chế KCX quy định doanh nghiệp trong KCX không được mua nguyên liệu trong nước và mọi sản phẩm đều phải xuất khẩu.
Theo ông Dưỡng, sau đó, tư duy được “cởi trói” dần, tạo tiền đề cho mô hình KCN xuất hiện và phát triển cho đến nay.
Ông Dưỡng cho rằng hai KCX tại TPHCM có vai trò tiên phong đột phá cho nền kinh tế. Nhưng sự chuyển đổi công năng phù hợp với vai trò tiên phong thì chậm và chưa đủ tầm. Nguyên nhân là do “quyền lực” của Hepza ngày càng “xuống cấp” so với lúc mới thành lập. Theo ông Dưỡng, nếu chức năng và quyền hạn của Hepza được tăng cường trở lại, có sự ủy quyền của lãnh đạo thành phố và các bộ liên quan như trước thì sẽ khác. Ông Dưỡng cho rằng đã đến lúc TPHCM cần có tầm nhìn chiến lược cho tương lai, khi KCX đã hoàn thành công năng của mình sau một thời gian dài hoạt động. Đơn cử như KCX Tân Thuận (quận 7), hiện đã nằm lọt sâu trong nội thành, thì cần có một kế hoạch chuyển tiếp công năng.
Ông Dưỡng đề xuất chuyển công năng KCX Tân Thuận thành một trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại, như vậy thì giá trị và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Có thể học kinh nghiệm từ KCX Thâm Quyến (Trung Quốc) trước kia, nay đã thành một thành phố Thâm Quyến hiện đại.
“TP HCM có làm được điều tương tự này không khi KCX hoàn tất nhiệm vụ lịch sử của mình, (điều này) hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược lâu dài”, ông Dưỡng nói. Trong đó, kế hoạch di dời các doanh nghiệp hiện có đi đâu, hạ tầng còn lại sẽ được định hướng phát triển như thế nào là tầm nhìn đến năm 2050 của thành phố.
Kinh nghiệm chuyển đổi của Đài Loan
Ông Tsao Chung Hung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (TTZ), cũng cho rằng do Tân Thuận là KCX đầu tiên của cả nước, nên điểm yếu của TTZ chính là thời hạn sử dụng còn lại của khu ngắn nhất, quỹ đất còn ít; doanh nghiệp hoạt động chủ yếu gia công xuất khẩu, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu... Ông Hung đề xuất học kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ để chuyển đổi cho phù hợp.
Đơn cử KCX Cao Hùng (Đài Loan) từng là nơi thu hút đầu tư nước ngoài với các ngành nghề gia công xuất khẩu. Sau 20 năm hoạt động, hiện KCX này đã chuyển đổi thành khu hoạt động chủ yếu của các doanh nghiệp Đài Loan, ngành nghề chủ yếu là công nghệ cao, dịch vụ - thương mại. Hàng hóa xuất nhập khẩu được quản lý bằng thương mại điện tử, dỡ bỏ hàng rào cứng, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa. Hay Khu công nghệ cao Nam Cảng, tuy diện tích chỉ 10 héc ta nhưng doanh thu trong năm 2016 là 35,3 tỉ đô la Mỹ. Những tòa nhà khu công nghệ cao không cần diện tích lớn, nhưng nhân lực yêu cầu phải có dịch vụ đi kèm gần nơi làm việc như nhà ở cao cấp, trung tâm mua sắm...
Từ kinh nghiệm chuyển đổi thành công của các KCN-KCX trên thế giới, trên cơ sở phân tích thực trạng của KCX Tân Thuận và môi trường xung quanh, theo ông Hung, KCX Tân Thuận cần được định hướng là nơi thu hút các ngành công nghệ cao, thương mại - dịch vụ. Việc chuyển đổi công nghệ đối với doanh nghiệp hiện hữu tại khu cũng như xây dựng nhà xưởng văn phòng cao tầng cho thuê, phát triển dịch vụ logistics tạo giá trị gia tăng cao hơn cũng được ông Hung kiến nghị.
Để làm được việc này, ông Hung cho rằng chính quyền trung ương và TP HCM cần ủy quyền cho Hepza để có thể thực hiện cơ chế quản lý một cửa triệt để.
DN Nhật dồn dập đổ vốn vào công nghiệp điện tử Việt Nam
Công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các nhà đầu tư lớn đã đóng góp mạnh vào tăng trưởng và xuất khẩu của ... |