Hướng đến 2020, thanh toán 70% tiền điện và 50% tiền nước tại các thành phố qua ngân hàng
Thanh toán online sẽ dần thay thế văn hóa trả tiền mặt? | |
Các ngân hàng châu Á chống chọi ra sao với sự bùng nổ của ví điện tử |
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc nâng cao khả năng tiếp nhận dịch vụ của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng mang tính thời đại.
Tham luận trong hội thảo "Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng" sáng 24/8, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích cho khách hàng, ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ mà còn ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng xã hội.
Dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công được thực hiện ở các giao dịch như thanh toán thuế, tiền điện, nước, học phí, viện phí và các khoản chi trả an sinh xã hội khác.
Thanh toán qua ngân hàng sẽ hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt, tăng sự lưu chuyển tiền tệ thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn, thúc đẩy sự ra đời của các công ty sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực thanh toán. Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và thu các khoản thuế, phí, qua đó giúp tăng cường sự minh bạch và thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo (Ảnh: DB) |
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, theo định hướng của Chính phủ, phấn đấu đến 2020 đạt được 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc trung ương, trực thuộc tỉnh; 70% tiền điện tại các địa bàn thành phố; 50% tiền nước ở thành phố lớn; 80% số sinh viên nộp học phí; 50% bệnh viện tại thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí; 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
Theo số liệu tổng hợp của Vụ Thanh toán NHNN, hiện nay có khoảng gần 18.300 ATM, hơn 289.000 máy POS, 76 ngân hàng có intetnet banking, 41 ngân hàng có ứng dụng mobile banking và 18 ngân hàng có ứng dụng thanh toán bằng QR code với 5.000 điểm chấp nhận thanh toán.
Nguồn: Vụ Thanh toán NHNN |
Tính đến hết tháng 6/2018, lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet đạt 127 triệu món với giá trị giao dịch là 8.020 tỷ đồng, tăng 50% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Lượng giao dịch thanh toán qua kênh mobile đạt 81 triệu món với giá trị giao dịch là 676 tỷ đồng, tăng 32% về số lượng và 144% về giá trị.
Có khoảng 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan; 26 ngân hàng cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí các bệnh viện lớn (như Bạch Mai, Chợ rẫy....); 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng còn chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn cón có những khó khăn, tốc độ triển khai chậm.Đồng thời, khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các điểm thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế.
Ông cũng chỉ ra một số tồn tại và nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng này.
Về chủ quan, việc triển khai thanh toán công qua ngân hàng còn thấp là do chưa có cơ chế, lộ trình triển khai cụ thể cho từng loại dịch vụ công, chính sách khuyến khích phù hợp, sự chỉ đạo thống nhất giữa các bộ ngành liên quan, thiếu hành lang pháp lý cho việc cung ứng dịch vụ thanh toán tại nơi không có chi nhánh ngân hàng. Cùng với đó mạng lưới thanh toán ngân hàng cung ứng dịch vụ phân bố chưa đồng đều, hạ tầng công nghệ thông tin còn kém ở các vùng xa,…
Về mặt khách quan, người dân vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt và có tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán, lo ngại vấn đề an toàn khi thanh toán điện tử. Hơn nữa, trong một số trường hợp, ngân hàng không thu được phí dịch vụ thanh toán nên chưa có nhiều động lực để triển khai.
Qua đó, ông đưa ra một số biện pháp để thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn trong thanh toán; triển khai thêm các hình thức thanh toán; mở rộng hợp tác giữa các đơn vị dịch vụ công và ngân hàng. Đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo của bộ ngành, công tác tuyên truyền trong việc triển khai thanh toán qua ngân hàng.