Hưng Yên hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị dịch tả châu Phi
Một trại nuôi lợn tại Hưng Yên. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Đặng Ngọc Quỳnh cho biết, đối với lợn con, lợn thịt các loại được hỗ trợ 25.000 đồng/kg thịt hơi (tương đương 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh).
Hiện giá lợn tại địa phương có dịch là 31.000 đồng/kg.
Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, tỉnh hỗ trợ mức bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh. Theo đó, mức hỗ trợ tại thời điểm hiện tại là 37.500 đồng/kg thịt lợn hơi.
Chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được UBND cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn.
Trong quá trình triển khai phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của mặt trận tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, ngân sách tỉnh đã bổ sung dự toán và phân bổ kinh phí hơn 10 tỷ đồng để mua hóa chất, vật tư, xét nghiệm mẫu, hỗ trợ phòng chống dịch.
Kinh phí đầu tư hỗ trợ cho hộ có lợn phải tiêu hủy và phòng chống dịch kéo dài sẽ rất lớn, chưa xác định được thời gian kết thúc dịch, trong khi đó ngân sách từ cấp xã đến tỉnh rất hạn chế nên khó đảm bảo nguồn hỗ trợ cho người chăn nuôi.
Trước khó khăn trên, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí cho việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi
Hiện tỉnh đã cân đối, sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhưng vẫn không đảm bảo được do số lượng lợn phải tiêu hủy quá lớn.
Theo ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên, hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 90% số xã của 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 110 nghìn con, trọng lượng hơn 7 nghìn tấn.
Nguyên nhân là do chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư, chủ hộ chăn nuôi chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; việc giết mổ tiêu thụ sản phẩm của lợn khó kiểm soát dẫn đến dịch bệnh tiếp tục lây lan ra diện rộng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, tỉnh Hưng Yên khuyến cáo người chăn nuôi không nên tái đàn trong giai đoạn hiện tại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi lợn sang các vật nuôi khác; hạn chế người ra vào các khu chuồng trại; chủ động mua hóa chất, vôi bột để khử trùng vệ sinh khu vực chăn nuôi và môi trường xung quanh.