HSBC: Lãi suất sẽ giảm tiếp 0,5 điểm % trong quý III, tăng trưởng GDP quý IV sẽ tạo bước ngoặt lớn
Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC vừa công bố báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2023 với tựa đề “Mùa hè kém sôi động”. Báo cáo đánh giá, sau nửa năm, những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế.
Về mặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II khi cắt giảm lãi suất điều hành ba lần trong vòng chưa đầy ba tháng, mỗi lần hạ 0,5 điểm %.
Các chuyên gia HSBC dự báo, NHNN sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.
HSBC cũng kỳ vọng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV/2023, với các biện pháp hỗ trợ tiền tệ gia tăng.
Về mặt tài khóa, các nhà chức trách cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ tài khóa khác nhau, với mức độ gần như tương đương với những biện pháp được ban hành trong đại dịch.
Các biện pháp bao gồm giảm 2% thuế VAT cho một số lĩnh vực hoãn nộp thuế đối với các loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng, cũng như cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nhận thức được những hạn chế tài khóa đến từ thiếu hụt nguồn thu, dẫn đến giới hạn gói giải cứu tài khóa “trọn gói”.
Thách thức ngày càng gia tăng
Đánh giá tốc độ tăng trưởng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, GDP quý II của Việt Nam đã vượt qua mức kỳ vọng 3,8% của thị trường. Tuy nhiên, điều đó không thể làm lu mờ những thách thức ngày càng gia tăng.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đã giảm mạnh từ mức tăng trưởng ấn tượng của năm ngoái là 8%, chủ yếu do các rủi ro bên ngoài. Thương mại, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đã dần suy yếu kể từ quý II năm ngoái. Sự suy giảm sản xuất phản ánh rõ ràng những thách thức thương mại ngày càng gia tăng mà Việt Nam phải đối mặt.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng sản xuất trong quý II là một bất ngờ tích cực dù yếu tố này chỉ đóng góp tối thiểu vào tăng trưởng. Tin tốt là thương mại không có dấu hiệu suy giảm thêm. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam vẫn chưa tìm thấy lối thoát khi chưa thấy dấu hiệu rõ rệt của phục hồi.
Bà Yun Liu, Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu, Ngân hàng HSBC đánh giá, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục mức giảm hai con số trong quý II/2023, tốc độ giảm tương đương với quý I.
Điểm sáng duy nhất là xuất khẩu nông sản, nhưng tỷ lệ 10% của ngành hàng này quá nhỏ để bù đắp cho sự suy yếu rộng khắp ở các lĩnh vực khác. Các lô hàng lớn, bao gồm điện tử tiêu dùng, dệt may/giày dép, máy móc và đồ nội thất gỗ, đều suy giảm hai con số.
Điều này chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ sụt giảm, vì Mỹ là thị trường nhập chính đối với hầu hết các sản phẩm. Tính tới thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện nay đã giảm với mức 20% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tính nghiêm trọng của suy thoái thương mại.
Ngoài ra, do đợt nắng nóng, ngành sản xuất của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ở miền Bắc vào tháng 6, nơi đặt các cơ sở sản xuất của các tập đoàn công nghệ lớn.
Việt Nam còn phải chịu một chu kỳ suy thoái thương mại kéo dài, đặc biệt là khi hiệu ứng cơ sở không thuận lợi trở nên nghiêm trọng hơn vào quý III/2023. Một tác động lan tỏa tích cực ngoài ý muốn đến từ tài khoản vãng lai của Việt Nam.
Bất chấp sự sụt giảm xuất khẩu, lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã bù đắp phần nào nhờ vào sự phục hồi đang tiếp diễn. Cụ thể, các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, bao gồm vận tải, lưu trú và ăn uống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh.
Nguyên nhân chính là nhờ cắt giảm lạm phát trong lĩnh vực năng lượng, đã kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh so với mức trần lạm phát 4,5% của NHNN. Trong khi việc tăng giá điện đẩy đà lạm phát lên cao, phản ánh qua lạm phát với độ trễ một tháng, mức độ tăng dưới 3% không gây tác động lớn.
Đáng nói hơn, lạm phát cơ bản hạ nhiệt xuống 4,3% so với cùng kỳ, lần đầu tiên dưới mức trần trong 9 tháng, mặc dù vậy, rủi ro tăng giá vẫn kéo dài.