|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ giảm điểm, dầu thô và USD cùng mạnh lên sau cuộc tấn công của Hamas

10:52 | 09/10/2023
Chia sẻ
Cuộc xung đột vũ trang giữa Hamas và Israel đã khiến hợp đồng tương lai dựa trên các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ giảm điểm. Trong khi đó, giá dầu và USD đã mạnh lên sau diễn biến trên.

Thị trường chứng khoán và năng lượng trái chiều

Theo CNBC, hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau vụ tấn công của lực lượng Hamas vào Israel.

Tính đến 9h29 ngày 9/10 (giờ Việt Nam), hợp đồng tương lai của chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 197 điểm, tương đương 0,59%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn hợp đồng tương lai của Nasdaq 100 sụt 0,66%.

Căng thẳng giữa Israel và Palestine đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang vào ngày 7/10, sau khi lực lượng Hamas tiến hành một cuộc tấn công vào Israel. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Hamas “sẽ phải trả cái giá mà họ chưa từng nếm trải trước đây”. 

 

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ứng tiêu cực trước thông tin trên. Tính đến 10h37, chỉ số Shanghai Composite (SSEC) đã giảm 0,65% và chỉ số Shenzhen Component Index (SZI) mất 0,64%.

Chỉ số NZ50 của New Zealand cũng đi xuống, giảm 0,74%. Ngược chiều xu hướng chung tại châu Á, ASX 200 của Australia đi lên 0,44%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu WTI tương lai đã bật tăng hơn 4,3% lên mức 86,38 US/thùng vào cuối ngày 8/10. Giá dầu Brent cũng đã đi lên hơn 4%, dao động quanh mức 88 USD/thùng. 

 

Căng thẳng địa chính trị gia tăng có thể gây ra sự phân mảnh cho thị trường năng lượng. Một số chuyên gia dự báo giá dầu sẽ “tăng đột ngột”. Căng thẳng cũng có thể gây thêm biến động trên thị trường, làm dấy lên lo ngại về lạm phát dai dẳng và lãi suất cao. 

Dù Israel và Palestine đều không phải là người chơi lớn trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu, cả hai đều nằm trong khu vực quan trọng với thị trường dầu mỏ. 

Do thị trường trái phiếu đóng cửa vào ngày 9/10 nhân Ngày Columbus, Phố Wall sẽ phải chờ đợi đến ngày 10/10 để có thông tin cập nhật về lãi suất. 

USD quay đầu tăng lên

Theo Bloomberg, USD đã mạnh lên so với hầu hết các đồng tiền lớn khác khi thị trường phản ứng với cuộc tấn công của Hamas. Chỉ số USD Index (DXY) đã tăng 0,19% sau thông tin trên, lên mức 106,23 điểm. 

Đồng bạc xanh - được coi là nơi trú ẩn trong thời điểm khó khăn - tăng ít nhất 0,2% so với đồng euro và bảng Anh.

Những loại tiền tệ rủi ro như dollar Australia hay dollar New Zealand cũng đã yếu đi. Trong khi đó, krone Na Uy trở thành đồng tiền lớn có kết quả tốt nhất sau khi giá dầu tăng mạnh, hỗ trợ triển vọng xuất khẩu của quốc gia này. 

 

Tình hình bất ổn tại Trung Đông có thể sẽ hỗ trợ thêm cho đồng USD. Sự phục hồi của đồng bạc xanh đã làm dấy lên những cuộc thảo luận tại châu Âu về khả năng euro ngang giá với USD hay việc đồng yen giảm xuống ngưỡng 150 đổi 1 USD.

Tuy nhiên, ông Jason Wong, chiến lược gia tiền tệ tại Bank of New Zealand, cho biết với quy mô của đợt tăng giá lần này “có khả năng nó sẽ kết thúc tương đối nhanh chóng”. 

Minh Quang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).