|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hợp đồng 17 tỷ USD giữa Boeing và Iran hồi hộp chờ Trump

14:35 | 12/12/2016
Chia sẻ
Đây là đơn hàng lớn đầu tiên giữa một công ty Mỹ với Cộng hòa Hồi giáo Iran sau nhiều tháng đàm phán, tuy nhiên chưa chắc chắn khi luồng gió chính trị đã thay đổi.
hop dong 17 ty giua boeing va iran hoi hop cho trump
50 chiếc máy báy Beoing 737 nằm trong hợp đồng mua 80 chiếc máy bay của Boeing với Iran có trị giá niêm yết 16,6 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg

Wall Street Journal đưa tin hôm qua cho biết Boeing đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về việc bán 80 máy bay cho Iran, với tổng trị giá gần 17 tỷ USD. Hợp đồng gồm 15 chiếc Boeing 777-300ER và 15 chiếc 777X thân rộng thế hệ mới cùng 50 chiếc 737.

Đây là một trong số những thương vụ lớn mà Iran ký với phương Tây sau khi lệnh trừng phạt lên Tehran được dỡ bỏ. Chính phủ Mỹ đã dọn đường cho phép Boeing bắt đầu thảo luận về hợp đồng từ tháng 9 năm nay.

Tuy vậy, với việc nước Mỹ vừa có tổng thống mới đắc cử, lãnh đạo nhà sản xuất máy bay đang tìm hiểu xem liệu Donald Trump có định can thiệp để làm chậm, thậm chí dừng hẳn thương vụ mà họ vừa mới đàm phán xong hay không.

Thương vụ Boeing bán máy bay cho Iran được công bố lần đầu vào tháng 6 và chính thức ký kết vào Chủ nhật 11/12. Hợp đồng có trị giá 16,6 tỷ USD dựa trên niêm yết của hãng, chưa tính đến các khoản giảm giá thường có. Đối thủ của hãng tại châu Âu là Airbus cũng có một hợp đồng tương tự.

Thời điểm công bố thương vụ khá nhạy cảm, do vừa tuần trước Donald Trump phê phán cái giá mà Boeing thu để thay thế chiếc máy bay Không lực Một cho tổng thống Mỹ.

Người phát ngôn Boeing cho biết hợp đồng với Iran sẽ giúp duy trì hàng nghìn việc làm cho người Mỹ, và rằng công ty sẽ làm việc với Donald Trump về chi phí chiếc Air Force One.

hop dong 17 ty giua boeing va iran hoi hop cho trump Trump đòi hủy đơn hàng Không lực Một với Boeing

Hợp đồng Boeing với Iran nhận được sự ủng hộ của Chính quyền Tổng thống Barack Obama. Trong khi đó, khi còn vận động tranh cử, Trump từng tuyên bố đây là hợp đồng xấu vì nước Mỹ cho đi quá nhiều để nhận lại quá ít.

Vì thương vụ với Iran Air có liên quan đến một hãng hàng không quốc gia, do đó Boeing sẽ cần đến sự thông qua từ Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và Quốc hội, những người am hiểu về thương vụ nói với Wall Street Journal.

Một nguồn tin từ Đảng Cộng hòa cho rằng Quốc hội có thể phản đối thương vụ trong năm tới và rằng chính quyền mới có thể sẽ chặn đứng thương vụ này.

Bất chấp những nỗi lo mới xuất hiện sau khi Trump trúng cử, nhiều công ty phương Tây cả lớn lẫn nhỏ đều đang háo hức để tiến vào thị trường Iran. Tập đoàn Siemens của Đức, đại gia dầu lửa Pháp Total SA, hãng viễn thông Pháp Orange SA và hãng viễn thông Anh Vodafone là vài trong số những đại gia phương Tây đang thiết lập việc làm ăn tại quốc gia này.

Dù vậy, cùng lúc đó có những cái tên rút lui. Công ty dầu lửa Hà Lan Shell PLC ký hợp đồng hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng với Tehren hồi tuần trước, nhưng không đưa ra bất cứ khoản đầu tư cụ thể nào.

"Iran là một thị trường lớn và có nhiều tiềm năng ở đây, Nhưng chúng tôi không chắc lệnh trừng phạt sẽ đi đến đâu", Anubhav Singh, giám đốc bán hàng và marketing ở công ty viễn thông, thiết bị Nam Phi Afripipes nói. Đang tìm hiểu thị trường Iran, công ty này cho biết mình vẫn đang thận trọng và sẽ quan sát diễn biến tại đây thêm 5 đến 6 tháng nữa.

Bộ trưởng giao thông của Iran, Abbas Akhoundi cho rằng hợp đồng với Boeing "là bước đi đầu tiên trong cuộc cải tổ đội bay" của quốc gia này, và sẽ sớm hoàn tất đàm phán với Airbus.

Thay thế máy bay là nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của Iran Air. Sau nhiều năm cấm vận, đội bay của hãng thuộc dạng cũ nhất thế giới với những chiếc có từ năm 1979.

Hồi tháng một, Airbus cũng vừa đồng ý bán 118 máy bay cho Iran Air trong một hợp đồng trị giá 25 tỷ USD về giá trị niêm yết.

Vân Vũ