|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hội thảo 'Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng'

17:19 | 26/11/2022
Chia sẻ
Với sự tham gia của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia kinh tế, đơn vị tư vấn logistics, Hội thảo đã đánh giá triển vọng và thách thức của ngành thủy sản năm 2023, đưa các giải pháp thích ứng linh hoạt, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành thủy sản.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra hay cá ngừ đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số.

Giá trị thủy sản đi Mỹ - thị trường tiêu thụ chủ lực của Việt Nam - đạt 1,9 tỷ USD trong 10 tháng qua, tăng 15%; đi Trung Quốc đại lục và Hong Kong ghi nhận 1,5 tỷ USD, tăng 74%; đi Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD, tăng 33%.

Tuy nhiên, những thành tích này đạt được chủ yếu là nhờ các tháng trước. Riêng trong tháng 10, giá trị xuất khẩu thủy sản ghi nhận dưới 1 tỷ USD, chỉ nhỉnh hơn 2% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

 

Nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ hải sản chính của Việt Nam đang chững lại khi nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, lạm phát đang ở vùng cao nhất nhiều thập kỷ, và tồn kho tại các nước nhập khẩu đang lớn.

Doanh số bán hàng trùng xuống khi người tiêu dùng ở nhiều nước thắt lưng buộc bụng để ứng phó với tình trạng vật giá leo thang. Ngoài ra, đồng nội tệ của Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục mất giá so với USD đã làm giảm sức mua của các thị trường trọng điểm này.

Ở trong nước, lượng tồn kho của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang tăng, trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều công ty Việt.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, dẫn tới những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh.

Hội thảo có sự tham gia của Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia kinh tế, đơn vị tư vấn về giải pháp logistics, lưu kho, nhằm đánh giá triển vọng và thách thức của ngành thủy sản năm 2023, đưa các giải pháp thích ứng linh hoạt, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành thủy sản.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe phát biểu tại sự kiện ngày 26/11. (Ảnh: BTC).

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ Hiệp hội và các chuyên gia, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:

-   Triển vọng xuất khẩu thủy sản 2023, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới

-   Những biến số vĩ mô tác động đến doanh nghiệp thủy sản 2023

-   Giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản

-   Giải pháp logistics, quản trị hàng tồn kho

Hội thảo diễn ra trực tiếp tại khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ, Lô E1, cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào lúc 14h00 ngày hôm nay 26/11, kết hợp trực tuyến trên Trang TTĐTTH vietnambiz.vn, Tạp chí doanhnhanvn.vn và livestream trên Page https://www.facebook.com/TintucVietnamBiz/ .

Tham luận của các diễn giả

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: Xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ vượt 11 tỷ USD 

VASEP dự kiến đến tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.

Trong 10 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 9,4 - 9,5 tỷ USD. Các thị trường lớn nhất gồm có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2022. 

Dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD. 

Cả năm 2022, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 4,3 tỷ USD, cá tra vượt qua 2 tỷ USD và có thể đạt 2,5 tỷ USD. Trong khi đó, cá ngừ lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD - đây là mục tiêu cách đây ba năm và năm nay mới có thể đạt được. Nhóm hải sản ước đạt 3,2 tỷ USD giá trị xuất khẩu.

Tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 18 – 77%. Tất cả thị trường đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 15 – 75%, trừ Anh chỉ tăng 3%, trong khi Nga vẫn tăng trưởng 0,2%. Top 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản. Trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD, Anh trở thành thị trường lớn thứ 7.

Ông Hoè chia sẻ thêm, giai đoạn 2003 - 2004, Việt Nam phải đối diện với hai vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ với tôm và cá tra. Thời điểm đó, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh trở lại. Tuy nhiên sau vụ việc trên khoảng 3-4 năm, xuất khẩu thuỷ sản đã tăng trưởng rất nhanh.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), có 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Cả ba ngành hàng đều ghi nhận tăng trưởng cao.

Top 100 đơn vị xuất khẩu hàng đầu, có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị. Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hàng đầu tgồm 6 doanh nghiệp tôm và 4 doanh nghiệp cá tra. 

Giá trị xuất khẩu tôm và cá tra đi xuống trong những tháng gần đây. 

Bài học cho ngành thuỷ sản

Thứ nhất là sự chủ động trong cả nguyên liệu và sản xuất. Khi dịch COVID-19 lên đỉnh điểm, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đã chủ động kiến nghị các cơ quan ban ngành, Chính phủ cần phải tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản trong giai đoạn đó. Thực tế, việc này giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hậu COVID-19, việc chủ động giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội.

Thứ hai là tính linh hoạt, kiên trì với thị trường, xu hướng tiêu dùng.

Thứ ba là tính hiện đại, doanh nghiệp thuỷ sản Việt đã theo đuổi mục tiêu này nhiều năm. Theo ông Hòe, tính hiện đại cũng là điều giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có trình độ chế biến cao trên thế giới.

Cuối cùng là tính bền vững bao gồm sản xuất xanh đi kèm trách nhiệm xã hội. 

Thương mại thuỷ sản toàn cầu tăng trưởng

Năm 2021, thủy sản ngày càng được yêu thích và trở thành nguồn cung cấp protein quan trọng của thế giới. Thương mại thủy sản năm 2021 gấp 3,6 lần so với thịt bò, gấp 5 lần thịt heo và gấp 8 lần thịt gia cầm xét về doanh số.

Giá trị thương mại thuỷ sản toàn cầu năm 2021 đạt 164 tỷ USD so với 63 tỷ USD năm 2003, khối lượng năm 2021 là 60 triệu tấn so với 48 triệu tấn trong năm 2003.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của riêng khu vực EU đạt 34 tỷ USD, Mỹ là 28 tỷ USD, Trung Quốc là 18 tỷ USD. Cả ba thị trường này chiếm gần 60% thương mại thuỷ sản toàn cầu.

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe trình bày tại hội thảo do VietnamBiz phối hợp tổ chức chiều 26/11. (Ảnh: BTC).

Về tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam

Sản lượng thủy sản hàng năm của Việt Nam có thể đạt 10 triệu tấn, trong trong đó nuôi trồng hơn 7 triệu tấn cung cấp 70% nguyên liệu cho xuất khẩu.

Lợi thế về tính đa dạng trong nuôi trồng thủy sản phù hợp xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới sẽ giúp xuất khẩu thủy sản tăng thị phần tại các nước phát triển.

Việt Nam hiện có công suất chế biến thực tế 3 triệu tấn/năm so với mức xuất khẩu xấp xỉ 2 triệu tấn hiên nay. Hiện có 20 công ty trong câu lạc bộ 100 triệu USD và sẽ gia tăng trong vài năm tới.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có công nghệ chế biến thủy sản hiện đại nhất. Hơn 700 cơ sở chế biến đạt chứng nhận bắt buộc của EU, Trung Quốc. USDA công nhận tương đương cho ngành xuất khẩu cá tra. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có chứng nhận bền vững quốc tế ngày càng tăng. 

Nói riêng về thị trường Trung Quốc, ông Hoè cho biết 10 tháng năm 2022, dù áp dụng chính sách Zero COVID, Trung Quốc vẫn nhập khẩu thủy sản trên 15 tỷ USD, cao hơn cả năm 2019.

Hiện thủy sản Việt Nam đã có thị phần tại các địa phương nhập khẩu lớn như Sơn Đông, Quảng Đông, Thượng Hải, Liêu Ninh, Phúc Kiến, Bắc Kinh và Thiên Tân. Các địa phương này hiện chiếm tỷ lệ 87% nhập khẩu của Trung Quốc.

Việt Nam xuất khẩu 9,4 tỷ USD thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2022, thị trường Mỹ chiếm 20% kim ngạch này.

Thách thức của ngành thuỷ sản

Về vấn đề nguyên liệu chế biến, ông Hoè đưa ra loạt thách thức bao gồm: Quỹ đất cho nuôi trồng thủy sản; cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng; chất lượng con giống, giống bố mẹ, chi phí đầu vào; công tác quản lý thủy sản theo Quy định IUU, chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản; cường lực khai thác và đánh giá nguồn lợi.

Bên cạnh đó, ngành thuỷ sản phải đối mặt với thách thức về thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Ngành thuỷ sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn.

 

Ông Hòe cho rằng thị trường thủy sản không thể xuống mãi mà phải có lúc lên. Doanh nghiệp cần cố gắng tiếp tục sản xuất, duy trì lực lượng lao động, nhất là công nhân có tay nghề, khi thời cơ đến thì tăng trưởng và xuất khẩu. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển: Nhiều thách thức vĩ mô

TS. Đinh Thế Hiển cho biết kinh tế thế giới đang gặp khó khăn. Dự báo năm 2023 kinh tế thế giới nói chung và khu vực ASEAN nói riêng đối mặt nhiều thách thức. Điểm qua một số chỉ số kinh tế Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2022, ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ phục hồi tương đối tốt, gần bằng mức trước dịch COVID-19.

TS. Đinh Thế Hiển trình bày tại hội thảo chiều 26/11. (Ảnh: BTC).

Với riêng ngành thủy sản, trong cơ cấu xuất khẩu 10 tháng 2022, đây là ngành có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, trên 30%. Hiện nay có tranh cãi về việc nới thêm room tín dụng 2%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16% nhằm đẩy mạnh cung tiền. Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn giữ chính sách cung tiền thận trọng và ưu tiên kiềm chế lạm phát.

Doanh nghiệp thâm dụng vốn

Về nguồn vốn, nền kinh tế đang có xu thế phát triển từ thâm dụng vốn. Nợ trên vốn của doanh nghiệp ở mức cao là 1,5 lần; tăng trưởng tín dụng tăng nhanh hơn GDP trong 5 năm gần đây. Sự khó khăn về tài chính hiện nay ở các công ty, mạnh nhất là ở khối bất động sản, đang tác động đến các công ty khác, trong đó có thủy sản do vấn đề chúng ta đã thâm dụng vốn.

Tỷ lệ thâm dụng vốn tăng rất mạnh trong giai đoạn từ 2020 đến nay, và hiện chúng ta đang rất khát vốn. Xét về doanh nghiệp, mức thâm dụng vốn của các công ty niêm yết là rất lớn. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu vượt 122%, nghĩa là các công ty niêm yết đang dùng vốn nhiều hơn để tạo ra doanh thu.

Trong khi đó, cần lưu ý những công ty niêm yết là các doanh nghiệp tương đối tốt, có hệ thống huy động vốn tốt mà mức thâm dụng vốn vẫn tăng mạnh. Chúng ta thiếu tiền do thâm dụng vốn, dẫn đến khan tiền, chứ không phải do Chính phủ siết cung tiền bởi tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng còn nhiều hơn các năm trước. 

Ngành thủy sản có cơ cấu vốn hài hòa

Tình hình sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, các công ty niêm yết ngành thủy sản có cơ cấu vốn khá tốt so với ngành công nghiệp.

Đáng chú ý, tỷ lệ tổng vốn trên doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản lên tới 747%, nghĩa là khối này đang sử dụng nhiều vốn mà ít tạo doanh thu. Số tiền bị nhốt trong nền kinh tế đang khan tiền chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản.

Tỷ lệ vốn/doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã giảm trong các năm qua và hiện chỉ ở khoảng 50%.

 

Tỷ suất sinh lời tốt

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty thủy sản niêm yết tăng tốt, cao hơn năm 2019. Hiện ROE của các công ty thủy sản nói chung ở mức 14,8%, các công ty thủy sản nhỏ và vừa khoảng 13%.

Các công ty có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay ở mức 10-12%, tuy nhiên nếu lãi suất cao hơn thì sẽ hơi khó khăn. Nếu như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý I/2023, thì nhiều công ty thủy sản nhỏ và vừa sẽ phải chấp nhận lỗ khi sử dụng vốn.

 

Ngoài ra, các công ty thủy sản đang bị đánh giá thấp hơn mức bình quân các công ty các ngành khác trên thị trường chứng khoán. Dự báo giá trị xuất khẩu ngành thủy sản năm nay là 11 tỷ USD, là mức tăng vượt bậc.

Nhiều thách thức với ngành thủy sản

Về khó khăn trong quý IV và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ.

Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030.

Những thách thức lớn cần vượt qua còn phải kể đến cạnh tranh giá, phí vận chuyển cao, vấn đề môi trường, chế biến sâu, nguyên liệu ổn định. Tất cả những khó khăn này đòi hỏi nguồn vốn lớn cho đầu tư hệ thống kinh doanh và sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị mà ngân hàng thương mại khó đáp ứng.

USD mạnh lên đáng kể trong năm 2022. USD Index đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 loại ngoại tệ lớn: euro châu Âu, yen Nhật, bảng Anh, đô la Canada, franc Thụy Sỹ, và krona Thụy Điển. 

Bà Trương Thị Kim Liên, Đại diện CTCP Mekong Logistics

Những nút thắt logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi về lợi thế tự nhiên, được xem là nguồn nông thủy sản lớn của đất nước, trong đó sản lượng gạo chiếm 90%, trái cây xuất khẩu chiếm 70% và thuỷ sản chiếm 65%. Đặc biệt, ĐBSCL có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dài hơn 28.000 km, trong đó có 13.000 km phục vụ cho vận tải đường thủy.

Bên cạnh đó, tuyến đường bộ đi từ ĐBSCL đi ra vùng Đông Nam Bộ cũng như các tỉnh thành trên cả nước cũng rất phát triển, hệ thống cảng nhiều ở khu vực nhiều ở khu vực sông Tiền, sông Hậu. Tuy nhiên, chuỗi logistics ở ĐBSCL chưa phát triển do một số nút thắt.

Cụ thể: Thứ nhất, giai đoạn 2011-2021, ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa trong tổng ngân sách đầu tư giao thông giảm 2-3% và giai đoạn 2016 – 2020 tiếp tục giảm, chỉ còn 1,2%. Sự đầu tư về giao thông vận tải ở khu vực ĐBSCL này chưa tương xứng so với tiềm năng.

Thứ hai, sự liên kết, tích hợp giữa Nhà sản xuất, chế biến – Kho – Bãi – Cảng – Vận tải là yếu tố cực kỳ quan trọng.

Thứ ba là sự đầu tư phát triển trung tâm logistics trọng điểm. Hiện 70-75% lượng hàng xuất khẩu của khu vực ĐBSCL phải vận chuyển lên cụm cảng khu vực TP HCM và Cái Mép - Thị Vải, điều này gây tốn thời gian và chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Thứ tư là chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi dịch vụ logistics lạnh/mát. Chi phí đầu tư và vận hành các kho lạnh rất cao, ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp. Đặc biệt chi phí điện - cấu thành rất lớn trong tổng chi phí vận hành của các doanh nghiệp kho lạnh - đang áp dụng tính theo giá điện kinh doanh cao hơn gần 60% so với giá điện sản xuất.

Cuối cùng là sự phụ thuộc mùa vụ của chuỗi logistics ngành hàng thủy sản. Hoạt động của chuỗi cung ứng thuỷ sản phụ thuộc rất lớn vào tính mùa vụ. Đặc điểm vùng miền, hoạt động quảng bá, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh, mạnh của khu vực.

Bà Trương Thị Kim Liên, Đại diện CTCP Mekong Logistics. (Ảnh: BTC).

Giải pháp logistics cho ngành thủy sản

Tại hội thảo, bà Trương Thị Kim Liên đã đưa ra một số giải pháp tối ưu cho ngành thủy sản. Cụ thể với các cơ quan ban ngành, bà Liên kiến nghị cần có sự kết nối giữa các hiệp hội thuộc ngành thủy sản, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI)… tìm đầu ra cho các công ty xuất khẩu nông sản.

Ngoài ra, bà Liên đề xuất cơ quan quản lý giảm lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp logistics, nâng cấp hệ thống giao thông và giảm giá điện cho các công ty cung cấp dịch vụ kho lạnh.

Với các công ty logistics, Đại diện CTCP Mekong Logistics cho rằng doanh nghiệp cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho từng khách hàng. Nhanh chóng khảo sát để mở tuyến đường vận chuyển trực tiếp từ Cái Mép.

Một yếu tố quan trọng khác là sự đồng thuận, ủng hộ của các doanh nghiệp xuất/nhập khẩu trong chuỗi logistics. Hiện các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường sử dụng phương thức nhanh, nhỏ lẻ, ít tập trung ở khu vực Cần Thơ.

Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi cách thức sử dụng phương thức vận chuyển, tập trung về bãi tập kết tại các cảng ở khu vực Cần Thơ sau đó lên tàu đi thẳng ra Cái Mép, tiết kiệm chi phí rất nhiều.

Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam: Giá trị của công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy sản và kho lạnh

Trên thế giới, xu hướng sử dụng vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng, công nghệ không gây phát thải khí CO2 đang phổ biến. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư kho lạnh, xây dựng cũng lựa chọn theo xu hướng này.

Khi xây dựng công trình kho logistic, kho dịch vụ thủy sản, ngoài tiêu chí tính hiệu quả, bền đẹp, tiện lợi, an toàn, doanh nghiệp còn quan tâm đến các chứng nhận, chứng chỉ để sản phẩm đáp ứng tiêu chí thế giới.

Các doanh nghiệp cần cải tiến, đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua rào cản của các thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp ngành thủy sản. Hiện nay CE, UL là các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất của châu Âu, Mỹ, kho lạnh của doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn này sẽ tự tin xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới. 

Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam. (Ảnh: BTC).

Phiên thảo luận

Theo kết quả khảo sát trên 117 người đang làm việc tại các doanh nghiệp thuỷ sản theo hình thức trực tiếp và online mà chúng tôi vừa tổng hợp, kết quả cho thấy có tới có tới 71% cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới.

Ba nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; Kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tốn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như: Ecuador hay Ấn Độ. 

Như vậy, có thể thấy các doanh nghiệp cũng đang rất bi quan về triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023. Theo ông Trương Đình Hòe, ông đánh giá như thế nào về kết quả khảo sát trên? 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP 

Ngành thuỷ sản không hẳn là bi quan song tình hình thực tế khá khó khăn. Đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào.

Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện mà nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023.

Theo ông Hoè, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài giống năm 2008. Ngoài ra, sức khoẻ của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, chúng ta không nên quá bi quan mà doanh nghiệp phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới. 

Giá trị xuất khẩu tháng 10/2022 thấp hơn cùng kỳ năm 2020.

Với những lo ngại về vốn, việc các ngân hàng cắt giảm hạn mức khiến dòng tiền của các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thưa Tiến sỹ Hồ Quốc Lực, được biết Sao Ta là doanh nghiệp niêm yết có bề dày hoạt động, được các tổ chức tư vấn - đầu tư đánh giá có chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất trong ngành: Các chỉ số hiệu quả hoạt động, khả năng thanh toán ở mức cao; nợ/vốn, nợ vay/doanh thu, nợ vay/thu nhập của công ty ở mức thấp.

Xin ông có thể chia sẻ thêm về chiến lược tài chính, kinh nghiệm của Sao Ta trong những giai đoạn thị trường khó khăn, thưa ông?

TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Sao Ta

Ở công ty chúng tôi hơi đặc thù, hoạt động trên nền tảng chiến lược 5 năm, trong đó mục tiêu của chiến lược tài chính là đảm bảo được đủ vốn hoạt động, ngay cả trong lúc khó khăn như hiện nay.

Thực tế, các ngân hàng thương mại không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp khi nhu cầu của doanh nghiệp cao hơn vốn có. Do vậy, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán là kênh cơ bản nhất để chủ động nguồn vốn hoạt động. Để thu hút được nhà đâu tư tham gia, chúng tôi phải có sự chuẩn bị, tính toán.

Yếu tố đầu tiên là hãy xác định được đường đi của doanh nghiệp minh bạch và bền vững trên nền tảng ba trụ cột môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp.

Qua giải pháp đã thực thi, chúng tôi đã có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, công ty chủ động được nguồn vốn, các chỉ số về nợ/vốn, nợ vay/doanh thu, nợ vay/thu nhập của công ty ở mức thấp. Các chỉ số này cũng liên quan đến vấn đề công ty chúng tôi ứng xử như thế nào khi khó khăn dồn dập như hiện nay.

Thực tế, các doanh nghiệp này không thể sống thiếu thông tin, hàng ngày phải thu thập thông tin, tổng hợp, đánh giá ứng xử và xử lý kịp thời. Nếu thấy xu thế lạm phát chưa dừng lại, chúng tôi sẽ giảm tối đa tồn kho, thậm chí lỗ cũng bán. Và chúng tôi đã thành công.

Một yếu tố khác là chúng tôi giảm các chi phí tối đa, nêu cao ý thức tiết kiệm và rà soát các định mức. Những giải pháp tôi nêu ra bình thường doanh nghiệp cũng làm nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần coi trọng hơn. Đó là bề nổi.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Thực phẩm Sao Ta. (Ảnh: BTC).

Qua cuộc khảo sát ở hội trường, tôi thấy rằng giải pháp quan trọng khác là ứng dụng công nghệ trong sản xuất, cơ giới hóa – tự động hóa – số hóa mọi khâu, ứng dụng ngay các phần mềm quản trị hiện đại để tăng năng suất, giảm thiểu sự lệ thuộc vào lao động và giảm thiểu rủi ro cho chất lượng sản phẩm.

Giải pháp dài hạn tiếp theo, chúng ta phải theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh với các đối thủ. Với những pháp này, Sao Ta đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế một cách ngoạn mục và 26 năm hoạt động kết quả kinh doanh đều tăng trưởng dương.

Khi được hỏi về các yếu tố kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu khả quan hơn, 76% số doanh nghiệp được khảo sát kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại, trên 60% kỳ vọng thị trường Mỹ và EU phục hồi, trên 50% kỳ vọng lạm phát đạt đỉnh, USD ít biến động hơn. Ông đánh giá như thế nào về kỳ vọng trên?

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển

Những kỳ vọng trên dựa vào dự báo năm 2023 thuận lợi, nhưng trong thông điệp xuyên suốt của tôi và nhiều chuyên gia về năm 2023 là có nhiều chuyện đáng lo.

Ngành thủy sản là ngành xuất khẩu nên khi xuất hiện nhiều thông tin liên tiếp về đơn đặt hàng chậm lại, giảm đi, bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tiếp tục xấu đi, ngành thủy sản là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất.

Mối lo thứ hai là tiêu dùng trong nước cũng có thể gặp khó khăn. Hồi năm 2008 khi thế giới chao đảo, tôi cùng nhóm nghiên cứu đã báo cáo lên Chính phủ rằng chúng ta có thị trường 100 triệu dân tiêu dùng nội địa cứu lại.

Tuy nhiên bối cảnh năm nay không được như năm 2008. Thị trường nội địa có thể gặp khó khăn. Khó khăn thứ nhất đến từ suy giảm việc làm ở công nhân khu công nghiệp, tình trạng này đang xảy ra. Thứ hai, người dân đang kẹt tiền trong đầu tư chứng khoán, bất động sản, nên một bộ phận cũng không dám đầu tư, chi tiêu.

Quay trở lại ngành thủy sản, tôi dự báo quý IV/2022 và quý I/2023 là giai đoạn khó khăn nhất. Riêng với thị trường chứng khoán thì hãy chờ đến cuối tháng 12 mới nên bắt đầu vào thị trường, ôm 6-9 tháng sẽ lãi được 50% trở lên. Tôi nói như vậy bởi kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô.

Quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý II/2023 hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.

Nhiều ngân hàng đang chờ sẵn chỉ tiêu cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh để đến quý I/2023 họ lập tức giải ngân. Dòng vốn sẽ bớt khó khăn. Vì thế doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cố gắng chịu đựng, cùng lắm trong 4-5 tháng nữa, dòng vốn ngân hàng sẽ về. 

TS. Đinh Thế Hiển (giữa) thảo luận tại hội thảo chiều 26/11 do VietnamBiz, Tạp chí Doanh nhân Việt Nam và Công ty Greenpan phối hợp tổ chức. (Ảnh: BTC).

Dự đoán đến tháng 6/2023 sẽ là đỉnh điểm của khó khăn của thị trường Mỹ. Lạm phát Mỹ cũng sắp đạt đỉnh. TS. Đinh Thế Hiển nhận định ngành thủy sản sẽ theo xu hướng đi ngược lại năm 2022.

Nếu như quý I, quý II/2022 tăng trưởng tốt, quý III bắt đầu khó khăn, quý IV rất khó khăn thì sang năm 2023, quý I tăng trưởng chậm, quý II ổn định, quý III và IV sẽ vượt lên. Tăng trưởng năm 2023 không thua năm 2022, trong đó thị trường mạnh nhất là Mỹ. 

Lạm phát tại Mỹ liên tục đi xuống sau khi lập đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022.

Vật liệu xanh có thể thay thế vật liệu truyền thống hay không? Vai trò rõ nét của sản phẩm Panel PIR trong chuỗi hệ giá trị bền vững nói chung và hệ sinh thái ngành thủy sản nói riêng là gì?

Ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam:

Hoạt động xây dựng được chia thành hai nhóm là xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp. Trong đó, nguyên vật lệu cho xây dựng dân dụng rất đa dạng, còn xây dựng công nghiệp lại ưu tiên tính đơn giản tối ưu nên vật liệu Panel PIR có thể thay thế đa phần vật liệu xây dựng tuyền thống.

Ví dụ, trước đây nhà máy sử dụng tường gạch, tôn thông thường cách nhiệt thì hiện nay chuyển đổi sang dùng tường, vách, trần panel cách nhiệt. Còn trong xây dựng dân dụng, sản phẩm Panel PIR này chỉ thay thế một phần vì tính đa dạng riêng biệt nên không thể thay thế hoàn toàn.

Hiện tại thị trường kho lạnh chia thành hai lĩnh vực gồm xây dựng kho lạnh và xây dựng nhà xưởng, bất kỳ nhà máy sản xuất thủy sản nào cũng sẽ xây dựng nhà xưởng có khu chế biến, vách ngăn chia các khu vực và mảng kho lạnh.

Hiện tại sản phẩm Panel PIR của Greenpan đáp ứng được cả hai lĩnh vực này, ưu điểm mà sản phẩm mang lại là công nghệ mới, tính đồng đều, chất lượng cách nhiệt tương đồng sản phẩm của châu Âu.

Khi doanh nghiệp sử dụng những sản phẩm trong nước chất lượng tốt, giá thành hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm, cung ứng hàng nhanh, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Đào Ngọc Long (bên trái), Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam. (Ảnh: BTC).

Dẫn chứng về hiệu quả trong ứng dụng thực tiễn của doanh nghiệp ngành thủy sản, ông Long cho biết các nhà máy từ miền trung đến Đồng bằng Sông Cửu Long đều có nhà xưởng chế biến sử dụng tấm panel cách nhiệt giúp giảm tiêu hao năng lượng, tránh ẩm mốc.

Trong mảng kho lạnh, doanh nghiệp quan tâm tối ưu năng lượng, khi sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, trong chu trình sử dụng sẽ tiết kiệm năng lượng, giảm năng lượng tổn thất qua vách ngăn khoảng 20%, còn sản phẩm không đồng đều năng lượng tổn thất sẽ vượt hơn 20%. 

Các doanh nghiệp thủy sản đang bị vạ lây bởi những bất ổn trên thị trường tài chính hiện nay mà theo ông là hệ quả của một quá trình thâm dụng vốn kéo dài trong nhiều năm. Theo ông khi nào những bất ổn này sẽ kết thúc và các ngân hàng sẽ giải ngân bình thường trở lại?

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển

Tôi cho rằng dùng từ “vạ lây” là đúng trong hoàn cảnh hiện nay. Tại một hội thảo gần đây về trái phiếu doanh nghiệp, kết quả khảo sát trên 20 doanh nghiệp nhiều ngành cho thấy đa phần đều bất ngờ về việc ngân hàng giảm hạn mức tín dụng, trong khi các doanh nghiệp vẫn đang sản xuất bình thường, không bị ảnh hưởng bởi vấn đề nợ xấu.

Hiện nay, có hai luồng ý kiến trong vấn đề giải cứu thị trường bất động sản. Thứ nhất là phải làm sao để có thêm nguồn vốn để bất động sản thoát ra khỏi tình trạng thiếu vốn, để từ đó dịch chuyển nguồn vốn, điều hòa lại thị trường, giúp cho nền kinh tế phát triển.

Luồng ý kiến thứ hai là Nhà nước đang giải cứu thị trường bất động sản, đang đưa các chính sách, biện pháp kiểm soát NHTM làm cho các dòng vốn hạ cánh an toàn để hệ thống NHTM không rơi vào tình trạng sụp đổ.

Tôi dự báo đến hết quý IV/2022 hệ thống NHTM sẽ ổn định, đến quý I/2023 thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tốt trở lại. Lãi suất cho vay hết quý I/2023 sẽ hạ nhiệt, còn khoảng 10-14%, nguồn vốn vào sản xuất từ quý I/2023 bắt đầu tốt và quý II sẽ tăng mạnh.

Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam tăng mạnh trong năm 2022.

Riêng ngành thủy sản là ngành vốn lưu động, nghĩa là luôn được ngân hàng ưu tiên cho vay, trong khi đó doanh thu ngành này vẫn tốt, nên tôi dự báo năm tới, dòng vốn vào ngành thủy sản sẽ thuận lợi hơn những ngành khác. 

Về vốn đầu tư phát triển, việc trở thành công ty đại chúng và đưa cổ phiếu giao dịch lên thị trường chứng khoán sẽ giúp công ty huy động vốn dễ hơn, nhưng thực tế có rất ít các doanh nghiệp SME huy động vốn thành công từ trước đến nay, chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản, tài chính, ngân hàng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển

Trái phiếu doanh nghiệp thường được ca ngợi là kênh huy động vốn rất quan trọng. Nhưng tôi khẳng định trong giai đoạn này và ba năm tới, trái phiếu doanh nghiệp chỉ là một kênh dành cho công ty cổ phần đại chúng niêm yết chứ không phổ biến cho công ty sản xuất kinh doanh bình thường.

Từ 2016 đến 2019, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%, tiêu dùng tăng trưởng bình quân 12-13%, vẫn cung cấp nguồn vốn cho nền kinh tế. Năm 2021-2022, nguồn vốn bị kẹt lại là do vấn đề trên thị trường bất động sản.

Năm 2023- 2024, nguồn vốn cho các công ty thủy sản ở quy mô nhỏ và vừa vẫn dựa vào ngân hàng là chủ yếu. Để có nhiều nguồn vốn, doanh nghiệp cũng cần quản lý tài chính tốt, nên nghiên cứu làm sao cho nguồn vốn nhẹ nhất, thanh khoản tốt nhất, không nên phát triển theo kiểu tăng trưởng đến đâu đầu tư đến đó mà nên hạn chế đầu tư, chỉ đầu tư vào những thứ cốt lõi.

Nếu làm như vậy, quy mô tăng trưởng sẽ cao hơn quy mô vốn, giúp doanh nghệp có thể xoay xở được trong những giai đoạn khó khăn. 

Ngành tôm thời gian qua gặp khó khăn về áp lực cạnh tranh thị trường từ Ecuador và Ấn Độ. Giá tôm của các nước này cũng đang trong xu hướng giảm mạnh, đặc biệt tại Ecuador trong vài tuần trở lại đây giảm sâu với tôm cỡ vừa và lớn. Thưa Tiến sỹ Hồ Quốc Lực, ông đánh giá như thế nào về tình hình này, liệu rằng Việt Nam có đánh mất năng lực cạnh tranh trên thị trường với những khó khăn hiện nay hay không?

TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta: Ngành tôm cần ‘biết người, biết ta’ trước sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador 

6 nước nuôi tôm lớn trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó ngành tôm của Ecuador nổi lên với tốc độ phát triển nhanh và mạnh. Giai đoạn 2020 – 2022, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng 50%, tức 3 tỷ USD năm 2020, 5 tỷ USD năm 2021 và dự kiến hơn 7 tỷ USD cho năm 2022.

Hiện, tôm Ecuador đang chiếm 70% thị phần ở Trung Quốc, 18% ở Mỹ và đứng đầu ở Tây Âu. “Năm 2016, Ecuador đứng vị trí thứ 6 thế giới về tôm nuôi. Song đến năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Điều đáng nói, tốc độ phát triển của ngành tôm Ecuador cực kỳ nhanh, sản lượng tăng nhưng không bị tồn kho. Họ tiêu thụ được hết nhờ giá thành sản phẩm rất thấp”, ông Lực dẫn chứng.

Chủ tịch Sao Ta cho rằng trước sức ép từ phía các đối thủ, việc giữ vững hoạt động của ngành tôm Việt Nam là bài toán lớn đối với cả tầm vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp). Ứng xử với tình hình này, doanh nghiệp Việt phải tính toán, đánh giá được điểm mạnh – điểm yếu của mình và đối thủ, chuẩn bị các sách lược uyển chuyển, linh hoạt, phát huy được sở trường, thế mạnh.

Ông Hồ Quốc Lực phân tích ngành tôm Ecuador có thế mạnh về sản lượng lớn, giá thành thấp và vị trí địa lý gần với các thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, bất lợi trước mắt của Ecuador là khả năng chế biến chưa cao, nước này đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến sâu và đây cũng sẽ là thách thức của doanh nghiệp Việt. 

Ở chiều ngược lại, ngành tôm Việt Nam có năng lực chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng đứng đầu thế giới, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do… song vẫn còn nhiều bất cập xung quanh mảng nuôi tôm như tỷ lệ nuôi tôm thành công còn thấp, giá thành cao, diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn của Hội Đồng Quản lý Nuôi trồng Thuỷ sản (ASC) hạn chế,…

Cụ thể, Chủ tịch Sao Ta phân tích tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan 55%, Ấn Độ 48%. Nguyên nhân là Việt Nam chưa gia hóa (domesticate), chưa chủ động được con giống bố mẹ, con giống kém chất lượng rải khắp các vùng nuôi nhỏ, lẻ. Với số lượng 2.000 – 2.500 cơ sở sản xuất tôm giống, việc quản lý chất lượng cũng còn nhiều nan giải.

“Con giống bố mẹ là phải nghiên cứu về mặt chiều sâu, chọn tạo con có tính trội, gen di truyền tốt… Nhưng nhiều cơ sở dùng tôm bố mẹ, tôm thương phẩm lớn cho lai tạo khiến chất lượng con giống thấp. Đó là yếu tố làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam ở mức thấp trong 6 nước”, ông Lực cho biết. Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam vốn dĩ đã thấp hơn các đối thủ, nay kèm theo thời tiết bất lợi, môi trường nước ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta (bên phải) và ông Đào Ngọc Long, Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam. (Ảnh: BTC). 

Nói thêm về diện tích nuôi tôm ASC, ông Lực cho biết hiện diện tích nuôi tôm của Ecuador khoảng 220.000 ha, trong đó có 40.000 ha nuôi tôm ASC; trong khi Việt Nam có tới 700.000 ha nuôi tôm nhưng mới có 5.000 ha có chứng nhận ASC.

Do thiếu chứng chỉ thông hành ASC, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể phát huy tiềm năng và tăng trưởng mạnh ở thị trường có lợi thế thuế quan như Tây Âu. Ngoài các yếu tố về vùng nuôi, chi phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, EU đắt đỏ hơn Ecuador cũng giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. 

Song hành chính sách vĩ mô và vi mô

Để khắc phục những điểm yếu cố hữu của ngành tôm Việt Nam, ông Hồ Quốc Lực cho rằng cần song hành chính sách ở cả vĩ mô (cơ quan nhà nước) và vi mô (doanh nghiệp).

Muốn tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, giảm giá thành, các doanh nghiệp cần có con giống tốt, nước nuôi tốt. Để làm được điều này, cơ quan nhà nước cần có chính sách mở rộng quy mô nuôi tôm ASC, đầu tư vào con giống bố mẹ…

Còn về giải pháp vi mô, ông Lực cho rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có cách ứng xử riêng tùy theo bối cảnh và thị trường. Song giải pháp chung cho các doanh nghiệp là đánh giá lại sách lược thị trường.

Cụ thể, Mỹ đang nhập khẩu khoảng 30% sản lượng tôm Việt Nam, đây là thị trường quan trọng, không thể bỏ song lại có tính cạnh tranh cao. Do vậy, ông Lực cho rằng doanh nghiệp tôm Việt cần nỗ lực thâm nhập vào hệ thống cao cấp mà các đối thủ chưa vào được. Mặt khác trong một số diễn biến thị trường kém khả quan, các sản phẩm chế biến sâu cũng có biến động giá nhưng sẽ không trượt dốc so với các sản phẩm cấp thấp.

Còn với các thị trường Tây Âu, ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm theo phân khúc cao cấp, cùng với đó chuyển đổi diện tích nuôi tôm ASC để gia tăng thị phần.

Quay trở lại với các thị trường có vị trí địa lý gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ông Hồ Quốc Lực thông tin họ nhập sản phẩm chế biến sâu, cao cấp, điều này rất phù hợp với lợi thế của doanh nghiệp Việt. Mặt khác, doanh nghiệp cũng giảm áp lực về chi phí vận chuyển so với các tuyến Mỹ, EU…

“Có thể nói, Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường sân nhà của mình. Nhật là thị trường thứ 2-3, Hàn Quốc là thị trường thứ 5, Australia là thị trường thứ 7, dần dần chúng ta phải thâm nhập”, Chủ tịch Sao Ta nói.

Ngoài những sách lược về thị trường, ông Lực cũng gợi ý cho các doanh nghiệp tôm nên tập trung vào một số sản phẩm thế mạnh, tiêu thụ số lượng lớn. “Thay vì làm 10 sản phẩm, doanh nghiệp hãy làm hai sản phẩm tiêu thụ tốt, tập trung tăng năng suất, giảm giá thành và rủi ro. Chọn cách ứng xử như thế nào sẽ tùy từng doanh nghiệp và hoàn cảnh cụ thể”, ông Hồ Quốc Lực cho biết. 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP

Nói về câu chuyện liên kết chuỗi trong sản xuất ngành thuỷ sản, ông Trương Đình Hoè đánh giá trường hợp của Sao Ta rất thành công nhờ sớm triển khai hệ thống nuôi tôm ở quy mô trang trại, trên cơ sở đó giúp doanh nghiệp một phần chủ động được nguồn nguyên liệu, thông qua đó hiểu hơn về về chuỗi sản xuất của chính doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về trường hợp của ngành cá tra, ông Hoè cho biết 60% lượng nguyên liệu cá tra xuất khẩu được kiểm soát bởi công ty chế biến trực tiếp thông qua hệ thống trang trại của họ. Chính điều này giúp tăng tính chủ động trong khâu sản xuất, tránh các biến động như trước đây khi có thời điểm tình hình ngành cá tra lộn xộn về giá cả, chất lượng, …

Nếu doanh nghiệp nuôi theo quy mô trang trại sẽ dễ có các chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, … là những loại giấy thông hành giúp doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính như EU. 

 

Bà Trương Thị Kim Liên, Đại diện Công ty Mekong Logistics: Giải pháp logistics cho khu vực ĐBSCL và bài học từ thế giới

Nhìn vào các trung tâm logistics tập trung trên thế giới, bà Trương Thị Kim Liên đánh giá hệ thống logistics khu vực ĐBSCL còn manh mún nên chi phí đầu tư cao và khai thác chưa hiệu quả. Bà Liên cho rằng nếu muốn phát triển mảng logistics cần sự đồng hành của nhiều bên gồm các cơ quan ban ngành, công ty logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong đó, yếu tố quan trọng với các công ty logistics là sự đồng thuận của khách hàng trong việc thay đổi mô hình sản xuất, đóng hàng, mình phải tập trung hàng hóa về khu vực ĐBSCL để có đủ lượng hàng vận chuyển về TP HCM.

Thực tế, nguồn hàng từ Cần Thơ hoặc ĐBSCL chuyển về TP HCM sẽ phải có tiếp một chặng nữa từ TP HCM ra cảng Cái Mép. Đó là chi phí ẩn nằm trong giá cước mà ít doanh nghiệp biết được. Định hướng của Tập đoàn Gemadept đang nghiên cứu tuyến mẫu vận chuyển hàng hóa Cái Mép – Cần Thơ và ngược lại. Đây là một trong những cố gắng của doanh nghiệp nhằm giảm chi phí logistics, song cuối cùng vẫn cần sự đồng thuận từ phía khách hàng. 

Doanh nghiệp có nên đầu tư kho bãi chất lượng cao?

Bà Lâm Tố Trinh, Phó Giám đốc đổi mới sáng tạo và phát triển kinh doanh, Công ty TNHH NS BlueScop Việt Nam

Trong ngắn hạn, chúng ta có khó khăn nhưng trong dài hạn rõ ràng có nhiều tín hiệu tích cực nên việc đầu tư là cần thiết. Vấn đề đầu tư chất lượng, chi phí cao, giá thành cao mình nên hiểu theo hướng hiệu quả đầu tư, không tập trung vào suất đầu tư ban đầu bao nhiêu tiền/m2.

Đối với khu công nghiệp, giá thành thuê đất ở Việt Nam thấp hơn khoảng 20-30% so với Indonesia, Thái Lan nên tính cạnh tranh của việc đầu tư kho bãi là có, và việc cho thuê kho bãi cũng rẻ hơn các nước khu vực. Rõ ràng hiệu quả đầu tư là có nếu chúng ta đầu tư tại Việt Nam.

Khi đầu tư kho bãi, tấm bao che xây dựng thương hiệu, hình ảnh công trình là rất quan trọng. Việc chọn vật liệu đầu tiên chất lượng sẽ duy trì được vách bao che, hình ảnh công trình bền lâu 10 năm - 20 năm. Nếu chọn sai vật liệu sẽ bị rỉ sét, phai màu, như vậy hiệu quả đầu tư ban đầu thấp nhưng sau đó trở thành cao.

Đối với doanh nghiệp thủy sản, bên cạnh duy trì chất lượng sản phẩm cá tôm còn phải duy trì chất lượng kho bãi bởi nếu kho bãi rỉ sét, phai màu, hình ảnh thương hiệu không tốt sẽ ảnh hưởng đơn hàng đổ về nhà máy, xếp hạng thấp, mất tính cạnh tranh, ảnh hưởng thương hiệu và hiệu quả đầu tư lâu dài của doanh nghiệp. Như vậy, muốn đầu tư bền vững, về vật liệu chúng ta nên chọn đúng từ ban đầu để có suất đầu tư hiệu quả lâu dài trong tương lai. 

Song Ngọc - Anh Đào - Hoàng Kiều - Như Huỳnh - Hoàng Anh