Hội nghị thượng đỉnh G20 có đạt được đồng thuận sau nhiều tranh cãi?
Nhiều vấn đề chia rẽ 'phủ bóng' Hội nghị thượng đỉnh G20 |
Các nhà lãnh đạo G20 chụp ảnh chung tại hội nghị ở Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 1/12, Chính phủ Argentina bày tỏ tin tưởng về việc các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ đạt được sự đồng thuận và thông qua tuyên bố chung khi Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến sẽ bế mạc sau hai ngày nhóm họp tại Buenos Aires.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ hội nghị, phát biểu trong cuộc họp báo bên lề hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Daniel Raimondi nhấn mạnh về khả năng hoàn thiện văn kiện cuối cùng với tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương.
Ông nêu rõ việc giữ quyền chủ tịch G20 tại hội nghị lần này giúp cho Argentina có cơ hội đưa được vào chương trình nghị sự những tiếng nói của các nước đang phát triển và có nhu cầu khác nhau.
Thứ trưởng Ngoại giao Argentina khẳng định nước chủ nhà sẽ nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu vì sự thành công của hội nghị.
Các nhà lãnh đạo G20 thảo luận tại hội nghị ở Buenos Aires, Argentina ngày 30/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những chủ đề gây tranh cãi nhất giữa các nền kinh tế thành viên G20 tại hội nghị lần này đều liên quan tới thương mại, biến đổi khí hậu và cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã kêu gọi lãnh đạo G20 thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tôn trọng những khác biệt và những động vì lợi ích chung để tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Ông cho rằng những biến động và bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội toàn cầu, cũng như ở mỗi nước trong những năm vừa qua đã gây ra những nghi ngờ về các cơ chế đa phương, kể cả G20, đồng thời xuất hiện những căng thẳng giữa các nước liên quan tới cách tiếp cận về các cơ hội và thách thức mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, đối thoại luôn phải là ưu tiên hàng đầu để giải quyết mọi thách thức.
Nhà lãnh đạo Argentina nhất mạnh G20 phải đưa ra được thông điệp đối với thế giới rằng sát cánh cùng nhau các thành viên của nhóm sẽ đánh dấu một chân trời phát triển mới bằng sự chia sẻ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ và đoàn kết trong khác biệt.
Theo ông, tất cả cần phải hành động với sự khẩn trương như năm 2008 khi các nhà lãnh đạo G20 lần đầu tiên nhóm họp tại Washington với mong muốn tạo ra một không gian đối thoại giúp giải quyết những hệ quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đó cũng là tinh thần mà các nước cần phải khẳng định lại, điều chỉnh những khác biệt vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Macri khẳng định nghĩa vụ của G20 là phải chứng minh được rằng những thách thức toàn cầu chỉ có thể giải quyết được bằng những giải pháp toàn cầu.
Với các vấn đề như biến đổi khí hậu hay tương lai của việc làm, ông đề nghị các nhà lãnh đạo G20 tận dụng các cơ chế sẵn có và thảo luận những biện pháp cần thiết khác.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng thống Argentina cho rằng chính phủ của ông nhận chức Chủ tịch luân phiên của G20 trong năm 2018 vì cho rằng mình có thể đóng góp vào sự hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và quản trị toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires với sự tham dự của tất cả lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và người đứng đầu các tổ chức quốc tế.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đại diện cho 2/3 dân số thế giới, tạo ra 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, chiếm 75% kim ngạch thương mại quốc tế.
Xem thêm |