|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nợ là chủ đề chính tại hội nghị sắp tới của G20

03:00 | 17/02/2023
Chia sẻ
Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp tại Ấn Độ trong tuần tới để trao đổi về vấn đề nợ gia tăng ở các quốc gia đang phát triển, quản lý các đồng tiền kỹ thuật số và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.

Hội nghị diễn ra trong các ngày 22-25/2 tại khu nghỉ dưỡng mùa Hè Nandi Hills ở gần Bengaluru, là sự kiện lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Ấn Độ, trước khi diễn ra hội nghị ngoại trưởng trong hai ngày 1-2/3 ở New Delhi.

Khi lãi suất tăng trên toàn cầu, Ấn Độ muốn tập trung vào vấn đề giảm nợ trong các cuộc thảo luận, trong lúc các quốc gia láng giềng của nước này là Sri Lanka, Pakistan và Bangladesh đều đề nghị sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong những tháng gần đây.

Ấn Độ đang soạn thảo đề xuất các nền kinh tế G20 hỗ trợ các nước đi vay chịu tác động lớn do đại dịch và xung đột giữa Nga và Ukraine, đề nghị các chủ nợ lớn như Trung Quốc giảm nợ. 

Ấn Độ cũng ủng hộ việc IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và Mỹ thúc đẩy việc mở rộng Khuôn khổ chung về xử lý nợ, một sáng kiến của G20 được đưa ra vào năm 2020 để giúp các nước nghèo hoãn thanh toán nợ, để áp dụng với cả các nước có thu nhập trung bình.

WB hồi tháng 12/2022 đã nói những nước nghèo nhất có số lãi vay hàng năm phải trả cho các chủ nợ song phương là 62 tỷ USD, tăng 35%, làm tăng nguy cơ vỡ nợ. 2/3 số nợ là nợ Trung Quốc, chủ nợ là quốc gia lớn nhất thế giới.

Một ưu tiên khác của Ấn Độ là việc đạt đồng thuận trong các quy định toàn cầu về tiền kỹ thuật số. Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ cho rằng các đồng tiền kỹ thuật số là mối đe dọa lớn trong năm ngoái đối với sự ổn định kinh tế và tài chính.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh có những nỗ lực để đảm bảo rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga không khiến các nước như Sri Lanka, Zambia và Pakistan, những quốc gia mà nền kinh tế đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch, gặp trở ngại trong việc tiếp cận nguồn cung dầu mỏ và phân bón.

Lê Minh (Theo Reuters)