|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hoạt động sản xuất tại châu Âu và châu Á suy giảm trở lại trong tháng 1

22:20 | 01/02/2023
Chia sẻ
Hoạt động sản xuất trên khắp châu Âu và châu Á đã suy giảm trở lại trong tháng 1/2023, cho thấy rõ nét hơn sự mong manh của đà phục hồi kinh tế toàn cầu, mặc dù lĩnh vực sản xuất ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được cho là có thể đã vượt qua "đáy"

Áp lực về giá cả giảm bớt và nhu cầu tiêu dùng ở 20 quốc gia Eurozone cũng giảm, thúc đẩy sự lạc quan rằng "bóng đen" lạm phát đang dần qua đi. Dữ liệu chính thức cho thấy nền kinh tế Eurozone đã đạt được đà tăng trưởng trong ba tháng cuối năm 2022, với nhiều nỗ lực để tránh rơi vào suy thoái.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Eurozone do S&P Global tổng hợp trong tháng 1/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng là 48,8, từ mức 47,8 của tháng 12/2022, phù hợp với dữ liệu sơ bộ được đưa ra trước đó nhưng vẫn dưới mốc 50, phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.

Mateusz Urban, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng nhìn chung điều tồi tệ nhất hiện đã đi qua đối với cả lạm phát và hoạt động kinh tế". Các nhà sản xuất ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khởi đầu năm 2023 với triển vọng tươi sáng hơn một chút mặc dù nhu cầu tiếp tục giảm do lạm phát và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Tại Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của khối, hoạt động của các nhà máy tăng trưởng trở lại mặc dù không mạnh như dự báo ban đầu. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Anh đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp vào tháng 1/2023, khởi đầu cho một năm 2023 đầy khó khăn khi nền kinh tế nước này có vẻ sắp rơi vào suy thoái.

Dù vậy, áp lực giá cả giảm bớt được các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu hoan nghênh. Lạm phát tăng vọt - ban đầu được mô tả chỉ là tình trạng thoáng qua - đã gây ra nhiều khó khăn hơn dự tính và thúc đẩy ngân hàng này thắt chặt chính sách tiền tệ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuối ngày 1/2, trong khi các cuộc thăm dò khác của Reuters cho thấy ECB và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đều dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 0,50 điểm phần trăm vào ngày 2/2.

Tại châu Á, hoạt động sản xuất cũng sụt giảm trong tháng 1/2023, khi việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài phong tỏa xã hội nghiệm ngặt do đại dịch COVID-19 vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Một cuộc khảo sát khu vực tư nhân cho thấy, đà giảm tốc của hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã chậm hơn vào tháng Một vwuaf qua, sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan tới COVID-19 vào cuối năm ngoái.

Chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên 49,2 trong tháng 1/2023, so với mức 49 của tháng 12, duy trì dưới mốc 50 trong tháng thứ sáu liên tiếp. Dữ liệu này trái ngược với một cuộc khảo sát của Chính phủ Trung Quốc được công bố vào ngày 31/1 cho thấy  số liệu PMI trong lĩnh vực sản xuất của nước này đạt mức tốt hơn mong đợi vào tháng trước.

Các cuộc khảo sát khác cho thấy, áp lực giá cả đầu vào giảm cũng mang lại những dấu hiệu tích cực ban đầu cho các cường quốc kinh tế châu Á, với tốc độ thu hẹp sản lượng đang chậm lại ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho hay có một sự không chắc chắn về việc liệu khu vực này có thể vượt qua tác động từ nhu cầu toàn cầu chậm lại và lạm phát cao dai dẳng hay không.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, cho biết: “Thời kỳ suy giảm kinh tế tồi tệ nhất ở châu Á đã qua, nhưng triển vọng đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự yếu kém ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và châu Âu. Với đà phục hồi từ đại dịch COVID-19, các nền kinh tế châu Á cần một động cơ tăng trưởng mới, song cho đến nay vẫn chưa xuất hiện".

PMI trong lĩnh vực sản xuất ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Philippines (Phi-líp-pin) cũng tăng trưởng trong tháng Một, nhưng lại giảm ở Malaysia (Ma-lai-xi-a). Trong khi ngành sản xuất của Ấn Độ khởi đầu năm mới yếu kém hơn, khi đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong ba tháng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 do nhu cầu "có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên" ở Mỹ và Châu Âu cũng như việc mở cửa trở lại nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ chậm lại từ mức 3,4% của năm 2022 xuống 2,9% vào năm 2023, đồng thời cảnh báo thế giới vẫn có thể dễ dàng rơi vào suy thoái./ 

Minh Trang (Theo Reuters)