|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hoạt động chế tạo của Trung Quốc giảm tháng thứ sáu liên tiếp

21:10 | 31/10/2019
Chia sẻ
Hoạt động chế tạo của Trung Quốc đã giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 10/2019, với mức giảm mạnh hơn dự kiến.
Hoạt động chế tạo của Trung Quốc giảm tháng thứ sáu liên tiếp - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại nhà máy tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh: THX/ TTXVN

Điều này cho thấy các nhà chế tạo tiếp tục đối mặt với sức ép, giữa lúc nền kinh tế lớn thư hai thế giới tăng trưởng chậm lại và ghi nhận mức tăng yếu nhất trong gần 30 năm qua.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro gia tăng từ nhu cầu toàn cầu chậm lại và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tạo thêm áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra thêm các biện pháp kích thích nhằm tránh cho tăng trưởng kinh tế giảm sâu hơn và mất nhiều việc làm hơn.

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/10 cho biết, Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 10/2019 giảm xuống 49,3, so với mức 49,8 trong tháng Chín. Dưới mốc 50 thể hiện tăng trưởng giảm.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm tốc xuống gần mức thấp của 30 năm, ở mức 6% trong quý III/2019, do nhu cầu trong nước ảm đạm, đầu tư yếu kém và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Trước bối cảnh đó, có nhiều đồn đoán cho rằng Bắc kinh sẽ sớm đưa ra thêm các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngoài ra, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 10. Các nhà máy tiếp tục giảm việc làm trong tháng 10 do nhu cầu yếu hơn và những bất ổn gia tăng. Chỉ số phụ đối với việc làm ở mức 47,3 trong tháng 10, so với 47 của tháng Chín.

Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc sẽ vẫn chịu áp lực trong những tháng tới, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài gần 16 tháng vẫn chưa được giải quyết triệt để, mặc dù Washington và Bắc Kinh đang nỗ lực để sớm hoàn tất thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”.

Các nhà phân tích hy vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa bằng cách cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng và giảm lãi suất cơ bản đối với các khoản vay kỳ hạn một năm (LPR), lãi suất cho vay chuẩn mới.

Kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống 6,2% trong năm 2019 và chạm mức 5,9% trong năm 2020.

Minh Hằng