Hoàng Anh Gia Lai với tham vọng cây ăn quả
Các công nhân trong xưởng chanh dây của Hoàng Anh Gia Lai Agrico có thể làm đến tận nửa đêm.
Báo cáo thường niên 2016 mới công bố của Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) dự kiến doanh thu của mảng cây ăn trái năm 2017 lên tới GẦN 2,6 nghìn tỷ đồng, vượt qua cả bò thịt và cao su chỉ được kỳ vọng mức doanh thu dưới 2 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 6.2016, bảng điều lệ hoạt động của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện thêm ngành nghề mới là trồng cây ăn quả. Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đã đề nghị với tỉnh Gia Lai xây nhà máy nước ép trái cây và chuyển gần 685 ha đất trồng cỏ sang trồng trái cây.
Theo kế hoạch mới, tới hết 2017 Hoàng Anh Gia Lai sẽ trồng hơn mười lăm loại trái cây nhiệt đới như chanh dây, thanh long, chuối, xoài, bưởi da xanh, mít, bơ… tập trung chủ yếu tại các quỹ đất trống còn lại tại Lào và Campuchia và Gia Lai. Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố diện tích dự kiến có thể lên tới 20.000ha. Chủ tịch HAGL, ông Đoàn Nguyên Đức vẫn đang kiên trì theo đuổi mục tiêu hướng 80% doanh thu tập đoàn vào nông nghiệp như tuyên bố với cổ đông hồi năm 2015.
Cao nguyên Paksong, nơi có khu trồng chanh dây với diện tích hơn 1.000 ha của ông Đức nằm tại ngã ba Đông Dương, cách Pleiku 4 tiếng đồng hồ đi xe. Hiện chanh dây tại đây đã bắt đầu thu hoạch. Chanh dây sau khi thu hoạch sẽ được đưa vào khu nhà xưởng phân loại. Chanh dây không dễ trồng, cũng không dễ thu hoạch. Phải hái lúc quả khô hoàn toàn. Chỉ cần dính nước mưa, khi xếp vào hộp, ngay lập tức chanh sẽ hỏng. Ngay cả khi thu hoạch đúng chuẩn, chanh dây cũng chỉ có thời gian bảo quản khoảng nửa tháng, ở nhiệt độ mát. Hiện HAGL cũng chưa có phương án bảo quản nào khác ngoài việc làm mát. …
Cách Paksong chừng hơn một giờ đi xe là khu trồng thanh long và chuối. Trong các loại trái cây nhiệt đới, chanh dây, thanh long và chuối, xoài, bưởi da xanh, và mít, dừa… là các sản phẩm được Hoàng Anh Gia Lai đưa vào danh mục trồng trọng điểm từ 2016. 1.500 ha chanh dây, 1.500 ha chuối, và 1.000 ha thanh long trồng sớm sẽ là những diện tích cây ăn trái cho kết quả ngay trong 2017. Diện tích khai thác ba loại trái cây này và thêm hàng ngàn ha các loại quả trọng điểm như xoài, bưởi da xanh, và mít… đưa vào khai thác từ 2018.
Tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc có sự tăng trưởng nhảy vọt trong năm 2015 (Nguồn: TCTK)
Trái cây xuất khẩu của Việt Nam 5 năm qua đạt mức tăng trưởng rất cao, trung bình 30%/năm đạt 2.46 tỷ USD năm 2016, nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất. xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc tăng trưởng trung bình hơn 40%/năm. Thị phần của Trung Quốc tăng từ 23% năm 2011 lên hơn 70% kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam năm 2016. Hầu như toàn bộ thành tích tăng trưởng xuất khẩu hoa quả của Việt Nam 5 năm qua đều đến từ sự tăng trưởng nhu cầu nhập khẩu của người hàng xóm lớn Trung Quốc.
Lợi thế cạnh tranh với thị trường Trung Quốc
Như chính ông Đoàn Nguyên Đức thừa nhận, dự án trái cây trên quy mô lớn này có mục tiêu chính là thị trường Trung Quốc.
Hoa quả Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối tại thị trường Trung Quốc do khoảng cách gần về địa lý và có cửa khẩu lớn thuận lợi cho vận tải đường bộ. Cửa khẩu Tân Thanh Lạng Sơn mỗi ngày tiếp nhận trung bình hơn 1500 xe tải chở hoa quả thông quan qua đường tiểu ngạch trong đó có cả xoài và sầu riêng từ Thái Lan.
Nhu cầu bùng nổ về tiêu dùng trái cây nhiệt đới nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 năm qua đến từ sự thay đổi thu nhập và thói quen tiêu dùng của thị trường 1,4 tỷ dân. Tăng trưởng kinh tế trung bình 7% mỗi năm và tốc độ tăng trưởng của các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và bán hàng trực tuyến đang biến các thành phố của Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ trái cây nhập khẩu hấp dẫn.
Là quốc gia có quy mô thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới (theo Euromonitor năm 2015), tốc độ nhập khẩu trái cây của Trung Quốc 5 năm qua tăng trưởng trung bình 20%/năm.Giá trị này năm 2015 đã tăng gấp đôi so với năm 2011, đạt 6 tỉ USD và tăng 20% so với cùng kỳ. Lượng tiêu thụ trái cây bình quân đầu người cũng tăng đạt gần 50 kg/người năm 2015. Con số này sẽ tăng lên mức hơn 90 kg/người vào năm 2030, theo dự báo của FAO.
Những loại trái cây mà Trung Quốc nhập nhiều nhất năm 2015 là chuối, thanh long, nho tươi, sầu riêng, nhãn tươi… cũng là những trái cây quen thuộc của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của McKinsey, tỷ lệ nhóm hộ gia đình trung lưu (thu nhập từ 9.000 – 34.000 USD/năm) của Trung Quốc đang có xu hướng tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Nếu năm 2002, số hộ gia đình trung lưu của Trung Quốc chỉ chưa đến 1/10 thì sau 10 năm, tỷ lệ này đã lên đến 2/3 vào năm 2012.
Theo dự đoán, đến năm 2022, nhóm hộ gia đình trung lưu sẽ chiếm tới ba phần tư tổng số hộ gia đình của Trung Quốc. Khi thu nhập trung bình tại các thành phố lớn tăng lên, nhu cầu sử dụng thực phẩm cao cấp, ngon, sạch, và mới lạ gia tăng nhanh hơn nhu cầu thực phẩm truyền thống, tạo nên xu hướng tăng trưởng mạnh của hoa quả nhập khẩu.
Hệ quả của sự bùng nổ về nhu cầu này của thị trường Trung Quốc đã tạo ra thành công của xuất khẩu rau quả Việt Nam những năm qua. Trong 3-5 năm trở lại đây, rất nhiều hộ nông dân tập trung chuyên canh trồng trái cây xuất khẩu như thanh long, vải, bưởi da xanh, chuối, chanh dây, xoài, mít,… đã có lợi nhuận lớn và liên tục tái đầu tư mở rộng diện tích trồng.
Tổng cộng có hơn 10 loại quả mà công ty đã bắt đầu trồng và sẽ sớm thu hoạch trong năm tới. Thanh long, chuối và chanh dây là 3 loại cây được kỳ vọng mang lại doanh thu lớn nhất trong năm nay.
Trung Quốc chỉ trồng phổ biến các loại trái cây ôn đới như táo, đào, lê, nho, mận... còn trái cây nhiệt đới như xoài, chanh dây, thanh long, sầu riêng, chuối… là ưu thế của các nước Đông Nam Á. Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu trái cây nhiều nhất vào Trung Quốc, sau Chile và Thái Lan.
Chuối
Mỗi buồng chuối để đảm bảo kích thước tối ưu, kỹ thuật viên thường để lại 9 nải. Mỗi quả chuối không được tự do phát triển, mà được chăm sóc kỹ lưỡng, từng quả một. Từ khi đậu quả, mỗi quả chuối đều được cắt núm, và bọc giấy, tránh chảy nhựa sang các quả khác, đảm bảo quả chín vàng đều. Ở giữa mỗi nải cũng có lớp bảo vệ tránh các quả chuối phát triển cọ xát vào nhau. Khi chuối phát triển và đủ độ cong nhất định, cả buồng chuối sẽ được bảo vệ tới 3 lớp, tránh côn trùng và va đập. (Ảnh: Hoài Phương)
Mặc dù không phải là mặt hàng có kế hoạch doanh thu cao nhất trong năm 2017, nhưng chuối có lẽ là loại cây ăn quả có tiềm năng nhất về mặt dài hạn của HAGL, đầu tư nhiều nhất cho công nghệ, nhất là khâu bảo quản trước và sau thu hoạch.
Với quy mô gần 12 tỷ USD vào năm 2016 và tăng trưởng tới 30% so với năm 2015 - theo thống kê từ World’s Top Exports, thị trường chuối là một thị trường hàng hóa đủ hấp dẫn. Thống kê giá chuối xuất khẩu từ năm 1980 đến nay cho thấy xu hướng tăng giá tương đối rõ rệt của mặt hàng này đặc biệt trong khoảng hơn 1 thập kỷ gần dây.
Giá chuối xuất khẩu thế giới tăng mạnh trở lại từ 2014 trở lại đây cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới. Chuối là loại hàng hóa có tính chất thương phẩm rất cao.
Theo World’s Top Exports, năm 2016, Trung Quốc nhập ròng tới 578 triệu USD chuối, tăng 60,4% so với năm 2015. Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines hiện nay đang là quốc gia duy nhất có tên trong Top 10 các nước xất khẩu chuối lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu đạt 618,8 triệu USD. Việt Nam – Lào – Campuchia chưa từng có tên trong danh sách này.
Đến tháng 7.2017, HAGL dự kiến thu hoạch lứa chuối đầu tiên. Hiện công ty đang sở hữu trên 2.500 ha chuối, chủ yếu là giống chuối Cavendish phổ biến. Phần lớn diện tích trồng chuối của HAGL là ở Lào và Campuchia.
Chanh dây
Xưởng chanh dây của HAGL Agrico tại Paksong (Ảnh: Phương Lưu)
Có đến 2/3 diện tích chanh dây trong tổng số 1.500ha của HAGL phân bố tại Lào. Thời gian thu hoạch ngắn, chỉ có 6 tháng, chanh dây được trông đợi mang lại dòng tiền sớm cho HAGL, là ưu tiên của HAGL tại thời điểm hiện tại. Hiện tại giá bán chay dây loại 1 của HAGL ở cửa khẩu biên giới Việt – Trung ở vào khoảng 12 Nhân dân tệ/kg, tương đương gần 40.000 đồng/kg.
Chanh dây là một loại quả năng suất, nhưng khó chăm sóc và khó bảo quản. Là loại quả “mới nổi” trong khoảng 5 năm trở lại đây, nên kỹ thuật canh tác chanh dây cũng đang ở giai đoạn “mò mẫm, rút kinh nghiệm”.
Trung Quốc vẫn là thị trường chính của loại sản phẩm này, thậm chí gần như không đủ để bán – một đại diện của HAGL cho biết. Tuy nhiên, chanh dây lại không nằm trong danh mục hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, cũng chưa có mã hàng hóa trong danh mục hàng hóa của hải quan (mã HS), nên vẫn đang phải xuất tiểu ngạch. Đây sẽ là giới hạn cần phải giải quyết nếu HAGL muốn mở rộng quy mô xuất khẩu.
Thanh long
Thanh long được HAGL kỳ vọng mang lại 680 tỷ đồng năm 2017. Hiện HAGL đang có gần 3.000 ha thanh long, trong đó gần một nửa ở Lào. Thanh long là loại quả dễ bảo quản, để trong container mát có thể tươi tới 40 – 50 ngày.
Thanh long của HAGL chỉ có 2 loại, ruột đỏ và ruột tím. Đây cũng là 2 loại có giá cao nhất trên thị trường hiện nay, dao động từ 40.000 – 50.000 đồng/kg. Dự kiến tháng 10 tới, thanh long sẽ cho thu hoạch.
Tái cơ cấu cho sự quay trở lại
Trong câu chuyện với Forbes, vẫn với phong cách dân dã tự nhiên, ông Đoàn Nguyên Đức chia sẻ: “Cuộc đời tôi chưa bao giờ khổ như 2 năm vừa rồi”. Nhắc đến HAGL hay HAGL Agrico, người ta nghĩ ngay đến những món nợ hàng chục nghìn tỷ đồng tại các nhà băng trong nước và quốc tế. Mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn là rủi ro bủa vây HAGL. Phải tìm bằng được nguồn tiền trước là để trang trải hoạt động kinh doanh, sau là để thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tính đến cuối năm 2015, nợ vay của HAGL vượt 27.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng là nợ đến hạn thanh toán trong vòng 1 năm. Tình hình cũng không thay đổi nhiều khi bước sang 2016, nợ vay vẫn vượt quá mức 26.000 tỷ đồng rất xa và nợ ngắn hạn vẫn còn trên 5.000 tỷ đồng. Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HAGL trong 2 năm cũng chỉ ở mức từ 1.500 đến 2.200 tỷ đồng mỗi năm.
Thanh lý mảng bất động sản và khoáng sản giai đoạn 2010-2013 và dồn rất nhiều nguồn lực vào trồng hai loại cây công nghiệp dài ngày là cao su và dầu cọ đang là nguyên nhân dẫn tới lần tái cơ cấu gần đây nhất của HAGL.
Cây công nghiệp dài ngày cho hiệu quả đầu tư không tệ trong dài hạn. Ở mức giá hiện tại, một ha cao su và dầu cọ cho doanh thu 60-80 triệu và lợi nhuận 15-20 triệu đồng. Nhưng dòng tiền phù hợp để đầu tư cho lĩnh vực này cũng phải là dòng tiền rất dài hạn. Tổng đầu tư cho hơn 47.000 ha cao su và 28.000 ha dầu cọ của HAGL tính tới cuối 2016 là hơn 15.000 tỷ trên hơn 27.000 tỷ tài sản cố định, trong đó gần 14.000 tỷ vẫn nằm ở tài sản dở dang chỉ bắt đầu đi vào khai thác mạnh từ 2018. Chính vì thế, các ngân hàng cuối cùng đã phải đồng ý tái cơ cấu hầu hết các khoản nợ cho HAGL vào cuối 2016, ân hạn trả lãi và kéo dài thời hạn trả nợ gốc tới 2019-2026, phù hợp với tiến độ khai thác của vườn cao su và dầu cọ.
Phần tài sản lớn tiếp theo của HAGL là Dự án phức hợp với tổng quy mô đầu tư 440 triệu USD tại Yangoon, Myanmar. Dự án này triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu nhưng đã chính thức đi vào khai thác giai đoạn 1 từ cuối 2016 và dự kiến mang lại hơn 1000 tỷ doanh thu trong năm nay. Tuy vậy dòng tiền này cũng chỉ đủ để trả nợ giai đoạn 1 và tài trợ cho việc phát triển giai đoạn 2 trong 2017-2018 theo kế hoạch. Thành công của giai đoạn 1 đã giúp dự án thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trong khu vực. Bán một phần dự án này cho đối tác lớn có kinh nghiệm vào tiếp tục phát triển và khai thác cũng là một lựa chọn sáng giá vào lúc này đối với Bầu Đức.
Bảng cân đối kế toán 2016 của HAGL cho thấy sự thay đổi lớn khác trong chiến lược đầu tư. Công ty bán giảm gần 2.700 tỷ hàng tồn kho chủ yếu là giảm số lượng đàn bò, thanh lý một số tài sản dở dang như 1900 tỷ đồng các dự án thủy điện. Gần đây nhất là Công ty cũng công bố việc bán toàn bộ mảng mía đường cho Thành Thành Công thu về hơn 1.300 tỷ đồng trong 2017. Tất cả số tiền thu được dành cho việc giảm nợ vay và dành tiền cho mảng kinh doanh mới được đánh giá là rất hấp dẫn – trái cây.
Mức lợi nhuận trồng trái cây cao hơn 10-20 lần so với trồng các loại cây truyền thống như cà phê, cao su, hay lúa gạo. Tuy vậy, không phải ai tham gia vào trồng trái cây cũng đều có lãi.
Trồng mỗi loại trái cây đều đòi hỏi yêu cầu riêng về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, đặc biệt là nguồn nước phải rất dồi dào vì yêu cầu về nước tưới rất lớn so với trồng cây công nghiệp. Giá một ha đất trồng cây ăn trái ở một số tỉnh Nam Bộ hiện giao dịch quanh 1 tỷ đồng/ha. Luật hạn điền cũng là một rào cản rất lớn với ai có tham vọng làm lớn với cây ăn trái ở Việt Nam. Ngoài ra, giống và kỹ thuật cũng đóng vai trò rất lớn trong thành công của việc trồng trái cây xuất khẩu.
Không ít trường hợp nông dân trồng trái cây tự phát không nghiên cứu thị trường đầu ra và tuân thủ về giống, quy trình chăm sóc, tưới bón, thu hoạch và bảo quản nên sản lượng kém, hoặc thành phẩm có nhiều dư lượng hóa chất,… không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, không tìm được đầu ra, phải bán rẻ hoặc đổ bỏ.
Trong hơn mười loại trái cây nhiệt đới được chọn tập trung trồng, thời gian bắt đầu khai thác của chanh dây là 6 tháng, chuối là hơn 9 tháng, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, nhãn… là 12-24 tháng. Hơn mười lăm ngàn ha trái cây đã được trồng từ năm 2016 tới nay dự kiến sẽ mang lại dòng tiền mới từ 2017 và tăng mạnh từ 2018.
Rủi ro và thách thức
Tổng diện tích cây ăn quả hiện tại của HAGL tại 3 nước Đông Dương ở vào khoảng 10.000 ha sau 1 năm rưỡi gia nhập ngành. Công ty đang lên kế hoạch triển khai phủ kín khoảng 20.000 ha cây ăn quả các loại.
Cánh đồng trồng xoài của HAGL tại Attapeu, Lào.
Quy mô trồng các loại cây ăn trái của HAGL đến nay chưa có một doanh nghiệp nào trong nước, thậm chí trong khu vực, đuổi kịp. Đó sẽ là lợi thế đáng kể của HAGL, trong trường hợp thị trường đầu ra đảm bảo. Ngược lại, sẽ là bất lợi lớn nếu thị trường có những biến động bất lợi. Nông sản luôn là thị trường dễ bị tổn thương trước bất kỳ biến động nào của nền kinh tế, nhu cầu hay tỷ giá.
Kiểm soát tốt chất lượng với sản lượng đầu ra lớn như vậy là một thách thức không hề nhỏ để Công ty có thể ký kết các hợp đồng bán hàng trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn và các tập đoàn bán lẻ tại các thị trường xuất khẩu, cắt giảm chi phí của nhiều khâu trung gian so với mạng lưới phân phối còn đang manh mún thiếu hiệu quả hiện nay. Tiến được gần hơn tới tay người tiêu dùng cuối cùng đồng nghĩa với việc tăng được giá bán và biên lợi nhuận, đảm bảo hơn sự ổn định của nguồn hàng tiêu thụ.
Trung Quốc, hiện đang là thị trường lớn và tiềm năng nhất của công ty, như ông Đức thừa nhận. Dù rằng đây là thị trường đang quyết định khẩu phần ăn của thế giới trong tương lai theo nhiều nhà phân tích, nhưng Trung Quốc cũng là thị trường vốn nổi tiếng về rủi ro thương mại. Trong khi đó HAGL vẫn đang phải xuất khẩu sang thị trường này theo đường tiểu ngạch.
HAGL vẫn đang phải tìm cách đa dạng hóa rủi ro bằng việc tìm đường xuất khẩu quả tươi sang các quốc gia khác như Thái Lan đang là thị trường mà HAGL hướng tới. Khác với thị trường Trung Quốc, xuất khẩu sang Thái Lan chỉ có con đường chính ngạch. Vì vậy, muốn mở đường xuất khẩu sang quốc gia này, HAGL nói riêng, Việt Nam nói chung cần nhiều thời gian để thương thảo, vận động hành lang.
HAGL còn phải sẵn sàng cho việc đầu tư vào hệ thống và các công nghệ sau thu hoạch như kho lạnh, logistics, nhà máy chế biến đúng tiêu chuẩn nếu muốn có hoạt động bền vững.
CEO Thế Giới Di Động: Chúng tôi sẽ bán trái cây của Hoàng Anh Gia Lai
"Hệ thống Bách Hóa XANH đang bán 15 - 20 tấn/ngày. Đến cuối năm nay, con số này dự kiến sẽ khoảng 40 - 50 ... |
HAGL xuất khẩu trái cây qua Trung Quốc, bán chanh dây biên lợi nhuận gộp tới 40%
HAGL đang làm việc với CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã: MWG) để cung cấp trái cây cho chuỗi siêu thị Bách Hóa ... |