|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hoa Sen sau một năm tái cơ cấu: Số chi nhánh từ 491 còn 53, nợ vay giảm hơn 4.500 tỉ đồng

06:06 | 13/11/2019
Chia sẻ
Trong năm tái cơ cấu, Hoa Sen chứng kiến doanh thu cũng như lợi nhuận cùng giảm và không đạt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, hàng tồn kho, khoản phải thu nợ vay cũng đi xuống đáng kể. Số lượng chi nhánh và điểm bán hàng hiện nay đã rất sát so với mục tiêu đặt ra một năm trước.

Lũy kế cả niên độ tài chính 2018-2019, CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) ghi nhận doanh thu thuần 28.035 tỉ đồng và lãi sau thuế 361,4 tỉ đồng, giảm lần lượt 18,6% và 11% so với niên độ trước.

So với mục tiêu được đại hội cổ đông giao phó, công ty cũng chỉ hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 72,3% kế hoạch lợi nhuận.

HSG self (3)

Một chi nhánh của Hoa Sen còn lại sau khi quá trình tái cơ cấu hệ thống phân phối làm số chi nhánh giảm gần 90%. Ảnh: Kiên Dương.

Thu hẹp bảng cân đối kế toán

Ngoài kết quả doanh thu và lợi nhuận, một trong những chi tiết đáng chú ý khác trên báo cáo tài chính quí IV niên độ 2018-2019 của Hoa Sen là sự sụt giảm đáng kể của các khoản mục tài sản cũng như nguồn vốn.

Cụ thể, nợ phải trả cuối kì là 11.637 tỉ đồng, giảm 27,7% (4.466 tỉ đồng) so với ngày đầu niên độ. Tổng nguồn vốn cũng giảm 4.149 tỉ đồng (19,5%). Tỉ lệ đòn bẩy tài chính (nợ phải trả/tổng nguồn vốn) cuối niên độ là 68%, thấp hơn đáng kể con số 76% một năm trước.

Trong các khoản mục nguồn vốn, đi xuống mạnh nhất là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với mức giảm 4.173 tỉ đồng (38%), vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng giảm 476 tỉ đồng (14%) so với ngày đầu năm.

Bảng: Các chỉ tiêu cân đối kế toán của Hoa sen tại ngày 30/9/2019 so với ngày đầu niên độ 1/10/2018.

Chỉ tiêu Cuối niên độ (tỉ đồng)% Tổng tài sảnTăng/giảm (%)Tăng/giảm

(tỉ đồng)

Tài sản ngắn hạn7.21142,2%-33,2%-3.589
Tiền và tương đương tiền2891,7%-41,3%-203
Phải thu ngắn hạn1.3287,8%-37,3%-791
Hàng tồn kho4.41425,8%-33,2%-2.193
Tài sản ngắn hạn khác1.1046,5%-30,2%-478
Tài sản dài hạn9.89457,8%-5,4%-561
Tài sản cố định hữu hình8.64250,5%6,4%517
Tài sản dở dang dài hạn5843,4%-61,4%-929
Tổng cộng tài sản17.105100%-19,5%-4.149
Nợ phải trả11.63768,0%-27,7%-4.466
 Vay ngắn hạn6.70639,2%-38,4%-4.173
   Vay dài hạn2.98617,5%-13,7%-476
Vốn chủ sở hữu5.46832,0%6,1%317

Tính chung, nợ vay của Hoa Sen giảm 32,4% (hay 4.649 tỉ đồng) còn 9.693 tỉ đồng. Nợ vay đi xuống kéo theo chi phí tài chính của Hoa Sen cũng giảm đáng kể. Trong quí IV niên độ này, Hoa Sen ghi nhận chi phí tài chính 199 tỉ đồng, giảm 43% so với cùng kì niên độ trước, trong đó chi phí tài chính là 186 tỉ đồng, giảm 21%. 

Đây là một phần nguyên nhân giúp Hoa Sen có lãi sau thuế 84 tỉ đồng ở quí này trong khi cùng kì năm trước lỗ 102 tỉ đồng. Tính cả niên độ, chi phí tài chính của Hoa Sen giảm 17,3% còn 803 tỉ đồng.

Chủ nợ ngắn hạn lớn nhất của Hoa Sen tại ngày 30/9 là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh KCN Bình Dương với dư nợ 2.125 tỉ đồng, giảm hơn 1.400 tỉ đồng so với ngày đầu niên độ.

Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Nam Bình Dương và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Sở giao dịch 2 với dư nợ tương ứng 1.621 tỉ đồng và 647 tỉ đồng.

Chủ nợ dài hạn lớn nhất của Hoa Sen cũng là VietinBank chi nhánh KCN Bình Dương với số tiền 2.108 tỉ đồng, giảm hơn 400 tỉ đồng so với một năm trước. Ngoài ra, Hoa Sen còn có 519 tỉ đồng nợ dài hạn đến hạn trả chi nhánh VietinBank này.

Như vậy, chỉ riêng một chi nhánh VietinBank đã cho Hoa Sen vay 4.752 tỉ đồng, tương đương gần một nửa tổng nợ vay của đại gia ngành tôn thép.

Bên phía tài sản của Hoa Sen, hai khoản mục thuộc nhóm giảm mạnh nhất là hàng tồn kho và khoản phải thu. Theo đó, giá trị tồn kho của tập đoàn giảm 1/3 còn 4.414 tỉ đồng, phải thu ngắn hạn cũng giảm 37% còn 1.328 tỉ đồng.

Sự đi xuống của các khoản mục này có một phần nguyên nhân xuất phát từ hoạt động tái cơ cấu hệ thống phân phối, bán hàng trên cả nước của Hoa Sen.

Nỗ lực tái cơ cấu: Giảm mạnh số chi nhánh và nhân sự

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) cho biết Hoa Sen đã tích cực quản trị chi phí hoạt động. Chẳng hạn, trong 9 tháng đầu năm, Hoa Sen đã giảm số lượng nhân viên xuống còn 6.600 người từ mức đỉnh là 9.800 người.

Số lượng nhân viên bán hàng và quản lí giảm đã giúp HSG tiết kiệm được tới 30-40 tỉ đồng chi phí lương hàng tháng. Trên thực tế, chi phí quản lí doanh nghiệp niên độ 2018-2019 của Hoa Sen đã giảm 208 tỉ đồng so với niên độ trước.

HSC cũng cho biết, hiện tại, tổng số điểm phân phối sản phẩm của Hoa Sen là 553 trong đó có 53 chi nhánh và 500 điểm bán hàng trên toàn quốc. HSC dẫn lời đại diện Hoa Sen khẳng định công ty sẽ duy trì số lượng mạng lưới phân phối ở mức này.

Ở mạng lưới phân phối với cơ cấu mới, mỗi chi nhánh sẽ phủ một địa bàn rộng hơn và giảm lực lượng bán hàng quản lí cấp trung, từ đó nâng cao hiệu quả của đội ngũ bán hàng tại mỗi chi nhánh và điểm bán hàng.

HSG

Số chi nhánh của Hoa Sen giảm mạnh trong quá trình tái cơ cấu, thay vào đó là số cửa hàng trực thuộc chi nhánh tỉnh tăng lên. Nguồn: Kiên Dương tổng hợp từ Hoa Sen, HSC.

Quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi chi nhánh thành điểm bán hàng này được Hoa Sen thực hiện từ năm 2018. Còn nhớ có giai đoạn, cứ vài tuần công ty lại ra một thông báo về việc chấm dứt hoạt động vài chi nhánh, thậm chí là vài chục chi nhánh khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang.

Về sau, Hoa Sen đã đưa ra thông cáo khẳng định đây chỉ là thủ tục pháp lí để chuyển đổi từ mô hình quản lí cũ sang mô hình chi nhánh tỉnh, không làm thay đổi số lượng đơn vị phân phối thuộc Tập đoàn Hoa Sen trên toàn quốc, không xuất phát từ lí do kinh doanh không hiệu quả dẫn đến việc chấm dứt hoạt động.

Hoa Sen cho hay tập đoàn đã thành lập khung pháp lí cho mô hình mới, gồm 56 chi nhánh tỉnh và hơn 500 cửa hàng trực thuộc các chi nhánh tỉnh tại từng tỉnh/thành trên cùng địa điểm và cơ sở vật chất của hệ thống chi nhánh cũ trước đây.

Có thể thấy, số chi nhánh và cửa hàng trực thuộc của Hoa Sen hiện tại (53 và 500) đã rất gần với kế hoạch đặt ra.

Áp lực cạnh tranh gay gắt từ đối thủ

Chứng khoán HSC nhận thấy hoạt động tiêu thụ sản phẩm của Hoa Sen có sự đi xuống. Trong quí vừa qua, Hoa Sen bán được 349.849 tấn sản phẩm thép, giảm 14,8% so với cùng kì. 

Nguyên nhân chủ yếu là sản lượng xuất khẩu giảm 32,4% so với cùng kì xuống chỉ còn 108.743 tấn do sản phẩm tôn mạ của Việt Nam chịu thuế chống bán phá giá tại một số thị trường xuất khẩu truyền thống, bao gồm các nước ASEAN, Mỹ và EU.

Công ty không công bố sản lượng ống nhựa tiêu thụ nhưng HSC ước tính sản lượng ống nhựa tiêu thụ quí IV vừa qua là khoảng 12.000 tấn, giữ nguyên so với cùng kì.

Hoa Sen sau một năm tái cơ cấu: Số chi nhánh từ 491 còn 53, nợ vay giảm hơn 4.500 tỉ đồng - Ảnh 5.

Cụ thể với sản phẩm tôn mạ, trong quí IV năm nay Hoa Sen tiêu thụ được 257.449 tấn, giảm 15,1% so với cùng kì, trong khi mức tiêu thụ toàn thị trường chỉ giảm 1,5%. Do vậy, thị phần của Hoa Sen tiếp tục giảm xuống chỉ còn 26,8% trong quí IV năm nay, từ mức 31,1% trong quí IV năm ngoái và 31,3% trong 9 tháng đầu năm nay.

Theo HSC, cạnh tranh gia tăng trong thời gian gần đây là nhân tố khiến Hoa Sen đánh mất thị phần. Cụ thể, Tôn Nam Kim (Mã: NKG) từ đầu năm đến nay đã tập trung vào thị trường nội địa thay vì xuất khẩu. Áp dụng mức giá cạnh tranh là một trong những giải pháp Nam Kim sử dụng để nâng thị phần trên thị trường trong nước trong kì. 

Việc người khổng lồ Hòa Phát (Mã: HPG) tham gia ngành tôn mạ cũng là một yếu tố khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành này tăng lên. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm tôn mạ của Hòa Phát hiện tại còn nhỏ nhưng tập đoàn này sẽ đẩy mạnh ngành kinh doanh tôn mạ trong tương lai gần sau khi nhà máy HRC đi vào hoạt động trong năm sau.

Với sản phẩm ống thép, Hoa Sen cũng để mất thị phần nhưng mức độ ít hơn tôn mạ. Theo HSC, trong quí IV vừa qua, Hoa Sen tiêu thụ được 92.400 tấn ống thép, giảm 14% so với cùng kì năm trước, theo đó thị phần giảm còn 15,8% từ mức 18,1% của cùng kì. Thị phần đã cải thiện một chút so với mức 15,6% trong 9 tháng đầu niên độ.

Song Ngọc, Kiên Dương