Hòa Phát trước ngày đại hội: Cổ đông băn khoăn gì?
Kế hoạch kinh doanh quá thận trọng?
Ngày 14/3 vừa qua, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ban hành nghị quyết về kế hoạch kinh doanh năm 2019, theo đó doanh thu ước đạt 70.000 tỉ đồng, tăng 27% so với kết quả năm 2018. Mặt khác, công ty lại đặt kế hoạch lợi nhuận ròng chỉ ở mức 6.700 tỉ đồng, giảm 22% so với thực tế năm 2018. Đây được coi là kế hoạch lợi nhuận khá khiêm tốn và thận trọng của Hòa Phát.
Sau khi thông tin này được công bố, giá cổ phiếu HPG đã lập tức có phiên giảm sâu 6%, khiến vốn hóa thị trường cổ phiếu này bay hơi hơn 4.300 tỉ đồng ngày 15/3. Vì vậy đây sẽ là một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo Hòa Phát trong ngày đại hội sắp tới.
Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong một tháng gần đây. Nguồn: VNDirect.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận cẩn trọng trong nghị quyết HĐQT. Theo thống kê của CTCP Chứng khoán SSI, năm 2017, HĐQT Hòa Phát ban đầu đặt kế hoạch ở mức 5.000 tỉ đồng, thấp hơn 24% so với kết quả thực tế năm 2016. Tuy nhiên, HĐQT sau đó đã điều chỉnh lại kế hoạch tăng thêm 20% lên 6.000 tỉ đồng, như được thông qua trong ĐHCĐ năm 2017. Kết quả thực tế trong năm 2017 của Hòa Phát đã vượt 33% kế hoạch, đạt 8.000 tỉ đồng lợi nhuận ròng, tăng 21% so với thực hiện năm trước.
Trước đó nữa, kế hoạch lợi nhuận năm 2015 cũng ở mức thấp là 2.300 tỉ đồng, giảm 29% so với kết quả năm 2014, nhưng sau đó cũng được điều chỉnh lên 3.250 tỉ đồng vào giữa năm 2015 nhờ kết quả tích cực trong nửa đầu năm. Thực tế năm 2015, công ty đạt lợi nhuận ròng 3.504 tỉ đồng, cao hơn 8% so với kế hoạch đã điều chỉnh.
Năm 2016, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận 3.198 tỉ đồng nhưng thực tế đạt hơn gấp đôi với 6.602 tỉ đồng.
Theo tính toán của SSI, trong vòng 7 năm gần nhất, kết quả lợi nhuận thực tế của Hòa Phát luôn vượt kế hoạch năm với mức trung bình 47%.
Cổ tức tiếp tục bằng cổ phiếu
Nghị quyết HĐQT ngày 14/3 cũng đề xuất cổ tức năm 2018 ở mức 30% hoàn toàn bằng cổ phiếu và tỉ lệ cổ tức dự kiến cho năm 2019 là 20%, chưa rõ bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Nếu đề xuất này được thông qua, 2018 sẽ là năm thứ ba liên tiếp Hòa Phát trả cổ tức bằng cổ phiếu. Gần đây nhất, Hòa Phát phát hành gần 608 triệu cổ phiếu HPG để trả cổ tức năm 2017 với tỉ lệ 40%. Ngày giao dịch đầu tiên của các cổ phiếu này là 13/7/2018.
Trao đổi với chúng tôi trong buổi gặp mặt nhà đầu tư tổ chức cuối năm 2018, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát – ông Trần Đình Long cho biết công ty đang tập trung nguồn vốn để đầu tư cho đại dự án nhà máy thép Dung Quất nên trong tương lai gần không có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ. Vì vậy, nhiều khả năng năm 2019 cổ đông Hòa Phát sẽ nhận cổ tức tỉ lệ 20% hoàn toàn bằng cổ phiếu.
Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long. Ảnh: Hòa Phát.
Kết quả kinh doanh quí I và cả năm 2019 liệu có khả quan?
Theo tin từ Hòa Phát, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong những tháng đầu năm 2019 có nhiều dấu hiệu khả quan. Chẳng hạn trong tháng 1, thép xây dựng Hòa Phát đạt mức sản lượng gần 250.000 tấn, tăng 27% so với cùng kì năm trước và tương đương mức sản lượng kỷ lục trong tháng 10/2018.
Trong tháng 2, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng 200.000 tấn, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tiêu thụ được Hòa Phát đánh giá là khá cao bởi kì nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi dài 9 ngày nằm trọn trong tháng 2.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường tổng cộng 450.000 tấn, tăng 24,5%. Thị phần tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu với trên 26%.
Đối với mặt hàng ống thép, lũy kế hai tháng đầu năm nay, Hòa Phát đưa ra thị trường 113.600 tấn thành phẩm, tăng 18,7% so với hai tháng đầu năm 2018. Thị phần của Hòa Phát trong ngành ống thép đã tăng lên mức 31,2% - cao nhất từ trước đến nay.
Sản phẩm thép xây dựng Hòa Phát. Ảnh: Hòa Phát.
Trong một báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định: Do sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời – kết quả của vụ vỡ đập Vale ở Brazil, giá quặng sắt 62%Fe đã tăng từ 70 USD/tấn vào đầu năm 2019 lên 82 USD/tấn vào đầu tháng 3.
Nhờ vậy, giá bán lẻ thép cây hồi phục từ 13,6 triệu đồng/tấn vào tháng 1 lên 14,5 triệu đồng/tấn vào tháng 3. Thời gian tồn kho của Hòa Phát là khoảng 3 tháng, vì vậy, KIS dự báo Hòa Phát nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan trong quí I/2019.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thì ước tính: Năm 2018, lợi nhuận ròng/tấn thép của các doanh nghiệp lò điện bình quân ở mức 850.000 đồng/tấn, trong khi lợi nhuận ròng của Hòa Phát ở mức 3 triệu đồng/tấn và lợi nhuận gộp khoảng 4 triệu đồng/tấn.
Ở kịch bản cơ sở, với mục tiêu đạt thị phần, BVSC giả định lợi nhuận của HPG sẽ giảm xuống mức 850.000 đồng/tấn để đẩy các doanh nghiệp lò điện về điểm hòa vốn. Lợi nhuận ròng năm 2019 của Hòa Phát ở kịch bản này có thể đạt khoảng 10.000 tỉ đồng.
Chủ tịch Trần Đình Long gần đây cũng khẳng định: Hòa Phát coi thị phần là mục tiêu quan trọng nhất, khi doanh nghiệp giành được thị phần thì lợi nhuận là hệ quả tất yếu. Vì vậy, hoàn toàn có khả năng Hòa Phát sẽ giảm giá bán ra để giành lấy thị phần từ đối thủ.
Ở kich bản xấu nhất, BVSC ước tính lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2019 có thể đạt 7.500 tỉ đồng, vẫn cao hơn mức 6.700 đồng mà HĐQT công ty đưa ra.
Cụ thể, BVSC lập luận: Năm 2018, lợi nhuận/tấn thép của HPG ở mức kỷ lục nhờ giá phế ở mặt bằng rất cao so với giá quặng sắt (giá thép Việt Nam được xác định theo giá phế, trong khi chi phí sản xuất của HPG phụ thuộc vào giá quặng sắt).
Trong điều kiện bình thường các năm trước khi giá thép phế diễn biến sát giá quặng, lợi nhuận gộp của Hòa Phát đạt 2,5 triệu đồng/tấn. Nếu trong thời gian tới giá thép phế giảm mạnh so với giá quặng, biên lãi gộp của Hòa Phát có thể bị thu hẹp. Tuy nhiên công nghệ lò cao có lợi thế hơn rất nhiều so với lò điện ở khả năng phối trộn do đó có thể giảm được rủi ro nếu giá phế giảm mạnh so với giá quặng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát ở mức 7.500 tỉ đồng là kịch bản xấu nhất mà BVSC đưa ra để xác định ngưỡng thấp nhất về lợi nhuận của Hòa Phát năm 2019, và BVSC đánh giá xác suất xảy ra kịch bản này là rất thấp.
"Đại dự án" Dung Quất khi nào chính thức vận hành?
Dự án Dung Quất là dự án có qui mô lớn nhất và quan trọng nhất của Hòa Phát vào lúc này. Chủ tịch Trần Đình Long từng nói: Ở Dung Quất, Hòa Phát không chỉ xây nhà máy thép mà còn phải xử lý rất nhiều công việc phát sinh, chẳng hạn Hòa Phát từng đang phải đào một con sông ở dưới lòng biển vì biển hiện không sâu, cần đào thêm thì các tàu lớn mới vào được.
Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư cuối năm 2018, Chủ tịch Trần Đình Long dự tính, cuối quý I hoặc đầu quý II/2019 lò cao số I của Nhà máy thép Dung Quất sẽ đi vào hoạt động.
Ông Trần Đình Long (áo trắng) tại buổi gặp mặt nhà đầu tư chiều 4/12/2018. Ảnh: Đức Quyền.
Tuy nhiên trong một cuộc trao đổi với KIS Việt Nam mới đây, Hòa Phát cho biết ở giai đoạn 1, lò cao số I sẽ hoàn thành vào tháng 5/2019, còn lò cao số II vào tháng 8/2019, tức là chậm hơn 1-2 tháng so với ước tính trước đó.
Ở giai đoạn 2 của dự án, lò cao số I và nhà máy cán thép sẽ hoàn thành vào tháng 11/2019. Lò cao số II sẽ hoàn thành vào tháng 2/2020. Do đó, Hòa Phát có thể sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) ngay từ đầu năm 2020.
Chủ tich Trần Đình Long cho biết dự án Dung Quất cơ bản đúng tiến độ. Ông Long nhấn mạnh từ "cơ bản" vì Dung Quất là một dự án rất lớn, chênh lệch nhanh chậm một vài tháng là chuyện bình thường.
Sau khi nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát ước tính tổng sản lượng thép tiêu thụ trong năm 2019 là khoảng từ 3,5 đến 4 triệu tấn và đến năm 2020 là 5 triệu tấn.
Theo đánh giá của BVSC, từ quí III/2019 sau khi lợi nhuận của Dung Quất được gộp vào kết quả kinh doanh thì lợi nhuận của Hòa Phát có thể tăng trưởng tốt so với cùng kì và có thể tạo nên yếu tố hỗ trợ tốt về giá cho cổ phiếu HPG.