Hòa Phát: Sản lượng thép xây dựng tăng 21,4% trong tháng Tết
Đây là mức tiêu thụ được CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đánh giá là khá cao bởi kì nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi dài 9 ngày nằm trọn trong tháng 2. (Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng nằm trọng trong tháng 2/2018).
Thị trường khu vực miền Trung -Tây Nguyên và khu vực miền Nam có mức tăng trưởng cao so với cùng kì 2018. Cụ thể, sản lượng bán hàng tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên tăng gần gấp rưỡi so với năm trước với trên 33.000 tấn và khu vực phía Nam tăng đột biến 3,7 lần.
Nói về nguyên nhân tăng trưởng sản lượng đột biến ở phía Nam, ông Đinh Quang Hiếu – Trưởng phòng kinh doanh Thép xây dựng Hòa Phát cho biết, thời gian qua, nhu cầu xây dựng nhà dân dụng tăng cao ở khắp ba miền. Thêm vào đó, dây chuyền mới tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi) hoạt động ổn định đã giúp Hòa Phát gia tăng sản lượng tại thị trường miền Nam hơn so với năm ngoái.
Ảnh minh họa: Hòa Phát.
Đối với thị trường xuất khẩu, thép xây dựng Hòa Phát đạt hơn 15.000 tấn trong tháng 2, giảm nhẹ so với năm trước do tập trung phục vụ thị trường xây dựng trong nước đầu năm.
Trước đó vào tháng 1, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng 250.000 tấn, tăng 27% so với cùng kì năm trước. Ống thép đạt 59.600 tấn, tăng 15,2%.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, thép xây dựng Hòa Phát đã cho ra thị trường tổng cộng 450.000 tấn, tăng 24,5%. Thị phần thép Hòa Phát tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu với trên 26%.
Mới đây Tập đoàn Hòa Phát cho biết một công ty con của Tập đoàn là Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát đạt doanh thu gần 2.000 tỉ đồng, tăng 76% so với năm 2017.
Trong năm, Công ty đã đầu tư một số dự án trọng điểm như: Dự án thép rút dây mạ kẽm với công suất thiết kế 10.000 tấn thép đen, 21.000 tấn thép mạ/năm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2018.
Ảnh minh họa: Hòa Phát.
Tính đến cuối năm 2018, nguồn thu từ dự án mang lại nguồn lợi nhuận ổn định. Lượng hàng xuất khẩu tăng nhanh, đạt gần 50% tổng sản lượng với các thị trường chính là Lào, Hàn Quốc, Campuchia, Canada và hướng tới xuất khẩu nhiều hơn.
Việc xuất khẩu sản phẩm thép rút mang lại nguồn ngoại tệ hơn 6 triệu USD đã giúp công ty chủ động hơn trong việc mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Từ cuối năm 2018, Công ty bắt đầu nhập khẩu dây chuyền sản xuất thép rút mạ kẽm giai đoạn 2, mục tiêu đưa sản lượng tăng lên gấp 2 lần. Dự kiến, khoảng tháng 6/2019, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ đi vào hoạt động.