|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Infographic] Toàn cảnh ngành thép 2018: Hòa Phát vững ngôi đầu, Hoa Sen khi nào hết khó?

07:51 | 19/02/2019
Chia sẻ
Năm 2018, ngành thép nói chung khởi sắc khi lượng sản xuất, bán hàng trong đó có xuất khẩu đều tăng trưởng so với năm trước. Về phía các doanh nghiệp, Hòa Phát vững vàng ở ngôi đầu doanh thu cũng như lợi nhuận.

Một năm tăng trưởng của ngành thép

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2018, sản lượng thép sản xuất của nước ta đạt 24,2 triệu tấn, tăng trưởng 14,9% so với năm 2017. Sản lượng bán hàng đạt 21,75 triệu tấn, tăng 20,9%. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 4,75 triệu tấn, tăng 26,6%.

Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại tăng lần lượt 5% và 10%.

Về cơ cấu các mặt hàng, thép xây dựng chiếm tỉ trọng lớn nhất với 42% lượng sản xuất và 46% lượng bán hàng. Sản phẩm chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn nhất là tôn mạ kim loại và sơn phủ màu với 37% thị phần.

Lượng sản xuất, tiêu thụ bao gồm xuất khẩu của các mặt hàng thép xây dựng, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong năm 2018 đều tăng trưởng so với năm 2017.

Đáng chú ý, cuối tháng 5/2018, Công ty Formosa Hà tĩnh đưa lò cao số 2 đi vào sản xuất, giúp đưa lượng sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) trong nước tăng 50% so với năm ngoái, lượng tiêu thụ cũng tăng tới 83%.

Bức tranh thị phần của các doanh nghiệp

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) vẫn đang nắm giữ thị phần lớn nhất trong nhánh sản phẩm tôn mạ và sơn phủ màu với 32,2%, theo sau là CTCP Tôn Đông Á với 15% và CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) với 13,4%. Thứ tự này không thay đổi so với 6 tháng đầu năm 2018.

Đối với mặt hàng thép xây dựng, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang dẫn đầu thị phần với 23,8%, theo sau là Tổng công ty thép Việt Nam - CTCP (VnSteel) với 17,2% và CTCP Thép Pomina với 9,8%.

Tương tự với sản phẩm ống thép hàn, Hòa Phát đang nắm thị phần 27,5%, bỏ xa đối thủ thứ hai là Hoa Sen với thị phần 17,3%.

Hòa Phát cũng là công ty có quy mô tài sản tại ngày 31/12/2018 lớn nhất trong số 5 công ty được khảo sản (đồng thời lớn nhất ngành thép) với 78.225 tỉ đồng. 4 công ty còn lại đều có tổng tài sản chưa tới 20.000 tỉ đồng.

Sự dẫn đầu về thị phần của Hòa Phát được thể hiện ở doanh thu 56.580 tỉ đồng trong năm 2018, cao hơn 66% so với doanh nghiệp đứng thứ hai là Hoa Sen. (Năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm sau. Do vậy doanh thu trong năm 2018 của Hoa Sen bằng tổng doanh thu ba quí cuối của niên độ 2017/2018 và quí đầu tiên của niên độ 2018/2019).

Lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của Hòa Phát đều lớn hơn tổng của cả 4 công ty khác cộng lại. Lợi nhuận ròng 8.601 tỉ đồng cũng là mức cao nhất mà Hòa Phát đạt được từ trước đến nay.

Biên lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2018 cao vượt trội, đạt 15,2% trong khi của Hoa Sen và Nam Kim chỉ là 0,4%, của Pomina là 3,2% và của VnSteel là 2,7%.

infographic toan canh nganh thep 2018 hoa phat vung ngoi dau hoa sen khi nao het kho

Quí IV khó khăn

Tuy những con số của cả năm 2018 khá khả quan, nhưng nếu tính riêng quí IV/2018, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát đạt 1.760 tỉ đồng - giảm 26,7% so với quí IV/2017.

Về phần Hoa Sen, tuy công ty đã bắt đầu quá trình tái cấu trúc nhưng vẫn chưa thể đem lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, trong quí IV/2018 (1/10-31/12), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hoa Sen âm 116 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước dương gần 378 tỉ đồng.

Hoa Sen thoát lỗ trong quí này là nhờ khoản thanh lí, nhượng bán tài sản cố định và các khoản thu nhập khác tổng trị giá gần 218 tỉ đồng.

CTCP Thép Nam Kim cũng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 187 tỉ đồng trong quí IV/2018. Tuy nhiên khác với Hoa Sen, Nam Kim không có khoản thu nhập khác lớn để bù vào và do vậy, công ty lỗ ròng hơn 173 tỉ đồng. Đây là quí thua lỗ đầu tiên từ khi lên sàn năm 2012.

Xem thêm

Kiên Dương