Hòa Phát chính thức lên kế hoạch lãi 9.000 tỉ đồng, cổ tức tiền mặt 5%
Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 8/6 về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 để trình đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 25/6 tới đây.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất dự kiến trong năm nay là 86.000 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với thực hiện năm 2019, lợi nhuận sau thuế ước tính 9.000 tỉ đồng, tăng gần 19%. Kế hoạch kinh doanh này khá khớp với dự tính của ban lãnh đạo Hòa Phát hồi tháng trước.
Cụ thể tại một sự kiện tổ chức ngày 15/5, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết HĐQT công ty sẽ trình đại hội cổ đông thường niên phương án kinh doanh với doanh thu khoảng 85.000 - 95.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.000 - 10.000 tỉ đồng.
Về cổ tức năm 2019, nghị quyết HĐQT của Hòa Phát dự định chi trả 25% vốn điều lệ, trong đó 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Tại sự kiện giữa tháng 5, Chủ tịch Trần Đình Long cũng đề xuất mức cổ tức 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. "Các bạn đừng thấy 5% là con số bé, đó là con số rất lớn ở thời điểm hiện tại nếu so với hàng trăm công ty trên sàn. Từ năm 2020 Hòa Phát bắt đầu giảm đầu tư nên sẽ quay lại chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm", ông Long chia sẻ.
Với vốn điều lệ hiện nay khoảng 27.610 tỉ đồng, dự kiến Hòa Phát sẽ phải chi khoảng 1.380 tỉ đồng để trả cổ tức tiền mặt 5%. Trong các năm 2016-2017-2018, Hòa Phát chỉ trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Sau khi phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019, dự tính vốn điều lệ của Hòa Phát sẽ tăng lên thành 33.132 tỉ đồng.
Nghị quyết ngày 8/6 cũng thông qua phương án điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất để trình đại hội cổ đông. Theo đó, tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỉ đồng.
Trong số này, vốn điều lệ là 30.000 tỉ đồng, cổ đông đã góp đủ. Vốn vay là 30.000 tỉ đồng, bao gồm vốn vay cam kết bởi các tổ chức tín dụng 25.000 tỉ đồng và vay nội bộ các thành viên trong tập đoàn 5.000 tỉ đồng.
Đối với lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất thép, lãnh đạo Hòa Phát đặt mục tiêu đến năm 2021, khi 4 lò cao của dự án Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ, Hòa Phát sẽ đạt công suất thép thô 8 triệu tấn/năm và trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam, soán ngôi Formosa Hà Tĩnh.