|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hỗ trợ sai địa chỉ, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vừa yếu vừa thiếu

09:09 | 06/10/2016
Chia sẻ
Mặc dù có không ít cơ chế, chính sách dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng tỷ lệ thụ hưởng các chính sách này vẫn còn khá thấp.

Những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành hành loạt cơ chế chính sách nhằm đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hỗ trợ ở nước ta còn áp dụng công nghệ lạc hậu, khả năng cạnh tranh kém và khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn yếu và thiếu bởi duy trì hỗ trợ sai địa chỉ.

ho tro sai dia chi cong nghiep ho tro viet nam vua yeu vua thieu

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Tháng 7 vừa qua, công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tổ chức hội thảo triển lãm công nghiệp hỗ trợ Samsung điện tử lần thứ 3. Trước đó, sau lần thứ nhất vào tháng 9 năm 2014, thông tin về mấy trăm doanh nghiệp Việt Nam không làm nổi sạc pin, ốc vít cho Samsung đã trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên nhiều diễn đàn kinh tế và cả ở nghị trường Quốc hội. Sau gần 3 năm, câu chuyện về ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn không có sự thay đổi tích cực.

Theo ông Han Myoungsup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex tại Việt Nam, năm 2016, dù số lượng các nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung lên tới 190 doanh nghiệp - gấp 3 lần so với năm 2015, nhưng nghịch lý là chỉ có duy nhất... 3 nhà cung cấp thiết bị điện tử là nhà cung ứng cấp 2, chủ yếu sản xuất bao bì, đóng gói cho các dòng điện thoại hay máy tính bảng.

Tương tự với hàng loạt các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài khác, khả năng cung ứng linh kiện, thiết bị của doanh nghiệp nội còn hạn chế, khi tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp chỉ đạt ở mức thấp.

Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Công ty Thương mại và Chế tạo khuôn mẫu TBDH chia sẻ, các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước làm ra đòi hỏi chất lượng đòi hỏi rất cao. Những mẫu khuôn để dập ra linh kiện điện thoại, doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi tỷ lệ chính xác đến 5/1000 nhưng công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam rất khó đáp ứng được độ chính xác này.

Thừa nhận những điểm yếu trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, các chuyên gia cho biết, hiện công nghiệp hỗ trợ trong nước khả năng cạnh tranh kém do giá cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Chính phủ đưa ra không ít cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được thụ hưởng các chính sách trên thực tế khá thấp.

Nguyên nhân là do các chính sách thay đổi nhanh và thiếu nhất quán, thiếu sự thông tin và tư vấn kịp thời; hơn nữa, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên chưa phát huy được tác dụng.

Ông Kazuhito Hagiwara, Phó Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Mitsubish (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam có hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp rất rộng, có các Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại hầu hết các bộ ngành đến các Trung tâm khuyến công tại Sở Công Thương các tỉnh, lại có cả những hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, điều tra thị trường, kết nối kinh doanh…

“Nhưng các trung tâm này đang có sự trùng lặp về chức năng, chủ yếu là hỗ trợ tư vấn về thủ tục hành chính, trong khi rất yếu và thiếu các hỗ trợ về công nghệ, khoa học kỹ thuật. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa đúng đối tượng nên hiệu quả không cao”, ông Kazuhito Hagiwara đánh giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn, hạn chế của ngành công nghiệp hỗ trợ đã kéo dài nhiều năm qua. Đây là một trong những nguyên nhân làm trì trệ sự phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, nếu như những chính sách đề ra không giải quyết được khó khăn cốt lõi của ngành, các biện pháp vẫn nằm trên giấy, không đi vào thực tiễn, doanh nghiệp vẫn khó thụ hưởng những chính sách đề ra thì kỳ vọng phát triển ngành, tận dụng cơ hội trong hội nhập vẫn sẽ khó có thể thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đang phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản xây dựng mô hình Trung tâm Công nghệ công lập cấp địa phương trên cơ sở tái cấu trúc lại các Trung tâm khuyến công, Trung tâm xúc tiến công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo đòn bẩy cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp.

“Nên thành lập một trung tâm hỗ trợ công nghiệp do địa phương quản lý, không nhất thiết mỗi tỉnh phải có một trung tâm. Trung tâm này cần phải có máy móc, thiết bị để các doanh nghiệp vào có thể thử nghiệm, không nên chia cắt theo địa phương mà phải nghĩ đến việc cùng nhau hợp tác, như vậy thì sẽ sát sườn hơn đối với các doanh nghiệp”, bà Tuệ Anh cho biết.

Trong bối cảnh hội nhập, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt khi hầu hết các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước trở thành thành viên của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Do đó, để tận dụng cơ hội này, bên cạnh các những chính sách thiết thực của nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đổi mới tư duy cũng như phương thức quản lý thì mới có thể bước nhanh hơn trong tiến trình trở thành nhà cung ứng của những Tập đoàn lớn trên thế giới./.

Theo Cẩm Tú

VOV-Trung tâm tin