HIệu ứng kéo dài từ chính sách 'không COVID' của Trung Quốc
Theo tờ "Liên hợp buổi sáng", trong giai đoạn đầu bùng phát đại dịch COVID-19, việc Trung Quốc huy động nguồn lực quy mô lớn và thực hiện chính sách "Không COVID" (Zero-COVID), phong tỏa chặt chẽ trên khắp các địa phương đã đem lại hiệu quả chống dịch cao.
Dù vậy, sau khi vaccine được đưa vào sử dụng, các nước phương Tây mở cửa và phục hồi hoạt động kinh tế bình thường, việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế đã gây ra một số ý kiến trái chiều.
Các hạn chế cuối cùng cũng được dỡ bỏ vào cuối năm 2022. Nhưng ảnh hưởng do chính sách Zero-COVID gây nên sẽ không sớm bị lãng quên.
Trong ba năm Trung Quốc thực hiện chính sách này, dường như mỗi thành phố đều từng đối diện với sự phong tỏa dưới các hình thức khác nhau và đỉnh điểm của chính sách là hơn 370 triệu người bị cách ly tại nhà.
Năm 2022, khi Thượng Hải bị phong tỏa hai tháng, các chuyên gia kinh tế lo ngại tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm vài điểm phần trăm.
Hiện nay, cùng với lương và việc làm của tất cả các thành phố bị cắt giảm, càng nhiều người hơn cảm nhận được những tác động dai dẳng do chính sách Zero-COVID tạo ra.
Các vị trí việc làm về công nghệ và tài chính thường được trả lương cao đã bị cắt giảm 40%, ngay cả các nhân viên công vụ có mức lương tương đối thấp nhưng được cho là ổn định cũng bị cắt giảm lương đáng kể.
Do mức thu nhập cơ bản đã rất thấp nên việc cắt giảm lương như vậy là điều không mong muốn. Năm 2022, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở các thành phố Trung Quốc là 6.224 USD, trong khi con số tương ứng của Mỹ là 55.832 USD.
Điều đáng quan ngại hơn là làn sóng sa thải nhân viên quy mô lớn bắt đầu diễn ra trong ngành công nghệ Trung Quốc từ năm 2021 và ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn. Chỉ trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, đã có hơn 200.000 lao động trong lĩnh vực này mất việc làm.
Hơn nữa, con số này chưa tính đến tác động dây chuyền gây nên trên các lĩnh vực có liên quan chặt chẽ như tài chính hay luật cũng như trên phạm vi rộng hơn đối với tiêu dùng và tích lũy của cải.
Có thể nói rằng, khu vực nông thôn của Trung Quốc chịu tổn thất lớn hơn cả. Năm 2022, thu nhập khả dụng bình quân đầu người ở nông thôn chỉ là 2.777 USD.
Nhìn chung, các gia đình ở nông thôn bổ sung thu nhập từ nông nghiệp thông qua làm việc ở thành phố, mở các tour du lịch cho khách thành thị hoặc nước ngoài, cũng như bán các sản phẩm có giá trị cao ở các chợ thành phố như trà hoặc hoa tươi…
Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện chính sách Zero-COVID, khu vực nông thôn bị cô lập hoàn toàn với các chợ thành phố và khách du lịch, điều này khiến cho người dân chỉ có thể dựa vào nghề nông để duy trì cuộc sống vừa đủ.
Các yêu cầu chi tiêu công của chính sách Zero-COVID càng làm tăng thêm nợ nần của chính quyền địa phương. Hiện nay, tăng trưởng tổng thể của Trung Quốc tiếp tục chậm lại, ngành bất động sản khổng lồ đang lao đao. Những vấn đề kinh tế này xảy ra đúng vào thời điểm rất nhiều người dân Trung Quốc có những vấn đề lớn mang tính chất cá nhân.
Hàng triệu công nhân phải sống trong các ký túc xá hoặc căn hộ không có bếp ăn, chỉ ăn mỳ gói trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng để cầm cự. Toàn bộ chi phí để kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện việc phong tỏa vẫn đang trong quá trình thống kê.
Khi Chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế theo chính sách Zero-COVID, tỷ lệ tiêm chủng vaccine của người cao tuổi vẫn ở mức khá thấp, trong khi bệnh viện và nhân viên y tế dường như không có thời gian chuẩn bị để ứng phó với làn sóng lây nhiễm cấp số nhân ngay sau đó.
Với quy mô số ca bệnh lớn, hiệu suất của Trung Quốc tốt hơn kỳ vọng của nhiều người. Virus chưa biến đổi thành các biến thể mạnh hơn và vaccine của Trung Quốc vẫn bảo vệ hầu hết mọi người khỏi bệnh nặng hoặc tử vong.