|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những gã khổng lồ Mỹ vỡ mộng về thị trường Trung Quốc

16:02 | 19/03/2024
Chia sẻ
Thị trường Trung Quốc không hoàn toàn sơ khai như các công ty Mỹ vẫn tưởng.

Sau khi bội thu tại Trung Quốc trong nhiều năm, cả Apple lẫn Tesla đều đang trải qua thời kỳ suy thoái tại thị trường này. Giống như bất kỳ tài liệu tài chính nào, có nhiều yếu tố phức tạp xung quanh, nhưng tựu chung lại chỉ có một nguyên nhân sâu xa nhất: Người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng thờ ơ với những thương hiệu đến từ hai tập đoàn công nghệ lớn nhất của Mỹ.

Đồ hoạ: Reuters.

Lần đầu tiên doanh thu của Apple tại Trung Quốc giảm, từ 24 tỷ USD năm 2022 xuống dưới 21 tỷ USD năm 2023, tức giảm hơn 10%. Bản thân mức giảm 3 tỷ USD không phải là con số quá lớn so với lợi nhuận của Apple trong năm ngoái. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Apple ghi nhận xu hướng giảm tại đây nước tỷ dân - vốn là thị trường tăng trưởng khổng lồ của hãng. Điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Trong những tuần sau khi công bố báo cáo tài chính, giá cổ phiếu Apple đã lao dốc.

Tesla cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề tương tự. Báo cáo từ Hiệp hội ô tô Trung Quốc cho biết doanh số tháng 2 của Tesla giảm 19% so với năm trước. Có thể đưa ra nhiều lý do khiến doanh số Tesla giảm, chẳng hạn tình trạng dư cung trên toàn cầu đã ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện. Hay Trung Quốc đang trong thời kỳ suy thoái khiến thị trường khó khăn hơn với các mẫu ô tô cao cấp.

Tuy nhiên, theo Rest of world, có một lời giải thích đơn giản hơn: Apple và Tesla đã bị các công ty Trung Quốc đánh bại. Câu chuyện của Huawei có thể là một ví dụ. Bị đưa vào danh sách đen của Mỹ từ năm 2019, Huawei đã không thể sử dụng linh kiện hay phần mềm đến từ Mỹ như phiên bản Android gốc của Google. Không có YouTube, không Gmail, không Google Play khiến các mẫu smartphone của Huawei không thể bán ra ở Mỹ hay châu Âu.

Nhưng đó không phải là vấn đề ở Trung Quốc, nơi các dịch vụ Google bị cấm và việc nhập khẩu chip bị hạn chế nghiêm ngặt. Do đó, Huawei đã phát triển thành một thương hiệu smartphone nội địa, giành thị phần từ Apple, Vivo và Oppo trong nhiều năm qua. Từ lâu, trên thị trường toàn cầu, Apple là vua bán smartphone cao cấp. Nhưng ở Trung Quốc, Huawei đã trở thành thương hiệu thời thượng dành cho giới trẻ và sự thay đổi đang bắt đầu thể hiện qua số liệu bán hàng.

Tesla đang phải đối mặt với vấn đề tương tự với các thương hiệu Trung Quốc như Nio, Li Auto và BYD. Đặc biệt, Nio đã gây dựng được một cộng đồng người dùng trung thành, hâm mộ cuồng nhiệt như lượng người dùng của Tesla tại Mỹ.

Elon Musk đã nói rất nhiều về sự tôn trọng của ông đối với các thương hiệu Trung Quốc, nhưng Tesla chưa làm gì để thực sự cạnh tranh với họ. Đã 4 năm kể từ khi Tesla ra mắt Model Y cực kỳ thành công và họ đã dành những năm sau đó để tập trung vào công nghệ xe tự lái hay dự án Cybertruck rối ren. 

Trong cùng khoảng thời gian đó, toàn bộ ngành công nghiệp xe điện đã nổi lên ở Trung Quốc, tập trung vào việc cung cấp các phiên bản rẻ hơn Model Y. Vậy có gì mà ngạc nhiên khi Tesla gặp khó khăn trong việc đuổi kịp đối thủ?

Đây là một vấn đề khó phát hiện đối với các công ty Mỹ, vì khi đánh giá tình hình từ trụ sở ở Cupertino (Apple) hay Austin (Tesla), họ sẽ không bao giờ thực sự nhìn thấy ai sử dụng Huawei Mate 60 hay lái xe Nio ES6. Dẫu ngay cả khi họ nhận ra cũngthật khó để dự đoán thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc so với những công ty nội địa thực sự hoạt động ở đây.

“Đó là một viên thuốc đắng cho các công ty Mỹ đang đặt cược tăng trưởng vào việc mở rộng tại thị trường Trung Quốc”, tờ Rest of world nhận xét.

Đức Huy