|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Hiệp định thương mại tự do EU-Canada gây nhiều tranh cãi ở Italy

08:45 | 29/07/2018
Chia sẻ
Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio mới đây cho biết Hiệp định Kinh tế và Thương mại Toàn diện (CETA) giữa Canada và EU sẽ không được phê chuẩn ở Italy vì đang gây nhiều tranh cãi ở Quốc hội nước này.
hiep dinh thuong mai tu do eu canada gay nhieu tranh cai o italy

Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Thủ tướng Italy đưa ra thông báo trên chỉ vài ngày sau khi ông Di Maio thuộc đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) và cũng là Bộ trưởng Bộ Lao động và Công nghiệp Italy cho biết "đa số thành viên trong nghị viện Italy sẽ từ chối" phê chuẩn CETA vì Italy phải bảo vệ chính mình và nền kinh tế của mình. Bất kỳ một quan chức Italy nào ở nước ngoài muốn bảo vệ CETA thì sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng sự nghiệp.

Cùng quan điểm với Phó Thủ tướng Di Maio, Hiệp hội nông dân Coldiretti cũng phản đối mạnh mẽ việc phê chuẩn CETA với Canada. Theo hiệp hội này, ngành thực phẩm và nông nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai Italy, sau ngành chế tạo máy, với tổng giá trị đạt 40 tỷ euro mỗi năm.

Hai ngành này đại diện cho 1,6 triệu nông dân Italy và tạo việc làm cho 300.000 lao động. Cả hai ngành đều phản đối mạnh mẽ CETA. Hiệp hội nông dân Coldiretti cho rằng CETA dường như ít bảo vệ các sản phẩm mang nguồn gốc từ Italy, chẳng hạn như các loại rượu vang nổi tiếng, pho mát và giăm bông.

Phát biểu với báo giới, ông Lorenzo Bazzana, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Coldiretti, khẳng định CETA sẽ tạo ra tiền lệ xấu, nguy hiểm cho Italy. Ông lấy ví dụ một nhà sản xuất Canada sẽ được phép làm pho mát Parmesan gắn nhãn mác tiếng Anh và không sử dụng từ tiếng Italy là Parmigiano.

Điều này sẽ gây khó khăn cho Italy khi đàm phán các hiệp định thương mại với Nhật Bản, hay khối thương mại Nam Mỹ Mercosur để giải thích với các nước rằng họ phải tôn trọng các sản phẩm của Italy.

Một vấn đề khác gây tranh cãi trong việc phê chuẩn CETA ở Italy là việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa hoá chất glyphosate, một loại hoá chất được sử dụng phổ biến ở Bắc Mỹ nhưng gây tranh cãi ở EU.

Tháng 10/2017, Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu cấm hoàn toàn việc sử dụng hoá chất này vào năm 2022, tuy nhiên sau đó một tháng, EU lại đồng ý cho sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate trong 5 năm vì cho rằng “không có mối liên hệ giữa glyphosate và ung thư ở người".

Theo Viện Nghiên cứu và Bảo vệ Môi trường Quốc gia (ISPRA), ở Italy, thuốc diệt cỏ bị cấm hoàn toàn trong các công viên, khu vực giải trí, trường học và bất kỳ khu vực nào mà thuốc diệt cỏ có thể thấm vào nước ngầm. Thuốc diệt cỏ này cũng bị cấm sử dụng trong việc trồng trọt nhằm làm tăng năng suất cây trồng.

Ông Bazzana đã đưa ra ví dụ về đậu lăng khô và đậu hũ khô nhập khẩu từ Canada được trồng tại các trang trại có sử dụng thuốc diệt cỏ chứa hoá chất glyphosate. Ông cho biết ở châu Âu, những loại đậu này sẽ được chế biến, ngâm nước, đóng hộp và bán dưới nhãn hiệu châu Âu mà không cần phải xác định xuất xứ.

Ông Bazzana nói thêm các trang trại đậu và đậu lăng của Italy không thể sử dụng thuốc diệt cỏ nên sẽ kém năng suất hơn so với các trang trại của Canada. Đây là vấn đề khó khăn cho nông dân Italy.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến phản đối CETA, Hiệp hội các ngành công nghiệp (Confindustria) và thậm chí cả Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria lại có quan điểm ngược lại. Chủ tịch Confindustria Vincenzo Boccia ủng hộ việc Italy phê chuẩn CETA vì hiệp định này "có lợi cho Italy vì chúng tôi là một nước xuất khẩu và thông qua xuất khẩu, chúng tôi tạo ra sự giàu có".

Bộ trưởng Tria cũng bình luận ủng hộ thương mại tự do, ủng hộ phê chuẩn CETA. Ông nói: "Theo cá nhân tôi, thương mại tự do... luôn là điều tốt. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét các thỏa thuận thương mại này được thực hiện như thế nào vì sẽ luôn có những hạn chế trong các chi tiết".

Hiệp định CETA có hiệu lực một phần từ tháng 9/2017 sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Theo Ủy ban châu Âu (EC), Canada đã đồng ý dỡ bỏ thuế quan hàng năm đối với hàng xuất khẩu của EU trị giá 400 triệu euro (tương đương 468 triệu USD). Tuy nhiên, để có hiệu lực đầy đủ thì hiệp định cần nhận được phê chuẩn của tất cả quốc hội các nước thành viên EU.

Hiện tại chưa biết đến lúc nào CETA mới được toàn bộ các nước thành viên EU thông qua, đặc biệt trong bối cảnh hiệp định này đang gây ra nhiều tranh cãi ở một số nước, trong đó có Italy.

Ngày 16/7, trên mạng xã hội Twitter cá nhân, Bộ trưởng Nông nghiệp Italy Gian Marco Centinaio chia sẻ rằng Italy muốn biết cụ thể những lợi ích mà CETA có thể đem lại và liệu rằng CETA có thực sự đem lại lợi ích cho nước này không. Ông Centinaio cho biết tính đến thời điểm hiện tại, CETA dường như chưa mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Italy. Nhận định này cho thấy các tranh cãi về CETA sẽ vẫn còn tiếp tục.