|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại tiết kiệm 91% thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu

11:03 | 23/08/2018
Chia sẻ
Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu, tương đương giảm 47% so với mức trung bình hiện tại. Hiệp định còn tiết kiệm 2 ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, tương đương giảm tới 91% so với mức trung bình hiện nay.
hiep dinh tao thuan loi thuong mai tiet kiem 91 thoi gian thong quan hang hoa xuat khau Giảm tỷ lệ luồng đỏ - DN giảm chi phí và thời gian thông quan

TFA tiết kiệm 91% thời gian thông quan xuất khẩu hàng hóa

Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của WTO (TFA) chính thức có hiệu lực vào ngày 22/2/2017 sau khi được 110/164 quốc gia thành viên WTO phê duyệt.

Theo báo cáo thương mại thế giới 2015, việc thực hiện đầy đủ các TFA có thể giảm trung bình 14,3% chi phí giao dịch và thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu lên tới 1.000 tỷ USD mỗi năm. TFA cũng được đánh giá có khả năng tiết kiệm 1,5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu, tương đương giảm 47% so với mức trung bình hiện tại. TFA còn tiết kiệm 2 ngày thông quan hàng hóa xuất khẩu, tương đương giảm tới 91% so với mức trung bình hiện nay.

Tại buổi họp báo chuyên đề "Hải quan Việt Nam với việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của tổ chức thương mại thế giới", bà Nguyễn Việt Nga - Vụ phó Vụ hợp tác quốc tế - cho hay, TFA được đánh giá sẽ tạo động lực thúc đẩy các hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho các quốc gia thành viên WTO, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

hiep dinh tao thuan loi thuong mai tiet kiem 91 thoi gian thong quan hang hoa xuat khau
Họp báo chuyên đề "Hải quan Việt Nam với việc thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của tổ chức thương mại thế giới". Ảnh: Đức Quỳnh

Những nội dung của Hiệp định phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước trong thương mại quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, việc tham gia TFA và triển khai các cam kết sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình cải cách thủ tục hải quan, đơn giản trong quá trình thủ tục hải quan, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bước đầu xuất khẩu.

Khó khăn về kỹ thuật và hợp tác giữa các bên

Bà Nga thông tin việc triển khai TFA có nhiều khó khăn trong bối cảnh năng lực đội ngũ và trình độ công nghệ của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được toàn bộ yêu cầu đổi mới và cải cách theo nội dung TFA.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Hải quan đã huy động nguồn vốn hỗ trợ kỹ thuật thực thi Hiệp định. Sau hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới về việc xây dựng Cổng thông tin thương mại điện tử, Tổng cục Hải quan đã nhận được các đề xuất hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến thực thi Hiệp định. Trong đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đề xuất hỗ trợ Việt Nam trong việc cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Dự án có tổng giá trị tài trợ là 22 triệu USD và dự kiến sẽ được thực hiện từ tháng 10/2018 - 10/2023.

Bên cạnh đó, trao đổi với phóng viên, bà Nga nhấn mạnh khó khăn nhất trong việc thực thi yêu cầu cải cách thủ tục thương mại tại biên giới là đòi hỏi sự tham gia không chỉ cơ quan hải quan mà cả các cơ quan quản lý chuyên ngành để tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo điều kiện thuận lợi thương mại.

“Nếu cơ quan nỗ lực bao nhiêu mà cơ quan khác không cố gắng thì hàng vẫn tắc như thường. Theo tính toán, thời gian thông quan dành cho thủ tục hải quan chỉ chiếm 28%, 72% thời gian còn lại nằm ở khâu quản lý chuyên ngành”, bà Nga thông tin.

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thực thi TFA. Bên cạnh đó, Tổng cục thúc đẩy việc thực hiện Cơ chế một cửa thương mại, đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Xem thêm

Đức Quỳnh