Giảm thông quan 1 ngày, tiết kiệm 800 triệu USD cả năm
|
Trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về tình hình thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ, ngày 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu sửa ngay các thông tư, quy định về kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tiết kiệm chi phí.
Cụ thể, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nếu giảm được 1 ngày thủ tục thông quan sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm 200 USD một lô hàng. Trong khi mỗi năm cả nước có khoảng 8,3 triệu lô hàng, 36% trong số đó bị kiểm tra, tỉ lệ này cao gấp 2,5 lần các quốc gia trong TPP và gấp 3 lần EU.
Thứ trưởng cho biết, hiện có khoảng 74 nghìn doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu. Thời gian thông quan hàng hóa nhập khẩu trung bình là 10 ngày, xuất khẩu 12 ngày, dài gấp đôi so với khu vực. Trong đó, riêng thời gian kiểm tra chuyên ngành là hơn 7 ngày.
Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Giảm thời gian thông quan được 1 ngày thì 1 năm chúng ta tiết kiệm được ít nhất 800 triệu USD, bằng đúng kinh phí cấp cho ngành KHCN hằng năm”. Phó Thủ tướng yêu cầu sự đóng góp của ngành Khoa học công nghệ vì những kiểm tra chuyên ngành hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% vào cuối năm nay
Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vẫn lo ngại: “Quan trọng hơn là chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Điều này đang cản trở sự phát triển, vì 94% lượng hàng nhập khẩu là để phục vụ sản xuất kinh doanh”.
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để giảm được thời gian thông quan hàng hóa – một trong những yêu cầu trọng tâm của Nghị quyết 19 của Chính phủ, thì vai trò của Bộ KH&CN là rất quan trọng. Vì hai luật gốc của hoạt động quản lý chuyên ngành là Luật Chất lượng sản phẩm và Luật Đo lường.
Phó Thủ tướng lưu ý thêm, về lâu dài, việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đòi hỏi Việt Nam phải rà soát, sửa đổi nhiều luật trong đó có các luật về tiêu chuẩn đo lường, chất lượng hàng hóa. Nhưng trước mắt nếu tập trung vận dụng linh hoạt các quy định của luật hiện hành có thể xử lý được tới 80% vướng mắc hiện tại.