|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hiện tượng Netflix

10:10 | 12/07/2018
Chia sẻ
Khoản tiền chi thêm của Netflix cũng đủ để trả cho tất cả các chương trình của HBO hoặc của BBC.
hien tuong netflix
Netflix sẽ chi ra 12-13 tỉ USD vào nội dung trong năm nay. Ảnh: Quý Hòa

Bất mãn nhóm FAANG

Các tập đoàn công nghệ lớn đã tạo ra nhiều phản ứng trái ngược nhau. Các nhà đầu tư thì yêu thích vì tốc độ tăng trưởng quá thần kỳ và tham vọng lớn của các tập đoàn này: các cổ phiếu công nghệ của nhóm FAANG, gồm Facebook, Amazon, Apple, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) trị giá còn lớn hơn cả tất cả các công ty trong danh sách FTSE 100 cộng lại. Nếu không có FAANG làm bệ đỡ, vốn hóa thị trường của Mỹ đã giảm xuống trong năm nay.

Tuy nhiên, sự bất mãn ngày càng tăng trong quá trình các hãng công nghệ toàn cầu mở rộng tầm ảnh hưởng với hàng loạt vấn đề gây tranh cãi, từ lạm dụng dữ liệu, hành vi chống cạnh tranh cho đến trốn thuế và chứng nghiện smartphone. Các tập đoàn công nghệ đã trở thành các doanh nghiệp mà giới chính trị gia vừa yêu lại vừa hận.

Tất cả 5 công ty trong nhóm FAANG đều hứng chịu những ánh mắt bất mãn, chỉ ngoại trừ một trường hợp là Netflix. Kể từ khi thành lập vào năm 1997, Netflix đã thay hình đổi dạng từ một dịch vụ cho thuê đĩa DVD thành một startup về streaming video cho đến gã khồng lồ truyền hình toàn cầu đầu tiên của thế giới. Năm nay, số lượng chương trình giải trí mà Netflix sản xuất ra sẽ vượt xa bất cứ kênh truyền hình nào: số phim truyện mà Netflix sản xuất lên tới hơn 80 phim, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ hãng phim Hollywood nào.

Netflix sẽ chi ra 12-13 tỉ USD vào nội dung trong năm nay, cao hơn 3-4 tỉ USD so với năm ngoái. Chỉ mỗi khoản tiền chi thêm này cũng đủ để trả cho tất cả các chương trình của HBO hoặc của BBC.

Con số 125 triệu hộ gia đình mà Netflix phục vụ cũng gấp đôi so với thời điểm năm 2014, xem kênh Netflix hơn 2 giờ đồng hồ mỗi ngày tính trung bình, “ngốn” tới 1/5 băng thông internet của thế giới (Trung Quốc là một thị trường lớn mà Netflix chưa được cấp phép hoạt động). Sự tồn tại “nghịch thiên” của Netflix cũng cho thấy sự suy giảm trong lượng khách xem truyền hình truyền thống: người Mỹ trong độ tuổi từ 12-24 tuổi xem chỉ bằng phân nửa thời gian của truyền hình trả tiền so với thời điểm năm 2010.

Đáng chú ý là trong số các startup công nghệ tái định hình nên các ngành trong những năm gần đây, Netflix đã trở mình một cách ngoạn mục mà không khơi dậy bất kỳ sự bất mãn nào từ phía công chúng và các cơ quan quản lý. Với giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm nay, Netflix đã trở thành cái tên quá đỗi quen thuộc trong giới đầu tư cũng như người tiêu dùng.

Tất cả những điều này đã đặt ra 3 câu hỏi: bài học nào từ Netflix dành cho các công ty truyền thông khác? Liệu 4 công ty còn lại trong nhóm FAANG có thể học được gì từ thành công của Netflix? Và liệu Netflix lúc nào cũng có thể giữ cho tất cả mọi người luôn vui vẻ?

Bài học của Netflix

Hãy bắt đầu với các hãng truyền thông khác. Những “đại gia” từng một thời vui vẻ gửi gắm nội dung cho Netflix, đổi lại một khoản thu phụ thêm, nhưng giờ họ đang vội vàng rút về và tuyên bố độc quyền nội dung, ra sức củng cố thực lực để cạnh tranh với Netflix.

Kết quả là một loạt các thương vụ điên cuồng, như AT&T mua lại Time Warner, Disney và Comcast giành nhau chiếm lấy 21st Century Fox. Tuy nhiên, liên doanh liên kết, sáp nhập chỉ là một phần cho câu trả lời của các hãng giải trí truyền thống. Họ cũng phải biết theo chân Netflix, sử dụng internet để mời chào mức giá thấp cho người sử dụng cũng như cho họ nhiều sự lựa chọn hơn.

Netflix giờ có lượng đăng ký thuê bao ở bên ngoài nước Mỹ cao hơn cả lượng thuê bao trong nước. Từ Mexico cho đến Ấn Độ, ai nấy cũng đều streaming “Narcos” và “Stranger Things”. Netflix sử dụng dữ liệu rất chuyên nghiệp, khi phân loại sở thích của những người sử dụng thành khoảng 2.000 “nhóm khẩu vị”, để cung cấp các chương trình khác nhau cho nhóm người sử dụng khác nhau, cả những người sống cùng trong 1 gia đình, thông qua những đề xuất xem nội dung nhắm đến đối tượng cụ thể.

Sự kết hợp giữa quy mô và khoa học dữ liệu đã từ lâu là một dấu ấn đặc trưng của các hãng công nghệ. Amazon, Disney và các công ty khác đang chỉnh trang lại các dịch vụ video phục vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, nhưng hầu hết các công ty truyền thông vẫn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đuổi kịp sự chuyên nghiệp của Netflix.

Các gã khổng lồ công nghệ khác cũng có thể học hỏi từ Netflix. So với các công ty khác trong nhóm FAANG, Netflix rất đặc biệt theo nhiều cách. Không giống Facebook và Google, Netflix tránh xa mảng tin tức và gần như chỉ trung thành với mảng giải trí.

Nhờ đó, đã giúp bảo vệ Netflix khỏi các vụ bê bối về tin vịt, thao túng các vụ bầu cử và không bị dính vào giới chính trị. Và cũng không giống Facebook và Google, vốn sống nhờ vào quảng cáo, mô hình kinh doanh dựa trên lượng người thuê bao của Netflix có nghĩa là Công ty không phụ thuộc vào việc bán dữ liệu người sử dụng, cũng không cần quan tâm đến thái độ của người bên ngoài. Thay vào dó, Netflix mang đến cho khách hàng một cuộc trao đổi nho nhỏ: một khoản phí hằng tháng đổi lấy các chương trình truyền hình mà họ muốn xem.

Không giống các công ty khác trong nhóm FAANG, vốn là các công ty toàn cầu nhưng thực chất vẫn là công ty Mỹ, Netflix lại mang tính toàn cầu thực sự: Netflix tạo ra các chương trình truyền hình tại 21 quốc gia, lồng tiếng và làm phụ đề theo nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các hãng công nghệ khác chắc chắn sẽ không từ bỏ mô hình kinh doanh của mình bởi họ vẫn làm ăn rất tốt. Nhưng họ vẫn có thể học hỏi từ Netflix: học cách sử dụng dữ liệu một cách tốt hơn, rõ hơn về các điều khoản giao dịch với khách hàng và học cách tôn trọng hơn các thị trường nội địa.

Những đặc tính này phần nào giúp giải thích tại sao Netflix không hứng chịu sự bất mãn của công chúng và các cơ quan quản lý như các gã khổng lồ công nghệ khác thường gặp phải. Dù không bị bất mãn, nhưng cũng không đảm bảo rằng về sau ai nấy cũng sẽ vui vẻ với Netflix.

Mối nguy hiểm ngắn hạn là vấn đề tài chính. Các mức định giá khủng được bơm phồng là chuyện thường thấy trong thời điểm hiện tại, nhưng câu chuyện của Netflix vẫn thu hút sự chú ý. Để biện minh cho mức định giá hiện tại khủng của mình, lợi nhuận hoạt động gộp của Netflix trong khoảng thời gian 10 năm sẽ tương đương với 50% tổng lợi nhuận được tạo ra bởi các công ty giải trí Mỹ trong năm nay.

Vẫn có nhiều lý do để nghi ngờ về triển vọng của Netflix. Công ty này hiện nợ tới 8,5 tỉ USD. Reed Hastings, Tổng Giám đốc Netflix, cho biết Netflix sẽ tiếp tục vay hàng tỉ USD “trong nhiều năm”; dòng tiền tự do của Công ty dự kiến sẽ vẫn âm trong một khoảng thời gian nữa.

Chiến lược này sẽ có phát huy tác dụng nếu Netflix có thể nâng giá dịch vụ trong khi tiếp tục gia tăng được số lượng thuê bao - 26 triệu người trong 12 tháng tính đến ngày 31.3.2018. Nhưng cạnh tranh đang trở nên ngày càng khốc liệt. Và tại những quốc gia mà không có sự bảo vệ của nguyên tắc “tính trung lập internet”, những người chủ sở hữu cơ sở hạ tầng không dây hoặc băng thông rộng mà đồng thời cũng kiểm soát cả các nhà sản xuất nội dung thì có thể sử dụng quyền lực phân phối của họ để thiên vị cho chính “gà” của nhà mình.

Mặt khác, sự bất mãn đối với các gã khổng lồ công nghệ một phần xuất phát từ nỗi lo sợ rằng những nền tảng số trở nên quá tập trung sẽ bóp nghẹt cạnh tranh. Một số còn nghi ngờ Netflix có tham vọng độc chiếm mảng truyền hình, từ đó khiến cho người sử dụng có ít sự lựa chọn hơn.

Về lâu về dài, nếu có những động thái chứng thực cho mối nghi ngờ này, khó tránh Netflix sẽ bị các cơ quan quản lý chú ý. Vì thế, một bài học quan trọng cho Netflix cũng như tất cả các hãng công nghệ khác là để người tiêu dùng, các nhà chức trách và giới chính trị đều vui vẻ trong dài hạn, không gì có thể thay thế cho cạnh tranh.

Xem thêm

Văn Quốc