Hết năm 2016 chỉ còn 9 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ
Bộ Tài chính mới đây có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 113/2015/QH13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn.
Kết quả cho hay, Bộ Tài chính đã triển khai các giải pháp tái cơ cấu thị trường chứng khoán (TTCK) theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào: (i) tái cơ cấu cơ sở hàng hóa (ii) tái cơ cấu cơ sở nhà đầu tư (iii) tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán và (iv) tái cấu trúc hệ thống tổ chức TTCK.
Một số kết quả bước đầu được ghi nhận như sau:
Về tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết đã sắp xếp lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro.
Tính đến cuối năm 2016, số lượng công ty chứng khoán đã giảm 25%, xuống còn 79 công ty chứng khoán và 47 công ty quản lý quỹ hoạt động bình thường.
Về tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của thị trường chứng khoán được hiện đại hóa, tăng khả năng kết nối, đảm bảo chức năng giao dịch, lưu ký, thanh toán chuyển giao chứng khoán an toàn, từng bước phát triển mô hình theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước triển khai đề án chuyển chức năng thanh toán tiền trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước; đang triển khai xây dựng mô hình thanh toán theo cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP) và triển khai hệ thống vay và cho vay chứng khoán (SBL) phục vụ cho việc thanh toán, bù trừ các sản phẩm phái sinh.
Về cơ sở nhà đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đến cuối năm 2016 đạt 1,7 triệu tài khoản, tăng 44% so với năm 2011; nhà đầu tư có tổ chức tăng 85% lần, nhà đầu tư nước ngoài tăng 32%.
Sau quá trình thực hiện tái cấu trúc, trên thị trường hiện có 31 quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó có 19 quỹ mở, 8 quỹ thành viên, 2 quỹ ETF, 1 quỹ đóng và 1 quỹ đầu tư bất động sản.
Về cơ sở hàng hóa, để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, Bộ Tài chính đã hoàn thiện các quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, công bố thông tin, quản trị công ty; chuẩn bị các bước để đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động trong năm 2017; nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới.
Thúc đẩy cải cách doanh nghiệp Nhà nước thông qua thoái vốn, cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK nhằm tăng quy mô hàng hóa có chất lượng cho thị trường.
Mặc dù chịu ảnh hưởng, tác động của kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, năm 2016 các bộ phận của thị trường tài chính vẫn có sự tăng trưởng so với năm 2015. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK tăng 54%, quy mô vốn hóa TTCK tăng 36%.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đến 31/12/2016 đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, tương đương 43% GDP 2016. Thanh khoản thị trường trong năm 2016 tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân đạt 6.895 tỷ đồng/phiên (tăng 40% so với bình quân năm 2015).