|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Heo chính ngạch Thái Lan vừa được nhập, Bộ NN&PTNT gấp rút ngăn chặn heo lậu từ Lào, Campuchia

15:05 | 14/06/2020
Chia sẻ
Đã xuất hiện tình trạng buôn bán, vận chuyển heo trái phép qua biên giới giữa Việt Nam và các nước làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm.

Ngày 13/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có công văn hỏa tốc gửi Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường kiểm soát vận chuyển heo, sản phẩm từ heo qua biên giới.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn thú y, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép heo qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng… từ các nước vào Việt Nam.

Để khẩn trương chấm dứt tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, đôn đốc Ban chỉ đạo 389 các tỉnh biên giới trong việc ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép heo, sản phẩm heo ra, vào Việt Nam; đặc biệt là qua biên giới với Lào, Campuchia.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia thành lập các đoàn công tác đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép heo, sản phẩm từ heo ra, vào Việt Nam.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển heo, sản phẩm heo không đảm bảo an toàn làm lây lan dịch bệnh

Bảo đảm sớm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là heo, sản phẩm heo ra, vào Việt Nam tại các đường mòn, lối mở... với các nước Lào, Campuchia.

Trường hợp bắt được các lô hàng heo, sản phẩm từ heo vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo qui định.

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng quản thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Trước đó, Bộ NN&PTNT vừa đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y ban hành văn bản hướng dẫn kĩ thuật cụ thể việc kiểm dịch nhập khẩu heo sống vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm theo các qui định hiện hành, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn heo.

Cục trưởng Cục Thú y chịu trách nhiệm tăng cường lực lượng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên ngành tại cửa khẩu và chính quyền địa phương, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu heo sống vào Việt Nam; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong việc nhập khẩu heo sống vào Việt Nam.

Như Huỳnh