HDBank và ABBank phát hành thành công 1.800 tỉ đồng trái phiếu
Ảnh minh họa (Nguồn: HDBank)
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank – Mã: HDB) vừa công bố kết quả phát hành riêng lẻ trái phiếu đợt 1 và đợt 2 lần 3/2019 với tổng mệnh giá phát hành đạt 1.600 tỉ đồng.
Cụ thể, trong đợt 1, HDBank phát hành 600 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 2 năm, lãi suất cố định 6,7%/năm. Trong đợt 2, ngân hàng phát hành 1.000 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm, lãi suất cố định 6,4%/năm.
Đây đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng, không kèm chứng quyền và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Được biết, lượng trái phiếu này nằm trong phương án phát hành trái phiếu lần 3 năm 2019 của HDBank với tổng mệnh giá phát hành tối đa là 3.000 tỉ đồng. Trước đó, HDBank đã phát phát hành thành công 7.000 tỉ đồng trái phiếu trong lần 1 và lần 2.
Cùng với HDBank, ABBank cũng vừa thông báo phát hành thành công 200 tỉ đồng trái phiếu kì hạn 3 năm với lãi suất cố định 6,5%/năm.
Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu.
Mới nhất, VietinBank thông báo sẽ phát hành 5.000 tỉ đồng trái phiếu 7 năm và 10 năm vào quí III và quí IV/2019. Trong khi, HĐQT VPBank cũng đã thông qua phương án phát hành tối đa 1,12 tỉ USD trái phiếu quốc tế kì hạn từ 3 đến 5 năm (trong đó, đã phát hành thành công 300 triệu USD).
Tương tự, TPBank cũng lên kế hoạch phát hành 200 triệu trái phiếu quốc tế kì hạn từ 3 đến 5 năm.
Trong tháng 6, ACB thông báo phát hành thành công 4.500 tỉ đồng trái phiếu; BIDV thu về 200 tỉ đồng từ đợt phát hành trái phiếu kì hạn 7 năm và 10 năm.
Báo cáo thị trường của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho thấy ngân hàng là ngành dẫn đầu về lượng trái phiếu phát hành trong 7 tháng đầu năm 2019. Theo đó, 8 trong số 11 doanh nghiệp đứng đầu về lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là các ngân hàng gồm VPBank, ACB, VIB, LienVietPostBank...
Theo các chuyên gia, xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng xuất phát từ nhu cầu tăng vốn trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong năm 2019, khi thời điểm áp dụng Basel II đến gần. Trong khi đó, bất chấp nhiều nỗ lực, vốn tự có của các ngân hàng gần như không có sự thay đổi đáng kể thời gian qua.