Hậu Thông tư 115: UPCoM đón hàng khủng
Nhiều đại gia lên sàn
Cuối tuần vừa qua, hơn 80,9 triệu CP của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với mã VSN. Ngay trong phiên chào sàn, VSN tăng hơn 25% trước lực cầu mạnh từ phía NĐT với kỳ vọng sở hữu được CP của một trong những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của khu vực miền Nam nói riêng và của cả nước nói chung.
Trong 2 năm 2014-2015, doanh thu thuần của VSN đạt 4.013 tỷ và 3.721 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 110 tỷ và 116 tỷ đồng. Dự kiến thời gian tới, Vissan sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh đầu tư trên mọi lĩnh vực, nâng cao năng lực sản xuất và đồng bộ hóa trang thiết bị nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn sau cổ phần hóa.
Tại hội nghị thường niên các NĐT năm 2016 được tổ chức ngày 13-10 vừa qua, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam là VinaCapital cho biết sẽ thành lập quỹ VinaCapital Special Access Fund (VSAF), chuyên đầu tư vào các công ty tại thị trường UPCoM, một thị trường tiềm năng với số lượng các công ty đăng ký giao dịch tăng mạnh từ 150 năm 2014 lên 350 vào tháng 9-2016. |
Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 20-10, hơn 141 triệu CP của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (HAN) cũng chào sàn UPCoM với giá tham chiếu 12.500 đồng/CP. HAN là một trong những tổng công ty xây dựng hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực xây lắp các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật.
Tổng công ty đã triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng của quốc gia như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhà làm việc của Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Năm 2015, doanh thu thuần của HAN đạt 3.846 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 112,4 tỷ đồng.
Một trong những doanh nghiệp được NĐT kỳ vọng là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) sẽ góp mặt trên sàn UPCoM trong tuần này.
Cụ thể, phiên giao dịch 28-10, Habeco sẽ chính thức đưa vào giao dịch 231,8 triệu CP với mã giao dịch BHN, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 39.000 đồng/CP. Habeco tiền thân là Nhà máy bia Hommel, được người Pháp xây dựng đầu năm 1980. Năm 2008, Habeco được cổ phần hóa với vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng, tương ứng 231,8 triệu cổ phần. Habeco hiện có 17 công ty con và 9 công ty liên kết với khoảng 5.000 cán bộ công nhân viên.
Habeco có cơ cấu cổ đông khá cô đặc với tổng cộng 623 cổ đông, trong đó 2 cổ đông lớn sở hữu 98,87% cổ phần gồm Bộ Công Thương (81,79%) và Carlsberg (17,08%). Dù IPO từ khá sớm (năm 2008) nhưng phải đến thời điểm hiện nay, tổng công ty này mới chính thức giao dịch trên TTCK sau hàng loạt chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Niêm yết ngay sau khi IPO
Một trong những chỉ đạo mới nhất là Thông tư 115/2016/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 196/2011/TT-BTC ngày 26-12-2011 của Bộ Tài chính về hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành CTCP chính thức có hiệu lực. Điểm đáng lưu ý nhất tại thông tư sửa đổi là quy định gắn hoạt động đấu giá tại các sở giao dịch CK, đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DNNN sau cổ phần hóa.
Điều này có nghĩa là chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, NĐT mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Đây là thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng tạo ra hiệu ứng đột phá nhất từ trước đến nay đối với vấn đề cổ phần hóa DNNN.
Nếu như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg đã tạo được bước tiến lớn khi bắt buộc các DNNN đưa CP sau đấu giá vào giao dịch tập trung trên UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Thông tư 115/2016/TT-BTC đã tiến thêm một bước dài khi quy định đăng ký đấu giá đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần trên UPCoM, nghĩa là cơ chế tự động đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Theo Hải Hồ