|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hậu Giang cần hơn 113.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp và logistics giai đoạn 2021 – 2025

05:48 | 14/04/2021
Chia sẻ
Tổng kinh phí thực hiện thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 – 2025 là hơn 113.062 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa ký Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp và logistics tỉnh Hậu Giang 5 năm 2021 – 2025.

Theo đó, Hậu Giang đưa ra các mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng (GRDP) lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 12,28%/năm. Cơ cấu kinh tế của ngành công nghiệp tăng từ 20,24% năm 2020 lên 25,29% năm 2025.

Hậu Giang cần hơn 113.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp và logistics giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 1.

Thị xã Ngã Bảy nhìn từ trên cao. (Ảnh: Lý Anh Lam)

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 12,95%/năm, quy mô ngành công nghiệp đạt 77.626 tỷ đồng vào năm 2025.

Cơ cấu lao động trong khu vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 15,93% trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh. Năng suất lao động khu vực công nghiệp đến năm 2025 là 209 triệu đồng/lao động/năm, tăng bình quân 10,1%/năm.

Đặc biệt, Hậu Giang sẽ hình thành ba trung tâm logistics lớn là Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang.

Song song đó, Hậu Giang sẽ tiến hành gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp Kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, Hậu Giang cho biết, tổng kinh phí thực hiện 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 113.062 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 14.678 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương khoảng 4.378 tỷ đồng và vốn tư nhân khoảng 94.005 tỷ đồng.

Hậu Giang cần hơn 113.000 tỷ đồng để phát triển công nghiệp và logistics giai đoạn 2021 – 2025 - Ảnh 2.

Kênh xáng Xà No đoạn qua Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Lý Anh Lam).

UBND tỉnh này cũng cho biết, trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho khu, cụm công nghiệp; gắn kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu, cụm công nghiệp.

Cụ thể, Hậu Giang sẽ hoàn thành hồ sơ bổ sung khu công nghiệp mới, cụm công nghiệp mới để làm cơ sở thành lập mới 5 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp, mở rộng hai cụm công nghiệp.

Song song đó, Hậu Giang tiến hành xây dựng phương án phát triển huyện Châu Thành đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện công nghiệp của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo, các dự án trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh này cho biết sẽ từng bước đầu tư hoàn thiện các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đường bộ có tính kết nối cao, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Thực hiện hoàn thành 100% kế hoạch phân bổ vốn đến năm 2025 cho các tuyến đường giao thông thủy, bộ như mở rộng quốc lộ 61C (Đường nối thành phố Vị Thanh - thành phố Cần Thơ); đường tỉnh 931 (đoạn từ Vĩnh Viễn đến Xẻo Vẹt); đường tỉnh 931 (đoạn từ Vĩnh Viễn đến quốc lộ 61C); đường tỉnh 926B tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng; kết nối giao thông đường thủy, đường bộ 925B và kênh Nàng Mau.

Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy quan trọng như Kênh Lái Hiếu, Nàng Mau, Cái Côn, Xà No và Quản lộ Phụng Hiệp.

Khải An