Chuyên gia cảnh báo nhà máy thép ở Hậu Giang có thể tác động xấu cho môi trường
Cảnh báo nêu trên được ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, một chuyên gia về môi trường đưa ra khi trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến dự án nêu trên vào hôm nay, 23-12.
Thông tin được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 17-12 vừa qua, lãnh đạo địa phương này đã có buổi làm việc về tình hình triển khai dự án nhà máy luyện, cán thép Sunpro.
Theo đó, dự án do Công ty TNHH MTV Sunpro Steel làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1.550 tỉ đồng, công suất thiết kế luyện thép của nhà máy là 500.000 tấn/năm. Dự án có quy mô diện tích khoảng 17,5 héc ta tại cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, dự án nêu trên đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); chủ đầu tư đã nộp hồ sơ thiết kế cơ sở về Sở Công Thương của địa phương này để thẩm định.
Liên quan đến dự án nêu trên, trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 23-12, ông Tuấn nhấn mạnh, dự án sẽ tạo ra rủi ro rất lớn cho ĐBSCL. Bởi, dự án Formosa Hà Tĩnh (dự án nhà máy thép) nằm cạnh biển - nơi có sự trao đổi nước tốt - nhưng khi xảy ra sự cố môi trường đã có tác động rất lớn.
“Trong khi đó, dự án luyện, cán thép của Sunpro nằm ở Hậu Giang- tức ở vị trí trung tâm của ĐBSCL, nơi có sự trao đổi nước rất kém- nên một khi lỡ có sự cố xảy ra, thì tác hại của nó là khó lường”, ông nhấn mạnh và cho rằng việc nước không dịch chuyển sẽ khiến tất cả các loại vật chất sau khi bị rò rỉ ra môi trường sẽ bị lưu giữ, không đẩy ra biển được nên rất nguy hiểm.
Theo ông Tuấn, dự án của Sunpro, nếu để xảy ra sự cố môi trường tương tự như Formosa Hà Tĩnh, nó sẽ hủy diệt toàn bộ hệ sinh thái trong khu vực, nhất là trong bối cảnh nhà máy luyện thép là loại dự án sử dụng một lượng nước rất lớn, trong khi nguồn nước ngọt ở ĐBSCL đang ngày càng ít dần.
Khi xét về khía cạnh kinh tế, theo ông Tuấn, nguồn thép của Việt Nam đang dư thừa, không bán được, thậm chí thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị quốc gia này đánh thuế lên đến 456%, thì liệu đầu tư thêm dự án thép có mang lại hiệu quả kinh tế hay không?
“Nhiều nhà máy thép như nhà máy gang thép Thái Nguyên đã bỏ ra hơn 8.000 tỉ đồng, nhưng hiện đã thành đống sắt vụn, trong khi ĐBSCL không phải là nơi để làm nhà máy luyện thép như vậy vì nhu cầu hiện nay không nhiều”, ông cho biết thêm.
Không những thế, ông Tuấn cho biết, việc đầu tư vào dự án nhà máy luyện thép sẽ dẫn đến nguy cơ bất ổn về mặt năng lượng do loại hình nhà máy này sử dụng năng lượng rất nhiều. Điều này, sẽ dẫn đến nguy cơ phải đầu tư thêm các dự án nhà máy điện than để cung cấp, khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng.
Đặc biệt, theo ông Tuấn, từ chỗ mất an ninh về môi trường, an ninh về nguồn nước nó sẽ dẫn đến mất an ninh về mặt xã hội vì người dân không trồng trọt, chăn nuôi hay phát triển nuôi thủy sản được do hệ sinh thái sẽ bị hủy diệt.
Theo ông Tuấn, việc cần làm nhất hiện nay đối với dự án nhà máy luyện, cán thép Sunpro là phải công bố công khai bảng ĐTM cho dư luận biết. “Tôi không biết hội đồng đánh giá ĐTM cho dự án này là ai, nhưng với dự án này cần phải công khai, minh bạch ĐTM trước công luận”, ông cho biết.