Hậu dịch, nhà đầu tư vẫn chờ 'cởi trói' cho condotel
Hàng tỷ USD đổ vào condotel
Sau thời kỳ hoàng kim, thị trường condotel chứng kiến giai đoạn chững lại, nguyên nhân chính nằm ở những điểm nghẽn liên quan đến hành lang pháp lý, quá trình đầu tư xây dựng, vận hành. Một phần cũng do cú sốc dừng cam kết lợi nhuận tại Cocobay Đà Nẵng và một số dự án khác.
Từ năm 2020 đến nay, do chịu thêm "cú đấm bồi" của đại dịch COVID-19, thị trường này gần như rơi vào trạng thái đóng băng.
Trước những thách thức đặt ra cho loại hình bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng - phân khúc được đánh giá có nhiều tiềm năng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa phối hợp với Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Tại Hội thảo, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam thừa nhận, lĩnh vực bất động sản du lịch đang gặp rất nhiều vấn đề.
Chia sẻ từ các chuyên gia nước ngoài đã cho thấy, quốc gia họ có diện tích nhỏ nhưng thu hút được rất nhiều khách du lịch, trong khi Việt Nam có diện tích lớn nhưng thu hút chỉ được khoảng 18 triệu khách du lịch mỗi năm.
"Cách đây hai năm, chúng tôi có tham gia vào việc góp ý sửa đổi chính sách đối với condotel. Tuy nhiên, Việt Nam không dùng từ tiếng Anh nên gọi nó là sản phẩm của dịch vụ lưu trú. Tháng 4/2019, chúng tôi có gửi văn bản lên Thủ tướng nhưng vấn đề về định danh cho sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, cuộc sống vẫn đang diễn ra, hàng tỷ USD vẫn được đổ về thị trường condotel nhưng hành lang pháp lý vẫn chưa rõ ràng", vị này nói.
Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản du lịch đang là tiền tấn, tiền tỷ nhưng thu lại chỉ tiền hào. Chỗ nào nhanh nhất cũng phải 10 - 20 năm mới thu hồi lại vốn nên lãi thu của du lịch đang rất thấp.
"Vì vậy, cần phải có những chính sách giảm chi phí đầu vào, chính sách thuế,... mới thu hút nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Ngoài ra, cần xác định về quyền sở hữu của bất động sản du lịch để có sự rõ ràng cho nhà đầu tư khi có quan tâm", bà Bình nhận định.
Chần chừ sửa luật sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội
Cũng tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, để thị trường bất động sản du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng thì cần có pháp lý, tài chính vững mạnh.
"Chúng ta đã nỗ lực hoàn thiện cơ sở pháp lý và phát triển bất động sản rất nhanh. Cơ sở pháp lý là các nhà quản lý tạo ra để có thể quản lý, tuy nhiên, mỗi Bộ lại có luật khác nhau dẫn đến một số mâu thuẫn.
Nếu hậu COVID-19 vẫn không thể cải thiện các vấn đề pháp lý như về các luật chi phối thị trường bất động sản du lịch, về chứng khoán, vốn,… để mọi thứ trôi chảy thì chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội để phát triển", ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sửa đổi Luật, vẫn đang chậm trễ về thủ tục tháo gỡ. Để phục hồi lại kinh tế thì việc phục hồi bất động sản du lịch là chiến lược quan trọng. Do đó, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho loại hình bất động sản du lịch, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.
Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản cho biết, hiện nay, bất động sản du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, quy định của pháp luật Đất đai hay pháp luật Kinh doanh bất động sản hiện hành không có các khái niệm riêng cho loại hình bất động sản du lịch, trong đó có condotel, resort villa,… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
Ông Khởi cho rằng, chỉ có pháp luật về du lịch mới có khái niệm riêng, gọi là cơ sở lưu trú du lịch và phân định thành các loại hình như khách sạn, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch,… Đối chiếu chức năng của loại hình bất động sản mới như condotel, resort villa,… với pháp luật về du lịch thì đây là một trong những loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý sử dụng theo quy định của pháp luật về du lịch.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành không dùng các khái niệm tiếng Anh như đã nêu trên để điều chỉnh.
"Do đó, dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, phát sinh những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, mua bán loại hình bất động sản này. Cũng có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không phải là đơn vị ở", vị này nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, hiện có 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng, kinh doanh và quản lý sử dụng bất động sản du lịch.
Thứ nhất là về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu bất động sản du lịch, nhất là các loại hình mới như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Thứ hai là về hoạt động kinh doanh mua bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản du lịch. Vấn đề thứ ba liên quan đến quản lý, sử dụng vận hành các loại hình này và vấn đề cuối cùng liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đầu tư xây dựng,...