|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thị trường condotel Đà Nẵng vẫn ‘ngủ đông'

07:58 | 17/11/2021
Chia sẻ
Sau ba năm phát triển nóng (2016-2018), từ 2019 đến nay thị trường condotel Đà Nẵng “ngủ đông". Theo các chuyên gia, việc Đà Nẵng mở cửa đón khách du lịch trở lại, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội,… sẽ giúp thị trường BĐS sôi động trở lại, trong đó có condotel.
Thị trường condotel Đà Nẵng ‘ngủ đông' quá lâu, sắp thức giấc? - Ảnh 1.

Các dự án BĐS ven biển Đà Nẵng. (Ảnh: Chu Lai).

Đà Nẵng là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Thành phố thu hút đông du khách nhờ vào việc sở các bãi tắm biển đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng như Cầu Vàng, Bà Nà Hills,...

Du lịch Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ cùng với việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông ở ven biển là điều kiện cho BĐS nghỉ dưỡng nơi đây phát triển, trong đó có loại hình condotel.

Theo Colliers, nguồn cung condotel ở Đà Nẵng tập trung tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Hải Châu. Tính đến quý IV/2020, quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà chiếm đến 92% nguồn cung, còn lại là quận Hải Châu.

Một số dự án condotel tiêu biểu ở Đà Nẵng, gồm: Alphanam Luxury có 234 căn; Vinpearl Riverfront có 736 căn; Wyndham Soleil có 706 căn; Ariyana Condotel Furama có 1.320 căn; Hòa Bình Green Danang có 1.536 căn; Cocobay có 1.591 căn,...

Theo Colliers, giá bán trung bình căn hộ condotel từ gần 1.300 USD đến hơn 2.900 USD/m2; chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 5 - 12%.

Thị trường condotel Đà Nẵng ‘ngủ đông' quá lâu, sắp thức giấc? - Ảnh 2.

Một số dự án condotel ở Đà Nẵng và cam kết lợi nhuận. (Nguồn: Colliers).

Thị trường condotel Đà Nẵng ‘ngủ đông' quá lâu, sắp thức giấc? - Ảnh 3.

Nguồn cung và tiêu thụ condotel ở Đà Nẵng qua các năm. (Nguồn: DKRA Vietnam).

Báo cáo của DKRA Vietnam cho biết, giai đoạn 2016 - 2018, condotel ở Đà Nẵng phát triển mạnh nhất với 9.890 sản phẩm được đưa ra thị trường, trong đó có 4.428 sản phẩm được tiêu thụ. Tuy nhiên bước sang năm 2019, cả thị trường Đà Nẵng không có thêm nguồn cung và sản phẩm nào được tiêu thụ; còn năm 2020 thị trường có 172 sản phẩm, tiêu thụ được 151 sản phẩm.

Tại một hội thảo trực tuyến được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, DKRA Vietnam cho biết, 9 tháng 2021, Đà Nẵng không ghi nhận nguồn cung condotel mới mở bán.

"Thị trường condotel tại Đà Nẵng có thể nói là hiện vẫn đang ngủ đông kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Trước đó, vào năm 2019, thị trường condotel tại Đà Nẵng chịu một cú sốc do một số dự án tên tuổi vỡ cam kết lợi nhuận với nhà đầu tư", Giám đốc Bộ phận R&D, DKRA Vietnam nhận định.

Bà Thùy Linh, môi giới BĐS Đà Nẵng chia sẻ: Năm 2016 - 2018 là giai đoạn thị trường BĐS Đà Nẵng "sốt" với loại hình căn hộ condotel.

"Tôi vẫn nhớ thời điểm đó có hàng trăm khách hàng mỗi tháng luôn hỏi tôi về sản phẩm căn hộ condotel có tầm nhìn ra biển Mỹ Khê, Non Nước để mua. Mức cam kết lợi nhuận chủ đầu tư đưa ra càng cao cũng là tiêu chí cho họ lựa chọn để mua ngay. Người mua căn hộ chủ yếu là TP Hà Nội, TP HCM và cả Việt kiều ở nước ngoài", bà Thùy Linh nói và cho biết thêm đã bán được 14 căn condotel trong ba năm 2016, 2017 và 2018.

Cũng theo môi giới này, thị trường condotel Đà Nẵng lùm xùm và xuống dốc không phanh năm 2019 khi xuất hiện cú sốc chủ một dự án condotel ở quận Ngũ Hành Sơn phá vỡ cam kết lợi nhuận với khách hàng. Các dự án doanh nghiệp khác đầu tư bán sau đó cũng vạ lây, khó tiêu thụ.

"Căn hộ condotel có lúc bán đắt như tôm tươi, còn có lúc tìm mọi cách rao bán cũng không có người quan tâm vì lùm xùm xảy ra, niềm tin không còn. Từ năm 2019 đến nay, tôi và nhiều đồng nghiệp đã không bán căn hộ condotel, chỉ bán đất nền", bà Thùy Linh nói.

Cần làm gì để thị trường "thức giấc"?

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D, DKRA Vietnam, sau gần hai năm khá trầm lắng, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ trỗi dậy trở lại theo đúng tiềm năng.

Vị này cho rằng, để có những bước phá tan sự trầm lắng, trước tiên Nhà nước và riêng TP Đà Nẵng cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động du lịch vốn là lợi thế có sẵn và cũng là phần đóng góp quan trọng kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội,...

Thành phố cũng cần giải quyết các cơ chế chính sách liên quan đến nhà ở và BĐS, các dự án còn đang vướng mắc. Qua đó, tạo thuận lợi để những dự án lớn của những chủ đầu tư lớn nhanh chóng triển khai.

"Với những tiềm năng sẵn có, những cơ sở nền tảng đã hoạch định, những đột phá thay đổi sẽ làm cho thị trường BĐS Đà Nẵng sớm sôi động và phát triển trong một giai đoạn mới", ông Hoàng nhận định.

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng Giám đốc khối Sun Property Group (Tập đoàn Sun Group) cũng có nhận định giống ông Hoàng. Theo vị này, BĐS Đà Nẵng sẽ sớm trỗi dậy nhờ hai lực đẩy quan trọng, đó là du lịch và chất lượng cuộc sống.

"Sun Group nhận thấy BĐS Đà Nẵng vẫn gắn liền với phân khúc liên quan đến du lịch, thành phố cần chính sách mở cửa du lịch nhằm làm tiền đề phá băng BĐS nơi đây, đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng", bà Linh nêu ý kiến.

Tổng Giám đốc khối Sun Property Group còn kiến nghị Luật Đất đai bổ sung thông tin quy định cá nhân người nước ngoài có thể sở hữu, sử dụng đất đai. Đơn cử, Luật Nhà ở cho người nước ngoài được mua và sở hữu các BĐS trong thời hạn 50 năm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có chính sách gỡ rối cho loại hình condotel.

Đà Nẵng không còn cấp phép loại hình condotel

Trong một báo cáo hồi tháng 8 của UBND TP Đà Nẵng cho biết, việc triển khai các giải pháp quản lý và kiểm soát loại hình condotel trên địa bàn thành phố hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13. Bộ Xây dựng chưa ban hành các văn bản liên quan hướng dẫn việc quản lý condotel. Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cũng không còn cấp phép loại hình này.

Chu Lai