Hanjin nhận hai gói cứu trợ liên tiếp
|
Theo thông tin từ Bloomberg, Ngân hàng phát triển Hàn Quốc, chủ nợ chính của công ty vận tải Hanjin (HJS) vừa đồng ý cấp thêm 50 tỉ won (45 triệu USD) để tránh làm gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi sự sụp đổ của hãng vận tải lớn nhất nước.
Tuy nhiên, ngân hàng quốc doanh này sẽ gia hạn khoản vay chỉ khi các khoản cứu trợ cam kết từ Korean Air Lines (cổ đông lớn nhất của Hanjin), từ Chủ tịch Ho Cho Yang và một cựu Chủ tịch khác không đủ để giúp dỡ hàng từ tàu mắc kẹt, KDB cho biết trong một e-mail vào hôm thứ năm. Các khoản thu của Hanjin sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay.
Cổ phiếu của hãng vận tải Hanjin tăng 30% hôm thứ năm, hồi phục từ mức thấp kỷ lục, sau cam kết cho vay 60 tỉ won của Korean Air. Mặc dù Chính phủ ước tính công ty cần ít nhất 600 tỉ won để trang trải chi phí chưa thanh toán như nhiên liệu và xử lý hàng hóa. Cam kết giúp đỡ của các quỹ mới chỉ có thể giúp Hanjin tạm thời đối phó với cuộc khủng hoảng.
"Đây là nguồn kinh phí tạm thời để bốc dỡ hàng hóa" Rahul Kapoor, Giám đốc Công ty Nghiên cứu tài chính Drewry tại Singapore cho biết. "Nếu các tàu không được bốc dỡ, chi phí cho Hanjin sẽ ngày càng lớn. Tình trạng này càng kéo dài sẽ càng hỗn độn".
Korean Air sẽ cung cấp khoản vay cho Hanjin bắt đầu từ thứ sáu này đến 23/3 năm sau, hãng này nói trong hồ sơ pháp lý vào thứ năm vừa qua. Ngoài ra, thông tin trước đó cho biết, bà Cho, chủ tịch của Hanjin cung cấp 40 tỉ won. Cựu chủ tịch của Hanjin Shipping cũng đã cam kết hỗ trợ 10 tỉ won.
Cổ phiếu Korean Air tăng 5,4% lên mức 33.950 won tại Seoul, mức cao nhất trong ba tuần khủng hoảng. Cổ phiếu Hanjin ở mức 1.160 won.
Rắc rối của Hanjin đã khuấy động hệ thống cung ứng hàng hóa toàn cầu của các công ty như Samsung, Nike và Hugo Boss. Sự sụp đổ đã gây ra "tình trạng gián đoạn trong việc vận chuyển hàng hóa trên toàn thế giới", nhóm thương mại Mỹ cho biết trong một bức thư gửi thứ ba vừa rồi nhằm đôn đốc Bộ Thương mại Mỹ làm việc với Chính phủ Hàn Quốc để chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Tòa án giám sát các tài sản của Hanjin cho biết trong tuần này, tình trạng bốc dỡ các container hàng hóa kéo dài quá lâu và sự chậm trễ có thể khiến công ty phá sản thực sự. Công ty này yêu cầu bảo vệ từ tòa án hồi tháng trước sau khi các chủ nợ ngừng cung cấp hỗ trợ.
Bloomberg đưa tin, Hanjin cần kết thúc tình trạng hiện nay thật nhanh. Nếu hãng không trả gấp các tàu thuê, các khoản nợ sẽ thêm chồng chất, theo như một phát ngôn của tòa án hôm thứ Tư vừa qua.
Sau khi nộp đơn phá sản, Hanjin đã tụt hạng trong danh sách các hãng tàu lớn nhất thế giới. Với thị phần chỉ còn 2,6% cập nhật ngày 21/9, Hanjin đã tụt từ vị trí thứ 7 xuống thứ 10, theo thông tin của nhà cung cấp dữ liệu giao hàng Alphaliner.
Tuệ Minh
Theo Bloomberg