|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trang của doanh nhân Vũ Văn Tiền khi nhảy vào mảng ô tô điện

12:50 | 04/11/2023
Chia sẻ
Hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Văn Tiền gồm bất động sản, sản xuất công nghiệp, ngân hàng - chứng khoán, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

Những ngày gần đây, câu chuyện doanh nhân Vũ Văn Tiền bắt tay với đối tác Trung Quốc xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô trên quê nhà Thái Bình được quan tâm. Theo truyền thông đưa tin, Tập đoàn Geleximco và công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc) sẽ đầu tư xây dựng nhà máy lắp ráp, sản xuất ô tô tại Khu công nghiệp Hưng Phú, Thái Bình.

Dự án có tổng vốn đầu tư cho cả ba giai đoạn chưa bao gồm đầu tư khu công nghiệp phụ trợ, ước tính khoảng 800 triệu USD (khoảng 19.700 tỷ đồng) và công suất thiết kế 200.000 xe/năm. 

Quyết định liên doanh với nhà sản xuất xe hơi nước ngoài để lắp ráp, sản xuất ô tô này có khả năng sẽ gia tăng vị thế mảnh ghép sản xuất công nghiệp trong hệ sinh thái của doanh nhân Vũ Văn Tiền gồm bất động sản, sản xuất công nghiệp, ngân hàng - chứng khoán, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959, có biệt danh là Tiền "còi", quê huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông Tiền, tốt nghiệp Kỹ sư Học viện Kỹ thuật Quân sự, Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế Quốc dân và làm việc tại công ty phân đạm sau khi tốt nghiệp.

 Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Ảnh: Geleximco.

Hành trình khởi nghiệp bắt đầu khi ông Tiền sáng lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – GELEXIMCO vào năm 1993. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở VN được phép xuất nhập khẩu trực tiếp, tiền thân của Tập đoàn Geleximco.

Trong hệ sinh thái của ông chủ Vũ Văn Tiền, Geleximco giữ vai trò chủ lực tạo dựng tên tuổi. Với vốn điều lệ ban đầu là ba tỷ đồng, quy mô của tập đoàn tăng vọt sau 30 năm hoạt động.

Cập nhật mới nhất tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Geleximco đạt hơn 41.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 12.960 tỷ đồng, còn lại là nợ phải trả. So găng với tên tuổi lớn trong nước làm ô tô, quy mô tài sản của Geleximco còn khá hạn chế. Cuối năm 2022,Tập đoàn Trường Hải có tổng tài sản 153.086 tỷ đồng (khoảng 6,5 tỷ USD). Khi Vingroup bắt đầu nhảy vào mảng ô tô, tổng tài sản của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là 213.792 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017.

Bên cạnh câu chuyện quy mô, hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn Geleximco khá thấp so với tầm vóc của họ. Geleximco lãi ròng gần 16 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, trong khi lợi nhuận nửa đầu và cả năm 2022 là 337 tỷ đồng và 66 tỷ đồng. Lãi sau thuế cả năm 2021 hơn 488 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, tổng nhân sự của Geleximco hiện hơn 10.000 người. Theo dõi hoạt động cho thấy tập đoàn này đại diện vốn tham gia vào các dự án.

Trước năm 2000, Geleximco cùng với đối tác Nhật bản, Thái Lan, Lào thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (VAP). Nhà máy được xây dựng tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với tổng số vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

Tiếp đó, tập đoàn này triển khai dự án liên doanh sản xuất mỳ ăn liền cùng Vifon - Acecook và nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Geleximco cũng đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy với Nhà máy An Hoà (tỉnh Tuyên Quang) với tổng mức đầu tư gần 450 triệu USD. Bên cạnh đó, Geleximco còn đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức vốn đầu tư dự án 350 triệu USD. Tập đoàn cũng đầu tư Nhà máy nhiệt điện Thăng Long với hai tổ máy có tổng mức đầu tư 900 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, đưa vào vận hành năm 2018.

Ngoài ra, CTCP Giấy An Hòa sở hữu nhà máy giấy và bột giấy quy mô 223 héc ta tại Xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nằm top những doanh nghiệp bột giấy hàng đầu Việt Nam.

 Phối cảnh dự ánKhu du lịch quốc tế Đồi Rồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Nguồn: Geleximco.

Song, nổi bật nhất trong hoạt động kinh doanh của Geleximco là bất động sản với những dự án như khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, An Bình City, Khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Do Son tại Đồ Sơn - Hải Phòng (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng). 

Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng nằm ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng có quy mô 480 héc ta với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ USD (25.000 tỷ đồng) với tổ hợp gồm khu nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, sân golf, khu vui chơi giải trí... 

Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco đã đưa vào hoạt động sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club, Khách sạn Thái Bình Dream, Khách sạn Hạ Long Dream. Ngoài ra, Geleximco tiếp tục đầu tư những dự án sân golf kết hợp biệt thự nghỉ dưỡng ở Lào Cai, Hải Phòng.

Cũng giống như nhiều doanh nhân khác ở Việt Nam, tài chính ngân hàng là mảnh ghép không thể thiếu, giữ vai trò về vốn. Hệ sinh thái của Geleximco có những cái tên như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán An Bình, Tập đoàn Đầu tư Tài chính An Bình.

Ngân hàng An Bình có vốn điều lệ 10.350 tỷ đồng, ông Vũ Văn Tiền giữ chức Phó Chủ tịch sở hữu 0,366% vốn, Geleximco nắm giữ gần 12,8%. Chủ tịch của ABBank là ông Đào Mạnh Kháng, em rể của ông Tiền. Dàn lãnh đạo và cổ đông của ABBank còn có nhiều người nhà của vị doanh nhân quê Thái Bình. Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Ngân hàng An Bình đạt 141.586 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng 86.069 tỷ đồng.

Ở Chứng khoán An Bình, Geleximco đang nắm giữ gần 45,9% vốn, hai cổ đông lớn họ Vũ khác nắm khoảng 18,2% vốn. Chứng khoán An Bình tham gia rót vốn chủ yếu vào các công ty nằm trong hệ sinh thái của cổ đông lớn nhất.

Ngoài những mảng cốt lõi trên, ông Tiền cũng có thú vui với mảng nông nghiệp công nghệ cao. CTCP Nông trường Đông Triều - công ty con Tập đoàn Geleximco đang trồng vải thiều trên diện tích 380 héc ta, còn lại trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày và trồng rừng. Công ty cũng chuyên chăn nuôi lợn giống Móng Cái.

Thùy Trang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.