|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận của Geleximco sụt giảm 88% năm 2022, quy mô tài sản gần 1,2 tỷ USD

11:27 | 18/07/2023
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn Tập đoàn Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền đạt gần 28.000 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm gần 59% với dư nợ trái phiếu hơn 4.100 tỷ đồng.

Tập đoàn Geleximco vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế là 66 tỷ đồng, giảm hơn 88% so với mức 488 tỷ đồng của năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu vì thế giảm từ 4,26% còn 0,57% năm 2022.

Tính đến cuối tháng 12/2022, vốn chủ sở hữu của Geleximco đạt hơn 11.516 tỷ đồng, nhỉnh hơn 66 tỷ so với đầu năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bằng 1,43 lần, tương ứng nợ phải trả hơn 16.468 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại cuối kỳ ở mức 4.146 tỷ, giảm 7% sau một năm.

Cuối năm 2022, tổng tài sản của Geleximco giảm 1.900 tỷ về khoảng 27.984 tỷ đồng, tương ứng giảm 6,4% so với ngày 1/1.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của doanh nghiệp.

Tập đoàn Geleximco, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội ra đời năm 1993 do ông Vũ Văn Tiền sáng lập, với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Trên website, Geleximco giới thiệu là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Việt Nam được phép kinh doanh xuất nhập khẩu trực tiếp.

Tập đoàn này hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

Trước năm 2000, Geleximco cùng với đối tác Nhật bản, Thái Lan thành lập Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ôtô xe máy Việt Nam (VAP). Nhà máy được xây dựng tại xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với tổng số vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

Tiếp đó, tập đoàn của ông Vũ Văn Tiền tiếp tục triển khai dự án liên doanh sản xuất mỳ ăn liền cùng Vifon - Acecook và sau đó xây dựng nhà máy sản xuất bao bì phục vụ cho nhà máy mỳ ăn liền cũng như xuất khẩu tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 

Geleximco cũng đã đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bột giấy với Nhà máy An Hoà (tỉnh Tuyên Quang) với tổng mức đầu tư gần 450 triệu USD. Bên cạnh đó, Geleximco còn đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức vốn đầu tư dự án 350 triệu USD.

Ngoài ra, tập đoàn còn đầu tư Nhà máy nhiệt điện Thăng Long với 2 tổ máy có tổng mức đầu tư 900 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh. Năm 2018, nhà máy chính thức vận hành thương mại điện.

 Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long. (Ảnh: Geleximco).

Trong lĩnh vực bất động sản, Geleximco có các dự án như: Khu đô thị Thành phố Giao lưu, An Bình City, Gelexia Riverside, Geleximco Lê Trọng Tấn, Khu đô thị Cái Dăm, Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng – Dragon Ocean Do Son,...

Cùng với sản xuất công nghiệp và bất động sản, tài chính - ngân hàng cũng là lĩnh vực kinh doanh quan trọng của Tập đoàn Geleximco với việc thành lập và trở thành cổ đông lớn của Ngân hàng An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, CTCP Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Geleximco đang lưu hành ba lô trái phiếu tổng trị giá hơn 2.970 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3 năm, được phát hành vào hai tháng cuối cùng của năm 2021. Lãi suất phát hành dao động 9,5% - 10%/năm.

Cũng trong năm 2021, các thành viên thuộc Geleximco cũng lần lượt huy động hàng trăm tỷ đồng trái phiếu. Đơn cử hồi tháng 8-9/2021, Công ty Đầu tư và Du lịch Vạn Hương cũng đã huy động thành công 1.900 tỷ đồng trái phiếu qua 3 đợt phát hành với giá trị lần lượt là 400 tỷ đồng, 500 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

Mục đích huy động vốn là để bổ sung vốn đầu tư, xây dựng khu số IX...thuộc dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (phường Vạn Hương, Hải Phòng). Trái phiếu Vạn Hương phát hành không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản.

Để huy động vốn cho 3 lô trái phiếu kể trên, Vạn Hương đã thế chấp tại Ngân hàng An Bình (ABBank) lần lượt khu V (Khu đảo Con Sò) lô đất thuộc khu IX của dự án Đồi Rồng. Ngoài ra Vạn Hương còn thế chấp 25 triệu cổ phiếu ABB của Ngân hàng An Bình thuộc sở hữu của các tổ chức/cá nhân đảm bảo khác.

Trái phiếu của Vạn Hương cũng được Geleximco bảo lãnh vô điều kiện và không hủy ngang cho toàn bộ các nghĩa vụ của Vạn Hương liên quan đến trái phiếu. 

Năm 2021, Glexhomes trong hệ sinh thái cũng đã huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu và CTCP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh Bất động sản HTL Việt Nam cũng nhận về 800 tỷ đồng trái phiếu để mua bất động sản ở Tuy Hòa, Phú Yên.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.