Hãng thông tấn nước ngoài viết về công ty kinh doanh ống hút cỏ thân thiện với môi trường ở Long An
Anh Trần Minh Tiến, 32 tuổi, đang điều hành công ty ống hút cỏ 3T tại một ngôi làng nằm sâu trong đồng bằng sông Mekong, nằm về phía tây TP HCM, nơi tập trung nhiều cỏ cói xám mọc hoang dã ở vùng đầm lầy, Reuters mô tả.
Trong ca làm việc, công nhân sẽ cùng anh Tiến phân loại cỏ, cắt chúng thành những đoạn dài bằng nhau và sau đó làm sạch trước khi nướng ống hút trong lò hoặc phơi ngoài trời nắng trong hai hoặc ba ngày.
Anh Tiến bắt đầu kinh doanh ống hút cỏ vào năm 2017. Hiện nay 3T sản xuất khoảng 3.000 ống hút mỗi ngày, đạt lợi nhuận khoảng 400 USD/tháng (hơn 9 triệu đồng/tháng). Reuters dẫn lời anh Tiến cho hay, thời hạn sử dụng loại ống hút cỏ này có thể đến 6 tháng.
Tuy nhiên, anh Tiến hiểu ống hút cỏ không phải là giải pháp vĩnh viễn cho vấn nạn môi trường do nguồn cung cỏ hạn chế tại Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Đại học Georgia, Việt Nam là nước gây ô nhiễm nhựa biển thứ tư thế giới.
"Tôi tìm đến ống hút cỏ như một giải pháp tạm thời cho ống hút nhựa, nhằm giảm một phần thiệt hại chúng gây ra cho môi trường", ông chủ công ty 3T phát biểu.
Khi nhu cầu dành cho ống hút cỏ tăng, anh Tiến cảm thấy bản thân cần thận trọng về tốc độ mở rộng doanh nghiệp.
"Ngay từ khi bắt đầu hình thành ý tưởng, tôi biết việc thu hoạch không bao giờ có thể vượt quá tốc độ sinh trưởng tự nhiên của cỏ", anh nói. "Thiên nhiên cũng phải có đủ thời gian để phục hồi".
"Anh Tiến nghĩ chuyển từ ống hút nhựa sang ống hút cỏ là một bước sáng tạo, nhưng sẽ mất một thời gian để mọi người làm quen với thói quen mới", Reuters dẫn nhận xét của anh Lê Hồng Phúc, một sinh viên đại học tại Hà Nội.