|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hàng loạt dự án bất động sản đang bị 'bó chân' chờ thủ tục

08:31 | 23/06/2017
Chia sẻ
Thị trường căn hộ tại TP.HCM từ đầu năm đến nay chứng kiến nguồn cung tung ra thị trường khá nhỏ giọt. Xu hướng này không phải vì các chủ đầu tư lo sức cầu kém, mà chủ yếu là do vướng thủ tục, trong đó có chủ đầu tư vì nóng lòng đã công bố dự án ra thị trường để huy động vốn trong khi thủ tục chưa hoàn tất.

hang loat du an bat dong san dang bi bo chan cho thu tuc

Mặc dù chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất qua đất ở, nhưng chủ đầu tư Centa Park đã xây dựng nhà mẫu (nay đã tháo dỡ), thi công phần móng…

Khan hiếm nguồn cung dự án tốt

Trái ngược với cơn sốt đất nền, phân khúc thị trường căn hộ tại TP.HCM từ đầu năm đến nay tỏ ra khá trầm lắng. Theo các chuyên gia phân tích, xu hướng này không phải xuất phát từ nhu cầu sụt giảm, mà là do hạn chế nguồn cung có chất lượng.

Ghi nhận của Đầu tư Bất động sản cho thấy, số lượng dự án căn hộ được tung ra thị trường thời gian qua khá hạn chế, có doanh nghiệp hầu như không có dự án nào được chào bán ra thị trường. Do nguồn cung khan hiếm, nên nhiều dự án tốt của các chủ đầu tư uy tín trên thị trường như Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh, Him Lam Land, Nam Long… chỉ vừa cần tung ra thị trường, đã nhanh chóng được bán sạch.

Điển hình có thể kể đến dự án Him Lam Phú An (quận 9) do Him Lam Land làm chủ đầu tư, được giới thiệu ra thị trường trong thời gian ngắn, nhưng hầu như sản phẩm đều được khách hàng đón nhận.

Trong khi đó, được mệnh danh là một trong những “ông trùm” phân phối căn hộ, nhưng tính từ đầu năm đến nay, Hưng Thịnh mới chỉ chính thức tung ra thị trường được hai dự án căn hộ là dự án Moonlight Boulevard tại quận Bình Tân và dự án Richmon City trên đường Nguyễn Xí, thuộc quận Bình Thạnh với nguồn cung của hai dự án trên với gần 1.000 căn hộ, đã được bán hết trong thời gian ngắn.

hang loat du an bat dong san dang bi bo chan cho thu tuc

Hiện nay, Hưng Thịnh không còn nguồn hàng căn hộ để bán ra thị trường, mà chuyển sang bán các dự án đất nền, nhà phố, trong đó có một dự án tại Bắc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và một dự án biệt thự, nhà phố tại quận 2, TP.HCM.

Ngoài Him Lam, Hưng Thịnh, nhiều doanh nghiệp quen thuộc trên thị trường như Novaland, Đất Xanh, Phúc Khang, An Gia… thời gian qua cũng không có nhiều dự án được công bố ra thị trường.

“Trong vài năm trở lại đây, nhất là giai đoạn 2014 - 2016, thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp có năng lực tài chính ráo riết săn tìm mua lại các dự án bật động sản xây dựng dở dang có vị trí tốt để mua, sau đó khởi động lại và cung ứng ra thị trường. Do vậy, đến thời điểm hiện nay, quỹ đất ở những khu vực trung tâm TP.HCM đã thực sự khan hiếm”, ông Nguuyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land nói.

Cũng theo ông Hiền, thực tế của thị trường căn hộ gần đây cho thấy, sự chững lại của thị trường không phải do nhu cầu sụt giảm, thậm chí nhu cầu tìm mua căn hộ của người tiêu dùng vẫn đang rất lớn (chủ yếu tập trung vào những dự án tốt), mà cơ bản là do nguồn cung đủ đáp ứng như cầu thực này vẫn đang rất khan hiếm.

“Nếu nói thị trường hiện nay đang thiếu hoặc thừa nguồn cung đều đúng. Thiếu là thiếu các dự án được đầu tư bài bản, có vị trí tốt, nhưng lại thừa các dự án dở dang, chủ đầu tư thiếu uy tín, yếu năng lực”, ông Hiền nói.

Dự án vướng thủ tục và “vượt rào” thủ tục

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Bất động sản, trong khi thị trường đang có sự khan hiếm nguồn cung dự án đủ điều kiện đưa ra thị trường, thì vẫn còn hàng trăm dự án đang bị “bó chân” do vướng thủ tục.

Mới đây nhất, qua báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM về tình hình thực hiện các dự án nhà ở có sử dụng nguồn gốc đất công cho thấy, hàng loạt dự án đang bị ách tắc bởi thủ tục, trong đó có dự án, chủ đầu tư nóng lòng “làm liều” tung ra thị trường khi thủ tục chưa hoàn tất.

Trong số này có dự án Centa Park ở quận Tân Bình. Từ năm 2014, trên thị trường bất động sản đã từng xuất hiện thông tin về dự án “khủng” 4 mặt tiền Đồng Đen - Âu Cơ - Thoại Ngọc Hầu - Bầu Cát 8, quy mô 2,2 ha với hơn 1.500 căn hộ. Dự án được quảng bá với tên thương mại Centa Park do Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon) và Công ty cổ phần Thanh Niên (Thanh Niên Corporation) làm chủ đầu tư.

Vào thời điểm trên, nhà mẫu của dự án được đầu tư xây dựng hoành tráng, trên các trang mạng, các công ty môi giới đưa ra những lời “có cánh” về dự án, cập nhật tiến độ thi công, công bố giá bán, tiến độ thanh toán, khách hàng muốn “mua” nhà tại đây phải đặt cọc 50 triệu đồng để chờ ngày ký hợp đồng mua bán…

Tuy nhiên, không rõ vì nguyên nhân gì, sau sự cố Thanh Niên Corporation đem “sổ hồng” những căn hộ tại chung cư Thanh Niên (đường Trương Công Định, quận Tân Bình) mà chủ đầu tư đã bán cho khách hàng “cắm” ngân hàng, thì toàn bộ những tấm pano quảng cáo bao quanh dự án Centa Park, cũng như những khu nhà mẫu khá đẹp và hoành tráng nằm trong khuôn viên dự án bị phá dỡ, tháo đi.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, dự án trên do Seaprodex Saigon làm chủ đầu tư với tên gọi “Khu phức hợp tại 678 Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình” và mới được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư tại Quyết định 4217/QĐ-UBND ngày 16/8/2016 về công nhận chủ đầu tư và chấp nhận đầu tư.

Đặc biệt, cho đến đầu tháng 5/2017, chủ đầu tư vẫn chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này có nghĩa là khu đất này vẫn chưa phải là đất ở, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng… Tuy nhiên, chủ đầu tư và những đơn vị hợp tác trước đó là không rõ ràng thông tin, tổ chức thu tiền của khách hàng. Mặc dù pháp lý chưa hoàn chỉnh, nhưng hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công tầng hầm.

Ngoài dự án nói trên, hàng loạt dự án nhà ở có nguồn gốc đất công khác được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm nay, nhưng chủ đầu tư vẫn chưa thự hiện các thủ tục cần thiết để chuyển mục đích sử dụng đất nhằm triển khai dự án gây lãng phí.

Chẳng hạn dự án chung cư kết hợp thương mại dịch vụ tại 199 Nam kỳ khởi nghĩa, quận 3 do Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc III làm chủ đầu tư; dự án Khu dân cư quy mô hơn 85.000 m2, phường Tân Phú, quận 9 do Công ty cổ phần Dịch vụ nông nghiệp và Thương mại Thuận Kiều làm chủ đầu tư; dự án khu phức hợp cao ốc văn phòng quy mô hơn 56.000 m2, tại phường Hiệp Phú, quận 9 do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cấp thoát nước làm chủ đầu tư; dự án Trung tâm thương mại và chung cư quy mô 11.900 m2, tại 117 Âu Cơ, quận Tân Phú do Công ty cổ phần Bất động sản Bình Tây - Thảo Loan làm chủ đầu tư…

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa, với thủ tục hiện nay, để hoàn thiện thủ tục đầu tư một dự không hoàn toàn đơn giản. Sở dĩ trong 2 năm qua, nguồn cung dự án được tung ra thị trường khá nhiều là do các dự án này đã có thâm niên khá lâu, trong đó có nhiều dự án đã được hình thành từ giai đoạn sốt đất năm 2007 - 2008, sau đó bị trùm mền do thị trường đóng băng, rồi sống lại từ các thương vụ M&A. Còn với các dự án mới đều đang chờ đợi hoàn thiện pháp lý, nên chưa biết đến lúc nào sẽ được tung ra thị trường”, ông Trần Khánh Quang nói.

Ông Quang nhấn mạnh thêm, với thị trường căn hộ có mức giá tầm trung hiện nay, nhu cầu rất lớn, nhưng thị trường đang đứng trước thực tế là thị trường đang chờ dự án, còn dự án đang chờ thủ tục.

Tăng Triển