Hàng không, du lịch năm 2023: Chính phủ nới visa, hàng không tái cơ cấu đến 'lùm xùm' Phú Quốc
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 12,6 triệu lượt, gấp 3,4 lần năm trước và cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.
Lượng khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Mặc dù khách nội địa không tăng trưởng nhiều song khách quốc tế lại tăng cao cho thấy tín hiệu tích cực của ngành du lịch.
Nới visa - "liều thuốc" với du lịch quốc tế
Trong ba tháng gần đây, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, cụ thể, tháng 10/2023 đạt 1,1 triệu lượt, tháng 11/2023 đạt hơn 1,2 triệu lượt người. Ước tính tháng 12, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,4 triệu lượt người, tăng 11,2% so với tháng trước và tăng 93,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân theo các chuyên gia là tác động tích cực từ việc Chính phủ nới chính sách thị thực (visa), tạo điều kiện thông thoáng cho du khách quốc tế đến Việt Nam dễ dàng hơn.
Theo đó, từ ngày 15/8, du khách từ một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày và nâng hạn visa điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần. Đây là một trong những lý do khiến ba tháng gần đây, khách nước ngoài đến Việt Nam tăng rất mạnh.
Tuy nhiên, so với năm 2019 lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 70%. Trong khi đó, trong khu vực ASEAN, Malaysia đã phục hồi hoàn toàn so với trước dịch khi đạt mốc 26 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023. Còn Thái Lan đón hơn 23 triệu lượt khách sau 11 tháng và đặt mục tiêu phục hồi 75% so với cùng kỳ 2019.
Điều này đặt ra thách thức về việc phục hồi du lịch hậu đại dịch COVID-19 khi Việt Nam mở cửa từ rất sớm (15/2/2022) nhưng lại "đi trước về sau".
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group giải thích nguyên nhân khiến Việt Nam tuy mở cửa sớm nhưng lại thua Thái Lan, Malaysia: "Họ có chiến lược phục hồi tốt, trong khi chúng ta thiếu các chiến lược ngắn, trung và dài hạn", ông Hà nói và cho biết các doanh nghiệp du lịch, khách sạn tại Việt Nam hầu như đã đã trải qua một năm 2023 hết sức ảm đạm.
Hàng không còn nhiều khó khăn
Đối với ngành hàng không, dù thị trường có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế nhưng môi trường vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Thông tin tại Đại hội cổ đông 2023 của Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết năm 2023 hàng không có dấu hiệu tích cực hơn đôi chút những vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Với thị trường nội địa, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, tình hình kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, việc quá tải về cơ sở hạ tầng của các sân bay vẫn tiếp tục diễn biến trầm trọng. Hạ tầng quá tải tại sân bay nội địa, nhất là Tân Sơn Nhất, Nội Bài được cho là đã gây thiệt hại cho Vietnam Airlines gần 500 tỷ đồng năm 2023.
Còn với thị trường vận tải hàng không quốc tế, sau khi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, sản lượng khách luân chuyển dự kiến trong năm 2023 sẽ phục hồi được 88% so với năm 2019. Tuy nhiên, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương vẫn gặp khó khăn do nhóm đường bay Trung Quốc, Hông Kông đã mở cửa nhưng hồi phục rất chậm.
Bên cạnh đó, hàng không còn chịu tác động tiêu cực từ việc giá nhiên liệu bay vẫn ở mức cao và tỷ giá biến động mạnh. Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, giá nhiên liệu bình quân cả năm 2023 khoảng 106,86 USD/thùng khiến chi phí nhiên liệu của hãng tăng so với năm 2019 khoảng 6.020 tỷ đồng. Trong các tháng cuối năm, giá nhiên liệu đang biến động rất mạnh, rủi ro giá nhiên liệu cuối năm 2023 rất khó lường do nhiều yếu tố không chắc chắn về kinh tế vĩ mô, thị trường năng lượng và địa chính trị thế giới.
Một yếu tố nữa tác động đến các hãng hàng không của Việt Nam là tỷ giá. Năm 2023, tỷ giá bình quân USD/VND là 23.900, cao hơn năm 2022 khoảng 2%.
Những khó khăn của môi trường vĩ mô cùng với vấn đề nội tại của doanh nghiệp cũng khiến một số hãng hàng không phải lao đao. Trong năm qua, Bamboo Airways đã cắt giảm hơn 2/3 đội bay từ 30 xuống còn 9 chiếc để tái cơ cấu toàn diện.
Hãng cũng cắt giảm cả số chuyến bay và nhân sự để tiết giảm chi phí tối đa. Hiện hãng hàng không này khai thác 16 đường bay nội địa và bay thuê chuyến quốc tế với đội bay gồm 9 chiếc.
Lùm xùm Phú Quốc, khi hàng không, du lịch không "bắt tay nhau"
Vấn đề đáng chú ý ở ngành hàng không, du lịch năm 2023 là vụ lùm xùm tại Phú Quốc khi các doanh nghiệp cho rằng việc vắng khách do vé máy bay tăng cao. Ngược lại, các hãng hàng không "phản pháo" là do giá dịch vụ đắt đỏ.
Từ một điểm du lịch được coi như Bali của Indonesia, năm 2023 Phú Quốc rơi vào tình trạng "tụt dốc không phanh".
Trong buổi làm việc giữa tỉnh Kiên Giang với các doanh nghiệp, Hiệp hội đầu tư phát triển du lịch Phú Quốc ngày 14/10, chính quyền tỉnh và đại diện doanh nghiệp nhận định, nguyên nhân du lịch Phú Quốc sụt giảm một phần do giá vé máy bay đến đảo tăng cao so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, giá dịch vụ đắt đỏ, xảy ra cả tình trạng "chặt chém" cũng là nguyên nhân khiến Phú Quốc mất điểm trong mắt du khách.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Hà, CEO Lux Group, vấn đề tại Phú Quốc xuất phát từ kế hoạch phát triển du lịch thiếu tầm nhìn đã diễn ra trong nhiều năm.
Cụ thể, từ vị trí một hòn đảo trung tâm châu Á, thậm chí là đẳng cấp thế giới, phù hợp để hướng đến thu hút nhóm khách quốc tế sang trọng theo kiểu “ít mà chất”, Phú Quốc đã xây dựng tràn lan để nhắm tới lượng khách Việt Nam đại trà. Trong khi đó, nhóm khách hàng cao cấp thích những trải nghiệm thiên nhiên, giàu tính bản địa.
Tình trạng Phú Quốc cũng tương tự như Sapa hay Nha Trang, từng là địa chỉ ưa thích của nhóm khách chi tiêu cao từ châu Âu, trước khi trở nên đông đúc vì đa dạng các nhóm khách hàng ở phân khúc thấp hơn. Để mang tính quốc tế, quản lý điểm đến cần bền vững, không cần quá nhiều khách.
Vấn đề thứ hai là cuộc "cạnh tranh về đáy" của các địa phương khi các tỉnh chạy đua thu hút thật nhiều nhà đầu tư bằng việc đưa ra nhiều ưu đãi song vô hình chung khiến du lịch phát triển tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính quy hoạch.
Du lịch tại Phú Quốc phát triển quá nóng, ồ ạt mà không được chuẩn bị kỹ càng cả về tâm thế lẫn năng lực quản trị điểm đến. Khách đông đúc, “chặt chém” về giá cả, chất lượng dịch vụ không được cải thiện, môi trường tự nhiên bị tàn phá…
Đây là một trong những nguyên nhân khiến khách chi tiêu cao rời bỏ, khách đại trà cũng dần quay lưng. Vì vậy, thay vì những giải pháp ngắn hạn là bàn câu chuyện giảm giá vé máy bay, nhà hàng, khách sạn và đẩy mạnh xúc tiến…cần tập trung nhìn vào các vấn đề cốt lõi liên quan đến nội lực để nâng cấp chính mình, ông Hà cho hay.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng để phát triển du lịch ngoài việc trông chờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn từ chính phủ ngành du lịch cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phục hồi.
Trong gần ba năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm ngưng hoạt động, đóng cửa trong thời gian dài, dẫn đến một lực lượng lớn lao động du lịch đã chuyển sang các ngành khác. Vì vậy, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ hấp dẫn cũng là nguyên nhân khiến du lịch Việt Nam kém sức cạnh tranh.
Theo ông, muốn để hình ảnh du lịch Việt Nam được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện thì mới có thể cạnh tranh được với Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.